5164. Chuyện về những lá cờ nướ

Chuyện về những lá cờ nước
PNTB 
Cờ Triều Tây Sơn (Quang Trung và Cảnh Thịnh)
Tên nước Đại Việt (1778 - 1802)
Cờ thì có nhiều, nhưng ở đây chỉ nói riêng về những lá cờ nước (cờ quốc gia), là biểu tượng của một chế độ, một triều đại của đất nước mà theo từ Hán – Việt gọi là Quốc kỳ. Ở Việt Nam, cái gì được trân trọng thì người ta thường dùng từ Hán – Việt. Ví dụ, vợ những ông nguyên thủ quốc gia được gọi là Phu nhân; bố, mẹ những người trong gia đình danh gia vọng tộc được gọi là Thân phụ, Thân mẫu… Và, một lá Cờ nước được gọi là Quốc kỳ cũng với sự trân trọng như vậy. Chắc có lẽ vì thế, nhiều người đã nhầm, gọi QUỐC KỲ là CỜ TỔ QUỐC. Những năm gần đây, tôi thấy ông tổ trưởng dân phố cứ gần đến ngày lễ, ngày tết là đi đến từng nhà nhắc nhở: “Mọi người nhớ treo cờ Tổ quốc đấy nhá!”.

Nhưng chúng ta cần hiểu rõ Nước (nhà nước, quốc gia) và Tổ quốc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Vì thế, không nên gọi Nhà nước (quốc gia) là Tổ quốc, cũng không nên gọi Quốc kỳ là Cờ Tổ quốc.
Tổ quốc (Đất nước, Giang Sơn), đó là một khái niệm được định nghĩa sơ đẳng nhất trong những cuốn Từ điển tiếng Việt cách nay trên dưới nửa thế kỷ. Cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, tái bản lần 2, năm 1977 ghi: “Tổ quốc (d): đất nước do cha ông gây dựng nên”. Sau này, nhiều từ điển định nghĩa “Tổ quốc (d): đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó”. Như vậy, Tổ quốc Việt Nam đã có từ thời Hùng Vương – “4000 năm lịch sử”. Trong suốt tiến trình lịch sử ấy, Tổ quốc Việt Nam đã trải qua rất nhiều triều đại, chế độ chính trị, quốc gia khác nhau, trong mỗi giai đoạn khác nhau. Và mỗi giai đoạn đó, người ta lại có những lá cờ khác nhau để làm biểu tượng cho Nhà Vua, cho Triều đại hay Thể chế chính trị ấy của một nhà nước. Vì thế, lá cờ nước ở bất kỳ thời đại nào mà tự nhận là “Cờ Tổ quốc” hẳn là không chính xác.
Xem trên Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), người ta đưa ra các lá Quốc kỳ Việt Nam trong lịch sử từ thời Phong kiến đến nay, có đến hơn chục lá cờ, biểu tượng cho các thể chế nhà nước hoặc tự xưng nhà nước trong những giai đoạn lịch sử hay không gian lịch sử khác nhau. Trong đó, lá cờ đỏ sao vàng được chính thức dùng cho nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (9/1945 - 1954), rồi ở miền Bắc (1954 – 1976) và sau thống nhất đất nước, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay), (vi.wikipedia.org )


Tuy lá Cờ Nước không phải là Cờ Tổ quốc, nhưng khi nó là biểu tượng cho một chế độ chính trị mà người dân kính trọng, yêu mến, tin tưởng, mong chờ, hy vọng vào chế độ đó…thì nó rất thiêng liêng, nhìn thấy nó, nghĩ đến nó là người ta cảm thấy rưng rưng xúc động.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, một nhà nước mới ra đời đồng nghĩa với một chế độ chính trị mới với quốc hiệu Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa/ Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, người dân đã đón nhận lá cờ đỏ sao vàng trong một tâm trạng vui mừng khôn xiết. Xin trích một đoạn trong cuốn tiểu thuyết “Kể chuyện làng Côi” của nhà văn Đinh Nho Hoan, khi Cách mạng tháng Tám vừa dành được chính quyền:
“…Nay thì nhà nhà đều trương cờ đỏ sao vàng. Nhà khá giả, cờ to rộng, tung bay rực rỡ trên cột cao. Nhà những ông quan lớn quan bé, sợ cách mạng, mới lẩn về quê, đang đóng kín cổng, lo thắt ruột về thời cuộc, cũng có lá cờ trước cửa. Nhà nghèo, chỉ mấy vuông vải to may cái quần đùi đã phải tính toán, dành dụm cả năm, cũng cố sao cho có được cái cờ. Trên mái nhà tranh xám, lá cờ nhỏ, khâu tay, bằng vuông rưỡi vải to, như một chấm son hy vọng, làm sáng những gương mặt vẫn còn hốc hác vì nạn đói vừa qua. Lung linh rực rỡ khắp làng, những lá cờ đỏ chót tạo ra một không khí vui tươi, làm lòng người thêm náo nức”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/1954), tôi đã hơn 6 tuổi nên còn nhớ rõ. Cả làng đua nhau sắm cờ đỏ sao vàng để mừng đất nước hòa bình, độc lập, tự do. Đúng là quần áo còn vá chằng vá đụp, chả có đủ mặc, nhưng thày tôi cũng đi chợ mua một cái cờ đỏ sao vàng về treo. Thày ngả một cây tre hóa cao nhất, thẳng nhất bụi, về dựng ở giữa sân làm cột cờ. Thày còn làm một cái dây ròng rọc mắc bu li vào kéo cờ, và buổi tối còn kéo theo cái đèn chai lên cùng với cờ cho có ánh sáng. Ánh sáng của ngọn đèn dầu không đủ soi xuống sân, nhưng nó như ngôi sao mai soi rõ lá cờ đang tung bay, làm rạo rực lòng người. Quả là rất hãnh diện, tự hào về cái cột cờ ở giữa sân…
Sau này, trong những ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, nhiều người dân tự giác treo cờ, bởi họ thấy đó là một nhu cầu tự thân, không cần bất kỳ một ông bà nào trong chính quyền phải đốc thúc.
Song, cũng không biết từ bao giờ, chuyện treo cờ được chính quyền đưa vào thành lệ, bắt dân áp dụng quá nhiều trong năm. Những ngày lễ đặc biệt của cả nước, vận động nhân dân nên treo cờ ở gia đình đã đành, nhiều nơi còn “bịa” ra chuyện bắt dân treo cờ cả những việc riêng của địa phương như Đại hội đảng bộ xã, Đại hội mặt trận tổ quốc phường, Lễ hội Đền A, đền B… của quận, huyện, thành phố… Tóm lại, không thể thống kê hết cái sự tùy tiện của những người quản lý chính quyền địa phương. Thậm chí có dạo, ngày kỷ niệm này vừa hết đã gối đến ngày lễ hội kia, khiến lá cờ phải treo “kinh niên”. Cờ treo kinh niên làm cho việc treo cờ trở thành nhàm chán, mất thiêng… Ấy vậy mà ở nhiều tổ dân phố còn đưa việc chấp hành treo cờ vào “tiêu chuẩn gia đình văn hóa”. Cuối năm Tổ trưởng dân phố nhận xét gia đình ấy không chấp hành tốt “lệnh treo cờ Tổ quốc” của phường (theo cách nói của họ)…thì đề nghị cắt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Người dân chỉ biết lụng bụng: “Đúng là cả vú lấp miệng em!”
Lá cờ đỏ sao vàng vốn là biểu tượng của nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam phất cao, tập hợp cả 25 triệu đồng bào cách nay hơn 70 năm trước để đánh đổ Phong kiến, đánh đuổi Thực dân, dành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Lá cờ đã từng nhuốm máu hàng triệu chiến sĩ, đồng bào hy sinh vì nền độc lập dân tộc đó. Nó từng là biểu tượng thiêng của đa số người dân Việt Nam… Bởi thế, xin những người lớp trẻ bây giờ mới lên cầm quyền ở cơ sở đừng cậy thế lãnh đạo, ép dân làm những gì trái tình cảm, tâm trạng của họ.
Thành ngữ Việt có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Cái gì thơm tho, tốt đẹp từ trong bản chất thì đâu cần phải “xức nước hoa”? Hình thức chủ nghĩa có lẽ đang là một thứ bệnh dịch nở rộ trong một nền văn hóa tụt dốc trầm trọng, rất khó chữa trị.
(PNTB, viết ngày Quốc Giỗ (10/3 âm lịch năm 2017)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.