4160. Những câu chuyện khó hiểu !

Nhanh hay chậm, hai cách nhìn dựa trên quyền lực!/Câu hỏi về cá chết làm ‘tổn hại đất nước’


Vụ quán phở được xử lý nhanh, hợp lòng dân, nhưng chưa nói được gì thể hiện cho một nhà nước pháp quyền, nó vẫn là sự tô vẻ của quyền lực và nổi sợ quyền lực. Nếu như bác Phúc, bác Thăng không lên tiếng, nếu như Viện kiểm soát Tối cao không lên tiếng, nếu như Công an TP HCM không vào cuộc, liệu công lý nó có "tròn trĩnh nụ cười" đến như vậy không?
Đồng ý cuối cùng đại tá Quý đã bị tạm đình chỉ công tác, đã nhận ra sai lầm, đồng ý cuối cùng Phó viện trưởng Tòng đã bị cách chức.., nhưng nếu "cuộc chơi" này chỉ dành riêng cho truyền thông và cấp huyện, chắc gì chúng ta không nhận được những lời "bảo lưu" muôn đời rằng "họ" đã làm đúng quy trình và quyết định khởi tố quán phở là có cơ sở?
Một vụ việc mà chỉ cần nhận định mang tính phổ thông, người dân cũng ngộ ra được sự vô lý oan sai của nó, thế mà những người cấp huyện đủ quyền hành pháp và nắm rõ hành pháp ấy đến hôm nay mới "nhận ra", phải chờ tiếng nói vào cuộc của những "cây đinh" quyền lực thì đó là một bức tranh rất tồi, rất buồn của công lý nước nhà!
Quay lại câu chuyện xử lý chậm vụ cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh cho đến Huế, chúng ta lại nhìn thấy sự hiện diện của quyền lực. Đừng cho rằng cấp cơ sở họ không biết gì, đừng cho rằng cấp cơ sở làm ngơ, không phải đâu, họ đang nín thở chờ những quyết định của quyền lực, của những "cấp trên" mình.
Nếu như, một quán phở - một doanh nghiệp bé tẹo vô danh trong nước vừa "khởi nghiệp" đã gặp trở ngại "khởi tố" nhanh bất ngờ, nhanh bất thường thì đối với một doanh nghiệp nước ngoài khổng lồ với nhiều tai tiếng về môi trường kia, ngay đến cấp trung ương cũng cần phải "thận trọng", đến "đỉnh cao" quyền lực cũng chỉ biết tươi cười tham quan và 'im lặng" ra về, mặc cho ngay lúc ấy, bên ngoài lòng dân đang... lửa đốt.
Cái gì đến rồi cũng đến, các phó thủ tướng lên tiếng, hơn hai mươi ngày dài trôi qua với cuộc họp báo ngắn ngủi kỳ quặc trong 10 phút, chúng ta đã biết được nguyên nhân dẫn đến cá chết có thể là độc tố hoặc có thể là thủy triều đỏ và doanh nghiệp nước ngoài kia vô can. Cô phóng viên xinh đẹp đã bị "quyền lực" ngăn không cho hỏi tiếp... vì sợ làm tổn hại đến đất nước.

Thật siêu phàm, "tổn hại đất nước" là một phạm trù "đe nẹt" rất siêu phàm, nhưng cái tổn hại cụ thể là hàng tấn cá, hàng tấn nghêu... đã chết, đang chết, dòng nước biển đang bị ô nhiễm, dân tình đang hoang mang tẩy chay đồ hải sản, ngư dân đang phá sản cơ nghiệp, mất hết phương hướng sinh nhai...
Biết khi nào ngư dân mới lại ra biển, biết khi nào khách du lịch sẽ an tâm đến với miền Trung... khi mà những sự thật dó chẳng có gì nói lên sự thật cả?
Một buổi chiều chạy đôn đáo chờ tin, một phòng họp với dây nhợ giăng kín phòng, máy quay, máy thu, mic, điện thoại cầm tay đủ các loại, các phóng viên chen chúc, ngồi bệt xuống phòng nín thở chờ... Và 10 phút "quý giá" kia có được nhận thức chính xác là một sự tổn thương, tổn hại hay không? Cái uy danh "quyền lực thứ tư" có đáng phải bị mỉa mai như thế không?
Chính vì nổi sợ, mấy chục năm nay nổi sợ đi cùng nhân dân ta, nổi sợ có trong bần nông, có trong tri thức và có trong quan chức. Và nổi sợ đó khiến đất nước ta tụt hậu và đánh mất biết bao điều quý giá.
Và ngay hôm nay, chính nổi sợ khiến chúng ta phải mò tìm... cho được thủy triều đỏ để hợp thức hóa nổi sợ của chính mình. Chúng ta hy vọng nhiều ở công lý, nhưng nổi sợ quyền lực khiến cho tất cả chúng ta nghĩ rằng quyền lực là công lý.
Chúng ta đang trả giá và bắt buộc tiếp tục phải trả giá, vì chính chúng ta, không ai khác đã chọn như vậy!
 MP


Thứ trưởng VN: Câu hỏi về cá chết làm ‘tổn hại đất nước’


VOA - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã cắt ngang câu hỏi của một nữ phóng viên trong cuộc phỏng vấn tối 27/4 và nói câu hỏi đó làm ‘tổn hại đất nước’.
Trong video clip quay trực tiếp của Báo Thanh Niên được đăng tải trên mạng xã hội Facebook về cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, sau cuộc họp báo thông báo về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, một nữ nhà báo đặt câu hỏi:
“Thưa ông trong cái kiểm nghiệm gần đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, chỗ có một loạt các bè cá chết, thì họ có nói trong nước kiểm nghiệm ra có kim loại nặng. Vấn đề ở đây là trong thời gian tới, chúng tôi muốn là mình có thể trong một thời gian ngắn, vì mùa du lịch sắp tới rồi, mà cá thì…”
Nghe tới đây, ông Võ Tuấn Nhân liền khoát tay ra hiệu dừng lại và nói: “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình”.
Cuộc họp báo chóng vánh, chỉ khoảng 10 phút với một thông báo ngắn của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tối 27/4 đã khiến nhiều nhà báo bức xúc nói họ ‘hụt hẫng’, ‘phẫn nộ’, ‘thất vọng’…, nhất là sau khi phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ vì các bộ, ngành phải họp kín.
Vụ cá chết hàng loạt, mà dư luận nghi là do ống xả thải của công ty thép Đài Loan Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, đã khiến cho người dân cả nước hoang mang theo dõi. Tất cả các video truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội của các hãng thông tấn trong nước đều thu hút lượng người xem khổng lồ.
Sau khi đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 lý do là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liền và trên biển hoặc do hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’, nhiều người đã phản ứng giận dữ qua các phát biểu trên mạng.
Đa số ý kiến tỏ ý nghi ngờ có sự khuất tất khi cả 7 Bộ và 1 viện với hàng chục ngàn tiến sĩ lại không thể đưa ra kết luật rõ ràng về nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường hiện nay. Thậm chí một số người nói tuyên bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường là ‘vô lý’ và ‘xem thường’ người dân.
Ý kiến ‘phản biện’ về 2 lý do trên lập tức được đưa lên mạng rằng “1. Hóa chất do hoạt động con người thải ra không đủ lớn để chết nhiều trên một diện rộng như vậy. Để có số lượng nhiều như thế phải do máy móc thải ra mà thôi! 2. Thủy triều đỏ và hóa chất do con người thải ra chỉ có thể ảnh hưởng tầng nước trên mặt, chứ không thể ảnh hưởng tới tầng đáy đại dương được. Trong khi cá chết là của tầng đáy”.
Đề nghị “Hãy trả lại thuế môi trường cho chúng tôi’ của tác giả Nguyễn Đình Bổn trên mạng cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ khi tác giả này cho rằng khoản thuế môi trường được tính 3.000 đồng/lít xăng hay ở các sản phẩm khác là ‘chưa thấy tác dụng gì mà chỉ thấy tác hại’.
Hiện tượng cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ ngày 6/4, nhưng đến nay các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp cho thảm họa đang tác động mạnh đến đời sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế vốn phục thuộc nặng vào biển ở các tỉnh miền Trung.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.