5309. Việt Nam chưa tìm thấy lối thoát khỏi vực thẳm nợ nần

Việt Nam chưa tìm thấy lối thoát khỏi vực thẳm nợ nần

Nhà máy bột giấy Phương Nam - một trong những dự án được chính phủ Việt Nam bảo lãnh vay 3,000 tỷ đồng để thực hiện và giờ đang dốc túi để trả nợ thay. Không có ai bị truy cứu trách nhiệm về dự án này. 
    
(Ảnh:: Báo điện tử VietNamNet)
Ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính, lại tiếp tục cảnh báo về sự bế tắc trong việc giải quyết tình trạng nợ nần đang càng ngày càng trầm trọng.
Tại cuộc thảo luận về dự luật sửa Luật Quản Lý Nợ Công hiện hành, thêm một lần nữa, ông Dũng bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam “không làm mà vẫn phải ăn.” Cách nay ba tháng, ông từng khuyến cáo, nếu Việt Nam tiếp tục thu – chi ngân sách như thời gian vừa qua thì& “chỉ có chết!”
Ông dự đoán, giống như năm ngoái, năm nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ không đạt chỉ tiêu mà Quốc Hội đề ra (6.7%). Theo Luật Ngân Sách Nhà Nước, nếu ngân sách không thu đủ mức dự trù thì phải giảm chi nhưng nhiều năm nay, hệ thống công quyền của Việt Nam không thực hiện được quy định đó. Thậm chí chi tiêu không những không giảm mà còn tăng nên nợ nần tăng theo và sẽ còn tiếp tục tăng nữa.
Theo ông, vào lúc này, nợ nần của Việt Nam vẫn tăng rất nhanh, áp lực trả nợ trong thời hạn ngắn càng ngày càng lớn, an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa.
Từ năm 2001 đến 2015, nợ ngoại quốc đã tăng 6.5 lần so với trước đó. Nếu tính theo các chủ nợ chính thì nợ Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) tăng 20.3 lần (từ 7.5 ngàn tỷ đồng thành 151.1 ngàn tỷ đồng), nợ Ngân Hàng Thế Giới (WB) tăng 11.5 lần (từ 23.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 274.2 ngàn tỷ đồng), nợ Nhật tăng 6.8 lần (từ 35.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 243.9 ngàn tỷ đồng).
Dẫu nợ nần tăng vọt nhưng bộ trưởng Tài Chính thú nhận, việc quản lý, sử dụng tiền vay còn bất cập, phân bổ tiền vay dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao. Đó là lý do nhiều dự án sử dụng tiền chính phủ Việt Nam đi vay và tiền được chính phủ đứng ra bảo lãnh để được vay không trả được nợ và chính phủ Việt Nam phải trả nợ thay.
Cho đến nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa gắn kết nghĩa vụ quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.
Đối với nợ trong nước, từ năm 2010 đến 2016, chính phủ Việt Nam đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 1,277 ngàn tỷ đồng. Tính ra mỗi năm, giá trị lượng trái phiếu được phát hành tăng thêm 36%/năm.
Ước đoán tổng quát, đến cuối năm 2016, nợ nần của Việt Nam tương đương 63.7% GDP, trong đó nợ ngoại quốc tương đương 44.3% GDP và số tiền phải trả nợ tương đương 14.8% ngân sách.
Tuy tình hình hết sức bi đát và nguyên nhân đã được chỉ rõ nhưng theo một số đại biểu Quốc Hội, dự luật sửa Luật Quản Lý Nợ Công hiện hành vẫn còn hết sức sơ sài.
Ông Trần Quang Chiểu, một đại biểu của tỉnh Nam Định, yêu cầu phải xác định trách nhiệm cá nhân của những người dính líu đến tiền đi vay.
Theo ông Trần Đình Gia, một đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh, dự luật này chưa dự trù được cách thức ngăn chặn doanh nghiệp nhà nước tạo ra nợ nần, đặc biệt là nợ ngoại quốc vì nếu các doanh nghiệp nhà nước này không trả được nợ thì nhà nước cũng phải trả thay. Dự luật sửa luật cũng chưa giải quyết được tình trạng chính phủ dùng tiền đã vay cho chính quyền các địa phương vay lại và cuối cùng, phải xuất công khố trả nợ thay vì chính quyền các địa phương không trả được nợ.
Theo ông Dũng, từ 2010 đến 2016, chính phủ Việt Nam đã đứng ra bảo lãnh cho khoản nợ 632.8 ngàn tỷ đồng để “hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng” và chính quyền các địa phương đã vay 139 ngàn tỷ đồng. 
(Người Việt / Bùi Văn Bồng)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.