5383. NÓI THÊM VỀ VỀ VĂN HÓA

NÓI THÊM VỀ VỀ VĂN HÓA  
PNTB 
Trong cuộc sống, người ta nhắc đến từ VĂN HÓA rất nhiều. Nhưng để hiểu cho rõ ngọn ngành khái niệm đó thì cũng không đơn giản. Những nhà nghiên cứu, dưới góc độ học thuật hình như đã đưa ra đến mấy trăm định nghĩa về văn hóa mà xem ra có vẻ vẫn chưa đủ!…Tóm lại, nói đến văn hóa là nói đến sự đa dạng, vừa trừu tượng vừa cụ thể, vừa vi mô vừa vĩ mô, vừa trong từng cá nhân, vừa bao trùm cả chế độ xã hội. Chẳng qua là văn hóa nó xuyên suốt trong đời sống con người, mà đời sống thì vô cùng phong phú...
Sau mấy chục năm “đổi mới”, BCH Trung ương đảng đã 2 lần ra NQ chuyên đề về văn hóa (NQTW5 khóa VIII – 1998 và NQTW9 khóa XI- 2014), nhưng phải thừa nhận rằng sau các NQ, nền văn hóa đất nước không có gì khả quan hơn, trái lại có nhiều người còn bức xúc kêu lên: Văn hóa của chúng ta đang tụt xuống đáy rồi, nghĩa là xuống đến chỗ không còn xuống được nữa! Hóa ra văn hóa nó không sợ Nghị quyết, nó vẫn tiếp tục suy thoái. Đáng buồn. 

Từ nhiều năm nay, những người “có chữ” đưa ra không biết bao nhiêu khía cạnh văn hóa: Văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức, Văn hóa kinh doanh, Văn hóa doanh nghiệp, Văn hóa công sở, Văn hóa lãnh đạo, Văn hóa Đảng, Văn hóa nông thôn, Văn hóa thành thị, Văn hóa ẩm thực, Văn hóa du lịch,  Văn hóa ứng xử, Văn hóa gia đình, Văn hóa đọc, Văn hóa nghe nhìn… vv và vv…Nếu cứ liệt kê chắc suốt cả ngày không hết? Song nói đến lĩnh vực nào thì văn hóa lĩnh vực ấy cũng đều có vấn đề. Nghĩa là nó xuống cấp toàn tập? 

Hồi còn hay đi xem phim rạp, có nhiều lần đang xem thấy mấy anh chị tự nhiên rú lên khi xem đến những pha hấp dẫn, như thể ở chốn không người. Hoặc vừa xem vừa “thuyết minh” oang oang với bạn ngồi cạnh, cứ như để nói với cả rap!? Rất nhiều khán giả thấy khó chịu, nhưng phần lớn người ta lơ đi cho lành. Song cũng có người lụng bụng: “Một lũ vô văn hóa”… 

Bây giờ sự vô văn hóa nó không chỉ còn khuôn trong những ứng xử nhỏ nhặt như thế, mà nó “hoành tráng”, ở một tầm cao hơn, nó phát triển thành cái vô cảm, độc ác, “tiến lên” phạm trù ý thức đạo đức. Gần đây ông bạn hàng xóm của mình ca cẩm: “Ở VN bây giờ có hội chứng “ghét người giầu”!. Mình bảo, không phải thế. Bản chất của vấn đề là người ta ghét cái sự giầu không minh bạch, tức là nghi ngờ nguồn gốc của cái giầu do tham nhũng, ăn cắp, lừa đảo… mà có, dù ai đó có thanh minh rằng, phải lao động thối móng tay, phải chạy xe ôm, phải buôn chổi chít…thì càng nói càng tạo ra những pha hài hước trong cái sân khấu cuộc đời đầy bi hài. Hơn nữa những kẻ giàu có ấy, phần nhiều trong giới “công bộc của dân”, sống phè phưỡn ngay bên cạnh những người dân còn bao gian nan vất vả. Va chạm với những người nghèo khổ, bất hạnh mà trái tim họ vẫn lạnh như băng. Một kẻ do may mắn hay mánh khóe có ăn, ăn ngon, ăn phung phí ngay bên cạnh đồng loại đang đói khát nhưng không hề xúc động thì đó là hành vi gì, nếu không gọi đúng tên của nó là NHẪN TÂM !… Những “tấm gương” như thế càng ngày càng nhiều. Nó sờ sờ ra, chả cần phải dẫn chứng. Song cũng xin trích một đoạn văn sau của một nhà thơ để thấy rõ:   

Trong khi tỉnh Yên Bái còn nghèo, đứng thứ 6/10 tỉnh nghèo nhất nước, hộ nghèo chiếm tới 34% dân số, thì có những cán bộ có nhà cửa rất to rất rộng rất hiện đại mà giờ được đồng loạt gọi là “biệt phủ”. Nó đối lập hoàn toàn với đời sống chung của nhân dân trong tỉnh… - Nhà thơ Văn Công Hùng – Theo ông thì Sự ngăn cách ấy, cái khoảng cách giàu nghèo ấy, rõ ràng là, nó đã XÚC PHẠM ĐẾN LÝ TƯỞNG RẤT CAO ĐẸP của đảng và nhân dân là mục tiêu: DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”
 (http://vannghethainguyen.vn/ctview/id/8252/). Đó là ông đang nói về hiện tượng Yên Bái với những biệt phủ của quan chức có quyền lực mà gần đây công luận đang phanh phui, đang nhạo báng. Đáng tiếc là Yên Bái đâu phải là cá biệt !...
Qua đó, mình nghĩ: VĂN HÓA LÀ SỰ HIỂU BIẾT LẪN NHAU, QUAN TÂM LẪN NHAU TRONG QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI. Không biết có đáng được bổ sung thêm vào kho tàng định nghĩa về Văn hóa của VN hiện nay?.
(Những hình ảnh trong statuss này là sưu tầm trên mạng để minh họa) 
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.