4144. Cá chết tại ai?

Cá chết tại ai?
NND/PNTB

Hiện tượng cá chết trắng ven biển miền Trung từ Vũng Áng Hà tĩnh đến Quảng Bình, Quảng trị Thừa Thiên - Huế đang là vấn đề nóng bỏng. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là Cá chết tại ai?
Theo mình, trước một hiện tượng tai họa bất thường trong thiên nhiên thì nguyên nhân chỉ có thể xuất phát từ một trong hai đối tượng: Thiên tai (giời) hoặc Nhân tai (người).
Trong trường hợp này chúng ta có thể loại trừ Thiên tai, bởi cả một vùng biển rộng lớn, một bờ biển kéo dài từ Bắc chí Nam mà tại sao ông giời chỉ nhằm vào vùng ven biển của vài ba tỉnh miền Trung? Hơn nữa từ thượng cổ đến nay, chưa bao giờ cá ven biển tự dưng “lăn đùng ngã ngửa” ra thế! Thiên nhiên vốn hài hòa, nếu ông giời có “nổi giận” về điều gì thì hầu hết cũng là tại Người cả. Chúng ta không lạ gì hiện tượng trái đất nóng dần lên, hiệu ứng nhà kính, thiên tai bão lũ…đều có nguyên nhân từ con người. Song đó là nguyên nhân gián tiếp.

Còn trong vụ cá chết này, không phải do Thiên tai thuần túy hoặc do Thiên tai gián tiếp bởi con người, mà có đến 99,99% là nguyên nhân trực tiếp bởi con người. Nhưng người ở đây là ai, kẻ giấu mặt nào, hắn làm thế với mục đích gì?
“Nghi can” đầu tiên là Khu công nghiệp Vũng Áng. Theo nhóm phóng viên Việt Nam Nét, hôm 20/4 cho biết: Cá chết trắng biển miền Trung, nghi nhiễm độc từ Vũng Áng”. Bài báo trích lời đại diện Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Bình nhận địnhTừ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, nguyên nhân bước đầu được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Hiện tượng cá chết bất thường là do nước biển bị ô nhiễm ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), theo dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy về phía nam lan vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam”.
Dự án Formosa đang xây dựng (nhìn từ trên cao)
Tuy nhiên, đại diện công ty Formosa Vũng Áng đã phủ định nghi ngờ trên. Cũng theo Việt Nam Nét, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường công ty Formosa khẳng định: “Mỗi ngày công ty Formosa xả 12.000 m3 nước thải, các mẫu xét nghiệm nguồn nước xả thải của chúng tôi đạt theo tiêu chuẩn cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam”. Ông này còn nói: “Chúng tôi cũng không hiểu nguyên nhân vì sao lại phát sinh hiện tượng cá chết trên vùng biển Việt Nam như vậy. Đơn vị tham mưu về an toàn vệ sinh môi trường đã nhận được thông tin về cá chết và cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này”. Ông Kiệt nói thêm: “Ống xả thải của chúng tôi đều có hệ thống quan sát tự động hằng ngày. Nước chảy chừng nào thì hệ thống sẽ lấy dữ liệu, gửi thông tin về máy chủ. Nếu đạt tiêu chuẩn mới cho xả ra biển. Ở kênh thoát nước mưa của chúng tôi, có hiện tượng cá biển trôi dạt vào, còn cá trong mương thoát nước vẫn đang sống”. Ông Kiệt còn nhấn mạnh: “Không có việc Formosa Hà Tĩnh chính là tác nhân dẫn đến hiện tượng cá chết ở bờ biển Việt Nam”.
Cuối cùng, để tỏ ra điều khẳng định của mình là đúng đắn, ông Khâu Nhân Kiệt còn nói: “Bên Formosa mong muốn và hi vọng các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi có sự cố phát sinh cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để giải quyết, và xử phạt những ai làm sai, giải quyết mối nghi ngờ cho tập đoàn Formosa”.
Đúng là “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, cứ như thế này thì chẳng biết đâu mà lần!
Được biết, hiện nay Bộ Công an đã vào cuộc, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc. Nếu những cuộc kiểm tra này kết luận được cá chết do chất độc bị nhiễm vào nước biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, bởi thành phần chất độc đó trùng hợp với thành phần chất độc có trong nước biển, thì cũng chưa đủ điều kiện kết luận chất đó do Formosa thải ra. Bởi vì anh ta đã khẳng định nước của nhà máy thải ra “đủ tiêu chuẩn cho phép của Bộ Tài nguyên môi trường Việt nam”. Giả thử, nếu anh ta có thải chất độc hại ra biển dưới một bàn tay chỉ đạo nào đó, thì chỉ trong một thời gian nhất định, đủ giết chết một loạt cá thôi, chứ đến lúc này, khi đã ầm ĩ lên như thế, khi đã có người nghi ngờ thì không ai dại gì lại không “chùi mép” cho sạch. Và như vậy có kiểm tra ống xả nước của nhà máy cũng có thể không tìm ra được mức độc hại vượt ngưỡng cho phép. Thế thì làm sao kết luận được thủ phạm?...
Còn một giả định nữa, mình thử đưa ra để mọi người cùng suy ngẫm. Cái vùng biển miền Trung từ lâu đã nằm trong “điểm nóng”, bởi nó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi mà anh “bạn vàng” đang ra sức thò móng vuốt vào. Điều này thì ai cũng rõ cả. Muốn chiếm được hai quần đảo này và biến Biển Đông thành cái ao riêng, chỉ có cách làm cho Việt nam ngày càng kiệt quệ, suy yếu từ kinh tế đến chính trị, văn hóa... Mưu đồ này, người dân thường Việt nam cũng không mấy ai lạ. Thời đại ngày nay, xâm lược trực diện theo lối Đế quốc trước kia bằng cách gây chiến tranh cướp trắng trợn cũng không dễ. Vì thế, để khuất phục đối phương chỉ bằng cách hành động kiểu “tiểu nhân”, phá từng bước, từng phần, gặm nhấm từng bộ phận…khiến cho đối phương mệt mỏi và quy phục. Một mặt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng tìm mọi cách ngăn chặn sự liên kết, phối hợp của Việt Nam với các nước tiến bộ, có sức mạnh như Mỹ, Nhật, Tây Âu…, mặt khác, chúng có thể sử dụng hành động “ném đá giấu tay”, phá được cái gì thì phá, ví như tuồn chất độc hại vào thị trường thực phẩm, đồ dùng của VN, rồi góp phần làm cho vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long tê liệt bởi hạn hán và thiếu nước sinh hoạt…
Và vì thế, liệu có một bàn tay bẩn thỉu nào từ ngoài khơi mò đến trực tiếp phun trộm chất độc hại vào nước biển miền Trung để giết cá, giết dân không?
Sao có thể loại trừ? 
23/4/2014/NND/PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.