5449. Môi trường mà biết nói năng...

Môi trường mà biết nói năng...

Đặng Quỳnh Giang

(TBKTSG) - Một số người muốn khoe thân, gây sự chú ý với thiên hạ, đã không ngần ngại cởi quần áo, tạo dáng chụp hình bên những dòng suối, trong những cánh rừng. Họ giải thích những bức ảnh khỏa thân ấy là để kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường!
Rồi tới những công trình giao thông hay công trình xây dựng ngốn hàng trăm ngàn tỉ đồng, đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì nứt nẻ, sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng. Để thoái thác trách nhiệm, chủ đầu tư và đơn vị thi công thường cho rằng các sự cố đó là do địa chất, địa hình, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu..., tựu trung cũng là vì môi trường - yếu tố được cho là khách quan, thậm chí được liệt vào hàng “bất khả kháng”, mặc dù ai cũng biết nguyên tắc cơ bản của xây dựng là trước khi thi công ở đâu thì đều phải điều nghiên, khảo sát, tính toán và đưa ra phương án thích nghi hoặc chống lại được các đặc tính môi trường ở nơi đó.

Gần đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội mức thuế bảo vệ môi trường tối đa áp dụng cho xăng dầu là 8.000 đồng/lít. Đề xuất này đã khiến cho người dân, doanh nghiệp lo lắng giá xăng bị đẩy lên cao và khi mà các mức thuế, phí đã chiếm hơn 50% giá bán đến người dùng.
Điều đáng lưu ý là khi đề xuất tăng thuế, người ta vin vào lý do “bảo vệ môi trường” nhưng lại không thấy đưa ra những mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như để trồng thêm bao nhiêu héc ta rừng; giảm chỉ số ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính như thế nào; xây bao nhiêu công trình bờ kè ở những vùng xói lở...; hoặc ít ra cũng phải có sự tính toán với mức thuế mới thì tỷ lệ tiêu dùng xăng có thể giảm được bao nhiêu... Ngược lại, trên thực tế, đơn vị chủ trì đề xuất ý tưởng này đã không ít lần tư vấn cho Chính phủ và Quốc hội rằng áp dụng mức thuế mới có thể góp phần giải quyết nguồn ngân sách eo hẹp hiện tại. Trước đó chưa lâu, một vị lãnh đạo hiệp hội xăng dầu cũng ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này với lập luận đóng thuế giúp tăng thu ngân sách là trách nhiệm công dân.
Cho nên không thể trách nhiều người cho rằng cái tên thuế “bảo vệ môi trường” chỉ là cách gọi, bởi người dân chưa thấy môi trường là đối tượng được thụ hưởng nguồn thuế ấy. Trong khi đó, nạn phá rừng, hút cát, xả thải ra môi trường... vẫn cứ tồn tại, không thấy ai can thiệp.
Môi trường là những gì chúng ta hít thở, sử dụng, tương tác hàng ngày và là tài sản chung cần phải được bảo vệ, hướng đến cộng đồng, hướng đến sự phát triển bền vững và thể hiện trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Nhưng môi trường cũng đang bị lạm dụng!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.