5226. Nhức nhối Đất đai

Nhức nhối Đất đai
PNTB
Tranh minh họa - Tuổi trẻ Cười
Con người ta sống nhờ đất, chết cũng lại về với đất, hay nói cách khác: Đất là yếu tố SỐNG CHẾT của con người đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Có lẽ biết rõ điều này nên Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta tháng 2/1930 do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo trong đó có khẳng định mục tiêu chiến lược là: “ …Đánh đổ Phong kiến, giành ruộng đất về cho dân cày”. Có như vậy mới tập hợp được lực lượng cách mạng của 90% nông dân, để lấy Dân làm… “Nước” cho “Cá” (Đảng) có môi trường sống. Vì thế, khi thực hiện mục tiêu đem ruộng đất về cho dân cày Đảng đã tiến hành cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Cho dù CCRĐ có sai lầm không nhỏ, làm đảo lộn văn hóa nông thôn, giết oan mất nhiều người… nhưng sau khi nhận ra sai lầm, Đảng sửa sai thì Dân lại 'vui như tết', sẵn sàng “đại xá” cho Đảng.

Đảng lãnh đạo 3 cuộc kháng chiến, Dân tin, một lòng theo Đảng kháng chiến đến cùng, không tiếc của cải, máu xương và tính mạng. Dành được thắng lợi rồi, Đảng và Dân cùng nhau xây dựng cuộc sống trong hòa bình. Nhưng quá trình “đổi mới đất nước”, Dân cày lại dần dần mất ruộng trong lúc chưa có kế sinh nhai gì thay thế, vấn đề đất đai lại có vẻ đi ngược với mục tiêu ban đầu của Cương lĩnh chính trị.

Đất đai do Hiến pháp (Cương lĩnh thứ hai của Đảng) ghi rõ là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, bắt đầu từ Hiến Pháp 1980. Thoáng nghe ai cũng phấn khởi vì cứ tưởng như mình có quyền lớn lắm. Nhưng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn dân không có cách gì để thực thi quyền sở hữu của mình; đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn bộ chênh lệch địa tô chỉ làm giàu cho các nhóm lợi ích nhỏ bé trong xã hội, thì đó chỉ là một sự đánh tráo khái niệm!” (TS. Nguyễn Sỹ Dũng, cựu Phó văn phòng Quốc hội / https://www.facebook.com/nguyensidzung)

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân giao Nhà nước (cụ thể là Chính quyền) quản lý”, nên nghiễm nhiên đất đai thuộc sở hữu chính quyền. Việc lấy đất của Dân giao cho Doanh nghiệp kinh doanh, Chính quyền các địa phương cho rằng đó là “hợp pháp”, bởi đã được Hiến định. Và khi Doanh nghiệp cần đất để kinh doanh thì nhà cầm quyền địa phương đâu có đại diện cho Dân (như Hiến Pháp quy định), hay chí ít cũng là người trọng tài, mà trái lại họ đứng về phía Doanh nghiệp, lấy danh nghĩa “phục vụ lợi ích chung”… Người dân thì nói: “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ở đây, người Dân hiểu rõ: với thân phận nghèo khó của mình thì họ chỉ là “gang”, có “tanh tao” màu mỡ gì đâu!.

Kết quả là những khiếu kiện, kêu cứu thuộc lĩnh vực đất đai, “nhức nhối” lên tận Nghị trường Quốc hội. Nhưng khiếu cứ khiếu, im cứ im, chả ai giải quyết. Ngày xưa có câu ca dao: “Ếch kêu dưới vũng tre ngâm/ ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre”. Có vẻ câu này vẫn đúng cho đến giờ!

Không ít quan chức lợi dụng việc quản lý đất đai, đã có quá nhiều mưu mẹo để cướp đất của Dân cho Doanh nghiệp và… cho mình. Khi Dân thấy thiệt quá, không chịu, không chấp hành thì họ dùng chính những lực lượng mệnh danh “của Dân” (Đoàn thể nhân dân, dân phòng, Công an nhân dân, thậm chí cả Quân đội nhân dân …) để cưỡng chế Nhân dân. Dân vùng lên biểu tình, phản đối bất công thì lươn lẹo đổ tội cho Dân là “chống đối Chính quyên”, “chống người thi hành công vụ”, những cụm từ sặc mùi bắt bớ… Người Dân thì biết rõ sự bất công. Nhưng ở các cấp trên cao hình như chưa rõ lắm?!. Vì thế người dân đã sửa câu ca dao cổ thành ca dao tân thời: “Mảnh đất mà biết nói năng/ thì nhiều quan chức hàm răng không còn” (Nguyên văn ca dao cổ: “Hòn đất mà biết nói năng/ thì thày địa lý hàm răng không còn”).

Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay, Quốc hội đã thừa nhận 70% các vụ khiếu kiện đều thuộc lĩnh vực đất đai. Hàng trăm “điểm nóng”, hàng đoàn dân oan, hàng chục cuộc biểu tình mang khẩu hiệu đòi đất nổi lên như sóng cồn, thác lũ ở khắp các tỉnh, thành. Nổi bật nhất như Văn Giang (Hưng Yên), Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi Dương Nội (Hà Nội), Hà Nam, Nam Định, Sài Gòn, Hải Phòng…

Cho đến vụ Đồng Tâm (Hà Nội) vừa qua, nhờ có sự “vào cuộc” bằng đối thoại của đích thân Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nên dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng cả nước, cả thế giới đều nhận ra: Ở đây không có địch, chỉ là sự bức xúc của Dân lành trước bất công.

Đồng Tâm đã cho báo đài chính thống một bài học đáng nhớ: Trước tiếng kêu của Dân, liệu báo đài có nên “thực hiện quyền im lặng”, hay là cần phải đến ngay để điều tra, xem xét, ghi âm ghi hình…phản ánh sự thật, không ngại cái chữ “nhậy cảm” đang lơ lửng trên đầu. Cứ Công lý mà làm, cứ Luật báo chí mà thực thi. Đất nước có Luật pháp tại sao còn sợ. Thế rồi, khi mạng xã hội nóng như chảo lửa, báo đài không thể im lặng được nữa, phải lên tiếng. Nhưng lúc đầu nhiều báo đài còn đứng về phe “nhóm lợi ích”, viết giọng điệu đổ tội cho Dân, lại còn nêu phạm trù “những thế lực thù địch” hay kẻ xấu xúi giục. Cái cụm từ “thế lực thù địch” ở đây như cái bóng ma chỉ để dọa người lành! Ví dụ, Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình VTV1 19 h ngày 23/4/2017 nói về vụ Đồng Tâm đã khẳng định: Trong khi nhân dân thủ đô đồng tình với cách giải quyết của chính quyền Hà Nội thì các thế lực thù địch với thủ đoạn cũ đã lợi dụng xuyên tạc sự thật hướng dư luận nhằm phức tạp thêm tình hình, ly gián tình quân dân, kích động dư luận nhằm chống phá Đảng và Nhà nước nhân dân ta”…. Đúng là Đài quốc gia được quyền ăn quyền nói nên cứ nói khơi khơi thế thôi. Khi Chủ tịch Hà Nội đến tận làng thì có thấy “thằng địch” nào đâu? Nói thật người dân nghe một lần thấy ‘ông’ nói không đúng sự thật thì lần sau họ chả tin nữa.

Xem ra, vấn đề đất đai vẫn tiếp tục nhức nhối, chưa tìm được lối thoát danh dự nào đáng tin cậy… Năm 2013, mình có đọc một bài viết của Giáo sư – viện sĩ Hoàng Xuân Phú, ông cho rằng: Sở hữu toàn dân về đất đai là một tử huyệt của chế độ (Hoàng Xuân Phú). Cái ông Giáo sư - Viện sĩ này trình độ uyên bác nhưng nói năng thẳng mực tàu, rất khó nghe. Nghe vậy, khiến những người yêu chế độ như mình thấy sởn da gà!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.