4181. "Chỉ cần có nắm xôi là cười"

CHUYỆN TAM NÔNG
Trần Đăng Khoa

- Nhà phê bình nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có lần nói rất hay rằng: Trần Đăng Khoa là một gã nông dân, nên cứ đụng đến làng quê, người quê, đồng quê, mà bây giờ chúng ta gọi là Tam Nông ấy, ngòi bút lão lập tức xuất thần. Quả là ông viết rất nhiều nông thôn, nông dân và nông nghiệp. Vào năm 2016 này, ông thấy có gì mới không?
- Nói đến Việt Nam là nói đến cây lúa, dù chúng ta đang tiến tới một nước công nghiệp và đến năm 2020 chủ trương Việt Nam sẽ phát triển thành nước công nghiệp. Theo thống kê được công bố chính thức, chúng ta có khoảng 70% dân số là nông dân. Nhưng tôi thấy có lẽ phải đến trên 90% là nông dân. Thậm chí có khi còn nhiều hơn thế. Nông dân cầm cày. Nông dân làm kinh tế. Nông dân khoác áo trí thức. Nông dân làm đối ngoại. Nông dân chơi công nghệ. Rồi nông dân làm quản lý, lãnh đạo và lãnh đạo cả ở cấp cao. Nhiều anh trông rất oai phong và hoành tráng. Nhưng đến khi giải quyết những công việc cụ thể, họ lại hiện nguyên hình một bác nông dân, nông dân trong cái nhìn, nông dân trong nếp nghĩ, nông dân trong lối ứng xử và tầm văn hóa. Mà cũng phải thôi. Vì nước mình là nước nông dân, có cái hay của nông dân, đồng thời cũng có cái hạn chế của nông dân mà không thể một lúc mà khắc phục được. Đấy là cả một vấn đề.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa



- Ông cũng đã có lần bàn về nông thôn, về làng quê...
Quy hoạch nông thôn của chúng ta rất yếu. Có thể nói đó vẫn là một miền cỏ dại. Chúng ta thiếu một tầm nhìn có tính chiến lược để giải quyết những việc trước mắt. Thêm nữa, bà con nông dân bị mất đất rất nhiều. Những khu đất trồng lúa màu mỡ nhất, những khu đất mà để tạo thành đất nông nghiệp có khi phải bao nhiêu đời, bây giờ thành nhà máy. Đi dọc từ Hà Nội về Hải Phòng, những cánh đồng lúa xanh mướt đều đã biến mất! Tại sao không đưa nhà máy, phân xưởng lên những vùng đồi, hoặc những vùng đất sỏi, đất bạc màu mà không cấy lúa được để làm khu công nghiệp? Nếu làm thế, chúng ta sẽ giữ được đất nông nghiệp, lại mở mang phát triển đô thị, phát triển khu kinh tế và văn hóa ở cả những nơi hẻo lánh. Như thế, bộ mặt đất nước có phải đã rực rỡ phát triển hơn không? Tất nhiên điều này, các nhà đầu tư không muốn rồi, vì họ sẽ tốn kém hơn khi phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự vận chuyển hàng hóa, sản phẩm cũng vất vả hơn, vì không tiện đường. Thay vào đó, họ có thể vận động các nhà quản lý, cấp phép, chỉ “đầu tư” cho giới cấp phép, dù tốn kém thế nào cũng không lớn bằng số tiền bỏ ra xây dựng cơ sở hạ tầng, và cứ thế lấn từng bước, mà chúng ta thì nhượng bộ từng bước với tư duy nhiệm kỳ, miễn là mình, và nhóm mình có lợi trước mắt, rồi kết cục ra sao, thế hệ sau nó chịu. Cứ thế, điều gì xảy ra thì tất sẽ xảy ra. Không có thế lực thù địch hay bọn phản động nào có thể tàn phá đất nước tàn bạo và hiệu quả bằng tư duy nhiệm kỳ, dùng tư duy nhiệm kỷ để giải quyết những việc lâu dài của đất nước. Thêm nữa, cách quản lý và chính sách của chúng ta cũng vẫn không đủ để người nông dân gắn bó với đồng ruộng vì thế có người bỏ đồng ruộng. Khi nông dân bỏ đồng ruộng thì đấy là điều phải báo động.
Như trên tôi đã nói, việc quy hoạch nông thôn của chúng ta rất yếu kém. Ở Nhật, Đức, Pháp tôi đi vùng nông thôn màu sắc rất rõ, đời sống của họ cao lắm, khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị không khác nhau mấy nhưng màu sắc, cảnh quan thì rất rõ rệt, nhưng ở ta thì rất lộn xộn. Tôi cảm giác không hề có bàn tay chỉ huy ở các làng quê, nên cứ mạnh ai nấy làm. Cái mà tôi lo lắng nhất, cũng đã từng bàn trên báo VOV.VN gần chục năm trước thì giờ đã thành hiện thực. Làng quê đang bị ô nhiễm cả về cảnh quan và văn hóa. Việc “xây dựng nông thôn mới” là một chủ trương rất đẹp, rất kịp thời của Đảng và Chính phủ. Tất nhiên, xây dựng thế nào cũng là cả một vấn đề. Bây giờ, đời sống của bà con nông dân cũng nâng lên được một bước. Tuy nhiên, bên cạnh cái được, cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy không thể không lưu ý. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người đang bị rạn nứt. Bệnh vô cảm đang băng hoại cái tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn”. Việc cải tạo nông thôn, xây dựng nông thôn làm sao quy củ, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa của một làng quê. Nhưng thế nào là bản sắc văn hóa làng quê? Đây là điều người nông dân cần đến sự chỉ đạo của các nhà quản lý và sự tham mưu của giới khoa học chuyên môn. Làm sao để Hà Tây (cũ) phải khác Hải Dương, Hải Dương phải khác với Bắc Ninh, Bắc Ninh phải khác với Lạng Sơn. Bây giờ tất cả cứ na ná nhau, không thể phân biệt được, bởi thế không còn bản sắc nữa. Mà điều đáng ngại là không phải chỉ làng quê mà các thành phố và miền núi cũng thế. Như Điện Biên chẳng hạn. Tại sao chúng ta không biến Điện Biên thành một Bảo tàng ngoài trời? Đến Điện Biên là ta trở về một vùng đất lịch sử, một vùng chiến trường xưa, với một vẻ đẹp nguyên trạng. Như thế, thành phố sẽ thành một địa điểm du lịch, thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và du khách khắp nơi trên thế giới. Bây giờ Điện Biên chẳng khác gì Hà Nội, cũng nhà ống, cũng những tuyến đường thẳng băng. Tại sao không xây những căn nhà sàn kiểu nhà của các bà con dân tộc, những con đường uốn lượn theo triền đồi cao thấp như thế đẹp biết bao nhiêu. Ở Trung Quốc người ta rất giỏi trong những việc làm này. Ngay cả những thành phố cổ bị động đất san phẳng, họ vẫn khôi phục được nguyên trạng, mỗi vùng quê, mỗi thành phố đều có bản sắc riêng. Còn chúng ta thì ô hợp và hoàn toàn không nhìn thấy dấu ấn của sự chỉ đạo, hướng dẫn nào cả của cấp trên và của cán bộ sở tại, mà hoàn toàn chỉ là sự tự phát, mạnh ai nấy làm, làm tùy theo túi tiền và khả năng thẩm mỹ cá lẻ. Vì thế mà chẳng ra làm sao. Mà bây giờ có muốn làm lại cũng không làm được nữa. Từ kinh tế sẽ phá vỡ đến văn hóa. Mà mất văn hóa là mất hết. Làm sao có được sự quy củ để nông thôn ra nông thôn. Thành phố ra thành phố. Ngay làng quê thôi cũng phải khác. Mỗi làng có đặc tính riêng, phong tục tập quán riêng, rồi cảnh quan riêng. Làm sao chỉ nhìn qua dáng vẻ bề ngoài, ta cũng đã nhận ra được. Giờ làng nào cũng như làng nào là thất bại rồi.
- Cảm nhận của ông thế nào về người nông dân hiện tại?
- Bao giờ quy luật của con người cũng hướng tới nền văn minh tiên tiến nhất. Người nông dân bây giờ cũng khác rất nhiều so với người nông dân trước đây. Có người bây giờ cũng đã dùng facebook, cũng tận dụng được công nghệ hiện đại, hòa nhập rất nhanh với đời sống chung của loài người. Tôi vẫn khát khao làng quê của chúng ta trong cuộc cách mạng “Xây dựng nông thôn mới” này, vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống mà ông cha đã dày công xây dựng, gìn giữ và trao lại cho chúng ta, lại vừa rất hiện đại, giữ được bản sắc của mình, nhưng vẫn hòa nhập được với thế giới, biến mình thành một bộ phận không thể thiếu được của thế giới. Có thế, chúng ta mới có được sự phát triển bền vũng. Hiện, như tôi đã nói, các làng quê đang bị ô nhiễm, không thể trông vào các cán bộ địa phương mà phải có tầm nhìn quốc gia để quy hoạch từng vùng nông thôn một. Hiện rất hay là Chính Phủ đang có chủ trương “xây dựng nông thôn mới”, nhân cớ này ta nên quy hoạch lại nông thôn như thế nào. Xây dựng nhà cửa cũng phải hài hòa, nằm trong một tổng thể, nhưng vẫn giữ được cảnh quan môi trường và thiên nhiên. Những nhà lãnh đạo cấp cao rất nên tham khảo các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc để xem họ làm như thế nào. Mỗi vùng đều có đặc thù riêng, vùng văn hóa tập quán riêng, với đặc sản riêng nhưng lại hài hòa với bối cảnh chung của cả nước và trong khu vực. 
- Việt Nam bây giờ cũng được xếp vào một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới, ông thấy điều đó ra sao?
- Ai nói chúng ta hạnh phúc nhất thế giới? Đôi khi chỉ do một vài người, một vài nhận định phiến diện nào đó thôi. Ngay cả việc khảo sát hỏi ý kiến người dân, thì cũng phải xem người dân được hỏi ấy thuộc đối tượng nào. Họ có tiêu biểu cho tiếng nói của Đại chúng hay không? Công cuộc đổi mới của Đảng, của Chính Phủ muốn biết kết quả thế nào phải xem tầng lớp nghèo khổ nhất của xã hội xem có thay đổi được gì không, đó chính là nông dân chứ không phải nhìn vào mấy anh trọc phú ở thành phố. Tất nhiên bây giờ bằng nhiều cách đời sống người ta cũng khá lên nhưng đấy là họ khá so với chính họ thôi, chứ không so với thế giới, phải đặt bên cạnh các nước chứ. Như Thái Lan biểu tình liên miên nhưng đời sống dân chúng rất ổn định, đời sống người dân cao lắm. Cao gấp mấy chục lần mình. Tôi khen, họ bảo, không phải đâu. Năm 1975 Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông còn Băng Cốc chẳng là gì cả. Thái Lan tụt hậu 20 năm so với Việt Nam. Bây giờ họ vượt qua chúng ta đến cả nửa thế kỷ. Vậy lỗi tại đâu? Gần đây chính Thủ tướng của chúng ta cũng nhắc nhở, cảnh báo rằng, ở một góc độ nào đó, chúng ta còn thua cả Lào, cả Myanmar thì còn nói làm gì nữa? Tôi rất kính trọng lối tư duy nhìn thẳng vào sự thật của Thủ tướng. Quả là đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tiễn đất nước, phải đặt nó vào trong tương quan phát triển của cả khu vực và thế giới thì chúng ta mới thấy được. Chứ mình so với chính mình thì chẳng khác gì gà què ăn quẩn cối xay. Trước đây những năm mông muội, những năm khổ hạnh, những năm đói kém toàn phải ăn độn thôi giờ có hạt gạo trắng là tốt rồi. Phải xem đời sống tinh thần của người dân thế nào? Họ có cái gì? Chưa có gì gọi là yên tâm cả. Phải có ý thức, vượt lên thế nào chứ không chúng ta không biết là đang tụt hậu. Chúng ta chỉ nhìn thấy chúng ta, so với thời mông muội của chúng ta thì thấy có khá hơn. Nhưng đó là khá hơn so với chính chúng ta thôi. Mà thời hội nhập, chúng ta đâu còn là ốc đảo. Đầu máy, ti vi, đài, thậm chí cả mạng máy tính, đời sống tinh thần thế có đủ chưa? Đấy chỉ là một mặt thôi, cần nâng cao văn hóa, đời sống tinh thần của bà con, những thứ kia chỉ là vật chất tối thiểu. Bà con mình không có khát vọng lớn nên rất dễ thỏa mãn kiểu như thằng Bờm ấy. Chỉ cần có nắm xôi là cười. Giờ chúng ta vẫn chỉ có nắm xôi thôi nhưng đừng nghĩ có nắm xôi là có hạnh phúc. Không phải đâu. Xin đừng nghĩ là tôi bi quan. Tôi không bi quan, nhưng cũng không lạc quan tếu...

Trần Đăng Khoa /Vũ Hà ghi

(Theo Blog Lão Khoa)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.