5574. BÀN VỀ “ĐẦU RA”

BÀN VỀ “ĐẦU RA”


Mặc kệ cái đại hội 19 Đảng CS Trung Quốc vừa khai mạc đang khoe khoang thành tích, thành tựu 5 năm qua…, nay mình muốn ‘chém gió’ vấn đề thuộc TỨ KHOÁI, liên quan trực tiếp đến sức khỏe mỗi người. Thế chả thiết thực hơn à?
Không biết ai từ lâu đã đưa ra công thức ‘tứ khoái’: ĂN, NGỦ, ĐỤ, ỈA. Nhưng bàn cả thì dài quá, nay chỉ dám bàn sơ qua cái khoái thứ tư: ỈA.
Thực ra thì vấn đề đã được nhiều người biết và quan tâm, không riêng giới Y học. Vì thế nói ra điều này, mong các chuyên gia thông cảm vì đây chỉ là chia sẻ trải nghiệm, chứ chả có ‘ný nuận’ cao siêu gì.
Theo ngôn từ ‘lịch sự’, thì Ỉa, người ta thường mượn chữ Thánh hiền gọi là Đại tiện. Nhưng mình thì muốn nôm na nói chữ thuần Việt, vừa là dễ hiểu vừa là gần gũi và cũng thể hiện tôn trọng ngôn ngữ gốc của Dân tộc.
Nếu ăn là đầu vào thì ỉa là đầu ra. Hai cái đầu ấy cần phải được coi trọng như nhau, không nên “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Nó không khác gì nền sản xuất hàng hóa. Nếu không tính toán tốt ‘đầu ra’ trước khi xử lý ‘đầu vào’ thì có ngày sạt nghiệp, vỡ nợ và… chấm hết sự tồn tại. Vậy thì ở một góc nhìn khác, thậm chí “đầu ra” còn quan trọng hơn cả “đầu vào”? Ấy thế mà cả một thời kỳ dài, thậm chí cho đến nay vẫn còn có nơi “coi thường đầu ra”, chỉ suốt ngày lo ăn mà không lo ỉa! Có những địa danh du lịch chỉ thấy hàng quán ẩm thực mở ra như nấm, dẻo mồm mời du khách ăn uống nhưng ít khi mời… ỉa. Thế nên có nơi ăn không thiếu gì mà ỉa thì có lúc đỏ mắt tìm chả thấy chỗ, gây bức xúc cho du khách.
Trước hết, ta cần nhận thấy mọi thứ đều phải hài hòa cân đối. Tứ khoái cũng vậy. Tất nhiên cái khoái thứ tư này cũng không ngoài quy luật ấy. Nói hài hòa nghĩa là tóm gọn trong hai chữ ĐỦ và ĐỀU.
ĐỦ tức không thừa không thiếu. Nếu ăn một ngày ba bữa, nhưng ỉa chỉ 01 lần là đủ. Ngày ỉa 02 lần trở lên là thừa, ngược lại hai ba ngày mới 01 lần là thiếu. ĐỀU, nghĩa là ngày nào cũng như ngày nào đều đặn phải ỉa và quan trọng nữa là phải rèn luyện để ỉa đúng giờ. Giờ tốt nhất hàng ngày để thực hiện đầu ra là giờ Mão. Có nhiều tài liệu nói vậy và người ta còn lý giải tại sao lại giờ ấy…
Thứ hai là, phải xem “sản phẩm đầu ra” chất lượng ra sao. Điều này hết sức quan trọng. “Sản phẩm đầu ra” nó là cái “thước vàng” để đo sức khỏe của mình. Sản phẩm tốt nhất là nó phải có “khuôn phép”, hình thù như củ khoai lang hay quả chuối tiêu. Màu sắc vàng nhạt. Đặc biệt lúc “xuất kho”, nó dễ dàng, không phải dùng nhiều đến “sức lực”, ì ạch như người làm việc nặng. Sản phẩm ra khỏi là thấy trong người khoan khoái, lâng lâng dễ chịu…Thế nên nó mới được xếp vào một trong “Tứ khoái”.
Khi thấy hiện tượng thừa (quá một lần/ngày), hoặc thiếu (quá một ngày/lần) là “cơ quan trung ương” phải xem xét. Và khi thấy sản phẩm xuất kho không có hình thù gì, cứ toe toét, lẫn lộn giữa cái với nước, hoặc vất vả ì ạch để cho ra những “hòn bi” lủng củng…thì cũng phải điều chỉnh “đầu vào” và xử lý thuốc men. Sự điều chỉnh này phải hỏi thầy thuốc.
Nhưng mình xin mách, bác nào mắc chứng viêm đại tràng mãn tính, khiến đầu ra “không đẹp” thì nên sử dụng thường xuyên những thực phẩm như sau: Một là củ khoai lang. Có lần mình đọc được ở một nước xa xôi, họ rất coi trọng khoai lang, khiến sức khỏe của họ đáng ngưỡng mộ. Gần đây đọc một bài báo có một hòn đảo ở Nhật mà tuổi thọ của những người sống ở đó đều hơn trăm tuổi. Lý do là ngoài những món ăn thường xuyên chủ yếu là ngũ cốc, rau quả, rong biển, rất ít cá, hầu hết không có thịt… thì khoai lang là thứ mà hễ gặp nhau đều hỏi: “Nhà bác còn khoai lang chứ?”. Đặc biệt, họ không bao giờ ăn no, chỉ lưng lửng dạ... Ăn thường xuyên loại rau có nhớt (biến âm là dớt, rớt gì đó), như rau mồng tơi, lá, ngọn cây khoai lang. Đặc biệt gần đây mình có xem một bài viết trên Đại kỷ nguyên tiếng Việt nói rằng, một giáo sư y học Trung Quốc cho biết: Ở Việt Nam có 2 loại rau dại mà người Trung Quốc gọi là rau “trường thọ”. Đó là rau sam mọc hoang ở mọi nơi và rau dớt, một loại dương xỉ mọc hoang trong rừng. Ông ta phân tích chất nọ chất kia trong hai thứ rau này nhiều, nhưng mình chả nhớ. Trước đây mình cứ gọi nhầm rau dớt là rau Dớn (hay rau Rớn). Thực chất nó là rau dớt (rớt), vì nó có dớt (nhớt) như rau mồng tơi. Bác nào đầu ra bị toe toét hoặc táo bón, cứ thử một ngày xem, biết ngay, sáng hôm sau khoái thật sự… Mấy năm nay đồng bào dân tộc ở những tỉnh miền núi biên giới thường vào rừng hái rau dớt gùi ra cửa khẩu tiểu ngạch bán sang Trung Quốc, dân họ ăn nhiều (“trường thọ” mà!). Nhưng cũng cảnh giác, thấy nhiều người mua nên có người đã trồng làm hàng hóa. Và trồng thì không loại trừ dùng thuốc diệt cỏ, cũng “nhập khẩu” từ Trung Quốc sang…
Thôi, “chém” thế, nếu bác nào thấy có ích thì thì tham khảo, thấy thừa thì thông cảm ạ.
Xin nhắc lại: tất cả đều phải ĐỦ và ĐỀU, đầu vào đầu ra cũng vậy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.