5242. Chớ nên “cá nhảy lên bờ”

Chớ nên “cá nhảy lên bờ”
PNTB
Ảnh minh họa: internet
Chiều hôm 4/5/2017, trong cuộc họp báo Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trả lời: Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”, khiến mạng xã hội lại được một ‘bữa tiệc’ đàm tiếu no nê.
Nhà báo Nguyễn Thông viết trên trang blog của mình: “Ngứa nghề, tôi phải biên tập lại lời ‘đồng chí’ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng…Ông Dũng à, ông nói vậy khó nghe quá, chả có tí DŨNG nào, phí cái tên các cụ đặt cho. Các bố làm sai mà chỉ nhận lỗi thì hài hước quá. Kiểu này thì nhận lỗi cả ngày được. Thế các bố đứng ngoài, đứng trên pháp luật à, pháp luật không có tị ti giá trị gì à. Pháp luật chỉ dành cho dân à...”.
Thực ra câu nói của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng là ‘thật thà’ phản ánh mối quan hệ Đảng – Dân đã và đang bị doãng ra, theo ngôn từ của Đảng là làm “xói mòn lòng tin của nhân dân”. Song, với câu nói đó khiến có rất nhiều người, thậm chí cả những chị em dịu dàng xinh đẹp, vốn ít nói mà vẫn bức xúc, ‘nặng lời’ với ông Bộ trưởng, thậm chí bảo “ngu”, “dốt” và nhiều câu khó nghe lắm. Nhiều ý kiến bức xúc vì câu nói của Bộ trưởng không biết vô tình hay hữu ý đã chỉ ra một cái hố ngăn cách giữa Cán bộ (ở đây xưng là “ta”) và Nhân dân (ở đây gọi là “dân”), cũng có nghĩa một bên là Đảng, Nhà nước, Chính quyền mà Cán bộ là đại diện với bên kia là Nhân dân. Đó là điều mà cả Đảng và Dân chắc đều không muốn…
Trả lời một bạn Facebook, mình đã viết: “Theo bản chất chế độ chúng ta xây dựng – CNXH – thì Cán bộ và Dân phải cùng một phía, phải bình đẳng, phải hòa đồng… Nhưng không biết từ bao giờ, Cán bộ tự tách ra, đứng trên Dân, tựa hồ như những quan phụ mẫu...”. Có vô vàn dẫn chứng thực tiễn để thấy sự cách biệt đó. Rõ hơn cả có lẽ là trong lĩnh vực pháp luật. Tại sao 2 người dân chỉ ăn trộm 3 con vịt mà phải lãnh án 6 tháng và 9 tháng tù giam? (Baodatviet); hay do bức xúc, dám cãi lộn với cảnh sát giao thông giữa phố, rồi tát anh ta, chưa biết ai đúng ai sai, nhưng một thiếu nữ đã phải hầu tòa vì “chống người thi hành công vụ”! (Vnexpress)... Trong khi đó, cán bộ càng to càng khó truy tố. Khi phạm pháp, kể cả tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… cũng không dễ gì đưa ra vành móng ngựa như 2 thanh niên trộm 3 con vịt…  Cũng phải nói thật, ngày nay không người dân nào không nhìn thấy sự cách biệt quá lớn từ cuộc sống đời thường đến việc chấp pháp giữa Cán bộ và Dân. Đó là hai mảng màu đen – trắng rõ ràng…
Thế thì Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (và nhiều cán bộ khác) sao có thể không thấy điều đó. Hai mảng màu đen trắng đã ngấm trong lòng ông Bộ trưởng và, với tâm thế ấy, ông đã tự nhiên bật ra câu nói từ đáy lòng mình trước báo giới… Nhiều người ‘ném đá’ ông ấy là ngu dốt... Nhưng mình cho rằng không hẳn như thế. Có lẽ từ sâu thẳm trong lòng ông, đã thường trực sự cách biệt giữa Cán bộ và Dân, nên đấy cũng là lời nói tự nhiên ?!”. Một bạn “còm” rằng, “Có vẻ vô tình nhưng vì nó đã ngấm rồi, một bên là “Ta”, may bên kia không gọi là “Địch”, một lằn ranh rõ rệt…”.
“Một bên là TA, chữ dùng để chỉ Cán bộ chính quyền, rộng ra là Đảng; “May bên kia – Dân không bị gọi là ĐỊCH (!)
Còn nhớ, xưa nay Đảng luôn đề cao: Lấy Dân làm gốc. Đặc biệt không ai quên việc Tuyên giáo của Đảng luôn ví von rất đúng rằng “Đảng với Dân như Cá với Nước” – Dân là Nước, Đảng là Cá… Trong mối quan hệ đó, Cá không thể không có Nước. Cá với Nước vốn không có một sự ngăn cách nào.

Thế nhưng “một bộ phận không nhỏ…” mà Đảng nêu ra từ Nghị quyết 4, khóa XI (2012), tức là sau một thời gian khá dài nó đã hiện hữu trong cuộc sống, đã kéo Đảng dần xa Dân như Cá dần xa Nước.
Nay, một lời nói chính thống của quan chức cấp cao, mang danh NGƯỜI PHÁT NGÔN CHÍNH PHỦ, như công khai mặc nhiên coi Cán bộ của Đảng, Chính quyền khác biệt Dân. Sự không bình đẳng giữa Cán bộ và Dân, ngay cả trên lĩnh vực pháp luật, mà quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là, “Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”, đã gây cho người dân một cảm giác đang bị đối lập với Cán bộ, với Chính quyền và Đảng.
Dân đang bị đẩy ra “phía bên kia”…
Nếu Đảng với Dân như Cá với Nước mà cứ đẩy Dân ra như thế thì khác nào “cá nhẩy lên bờ”?
Chớ nên cá nhảy lên bờ
Cá xa nước, thì bây giờ tính sao?!
(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.