3910. Trước bữa tiệc Tất niên trên núi Tản

Trước bữa tiệc Tất niên trên núi Tản
Truyện phiếm của
Trịnh Kim Thuấn &ND /PNTB
 
Trên đỉnh núi Tản Viên ngày cuối năm. Cây cối vừa trút bỏ bộ áo tuyết trắng toát và giá lạnh. Chim chóc trở về thi nhau hót vang cả một khu rừng. Như thường lệ, năm nay buổi tiệc tất niên đưa tiễn năm con Dê đón năm con Khỉ vẫn diễn ra trên đỉnh núi.  

Tuy nhiên, không khí năm nay có vẻ trầm và hơi căng thẳng. Đã thế, lại xuất hiện một vị khách không mời bất chợt đến. Đó là cụ Rùa Hồ Gươm ở kinh thành Thăng Long (Đại Việt) vừa qui tiên.

Các thần, thánh và tiên đều có mặt đông đủ. Chủ trì bữa tiệc là Đức Vua Hùng đệ nhất. Kế đến là các vua Hùng 18 đời, các vua Đinh, Lê, Lý, Trần… Chủ nhà là thần Sơn Tinh, đăng cai nên nom rất phong độ.

Mở màn là vũ điệu khai tiệc do các nữ quân nhân của Bà Trưng, Bà Triệu biểu diễn đầy khí thế hào hùng trong nền nhạc Hội nghị Diên Hồng. Tiếp đó,  lão tướng Lý Thường Kiệt sang sảng đọc lại bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, trên nền nhạc Bạch Đằng Giang:

Nam quốc Sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Vua Hùng sau khi tuyên bố khai tiệc, không quên giới thiệu vị tân khách là Cụ Rùa ở Hồ Gươm, kinh thành Thăng Long. Cụ Rùa đứng dậy đáp lễ với mọi người, cụ cúi chào ngài Lê Lợi.

Cụ Rùa vừa ngồi xuống thì thần Thủy Tinh ngồi bên, ghé tai nói nhỏ:

“Đại Việt mình mấy mươi năm qua hết binh đao, khói lửa, đất nước có vẻ phồn thịnh, nghe đâu chỗ nào cũng thấy lễ hội sầm uất, toàn ăn chơi xả láng… Ngài được họ rất sùng bái, từ dân thường đến quan chức các cấp đều gọi ngài là “Cụ”. Bây giờ khoa học phát triển, ngài được họ chăm sóc từng li từng tí, động hu hi, sổ mũi nhức đầu là chúng nó cử các nhà khoa học, thần y đến chăm sóc…Ngày xưa, khi sinh thời chúng tôi sao được như ngài. Sướng thế mà sao không tiếp tục sống, hưởng thụ mà lại vội vàng lên đây theo người thiên cổ !?

Cụ Rùa nghe, hơi nổi cơn tự ái. Cụ  nói mát với Thủy tinh: “Ngài có muốn sướng thì xuống đấy mà ở. Cái Hồ Gươm vẫn còn nguyên, có bị lấp đi để xây nhà nghỉ, khách sạn đâu! Nước vẫn đầy, rất phù hợp với những Thủy thần như ngài! À, mà bây giờ xung quanh bờ hồ con gái đẹp lắm, đẹp hơn nàng Mỵ Nương ngồi cạnh Sơn Tinh kia kìa. Ngài mà sống ở Hồ Gươm thì tha hồ mà chọn, chả phải giành giật với ai, chả phải phát động một cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt như ngài với Sơn Tinh năm xưa, khiến “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Chiến tranh chỉ khổ dân thôi !

Thủy Tinh nghe giọng cụ Rùa ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Chắc lão Rùa này trong lòng có gì uẩn khúc nên vừa quy tiên đã xổ ra những lời “mát mẻ”, theo kiểu “giận cá chém thớt” đây?”. Chờ cho ông Lý Thường Kiệt đọc xong bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, Thủy Tinh gợi ý: “Hôm nay ông Rùa Hồ Gươm là tân khách, vừa mới ở Kinh thành Thăng Long về, chắc ngài có nhiều tin hay. Đề nghị mời ông Rùa phát biểu ạ”.

Đức Vua Hùng chủ trì nói: “Đúng rồi. Xin ông Rùa nói rõ về nguyên nhân cái chết của mình. Nghe đâu sau khi ông đi, trên mạng internet người ta cũng nhiều ý kiến lắm, bình loạn cả lên! Nhân đây cũng nói thêm thế này. Cái thời chưa có internet thì những người ở trần thế họ làm gì xấu đều giấu diếm cõi tiên, bịt mắt thánh thần, mình cũng chịu. Nhưng bây giờ cái sóng internet nó bay lên tận giời, nó là “thế giới phẳng” nên chả giấu được gì, gần đây “phơi” cả bí mật quốc gia lên, đến nỗi Bộ trưởng Công an cũng phải phàn nàn. Tuy nhiên, thông tin mạng là loạn xạ, nhiều ý kiến khác nhau, phải mất thời gian chắt lọc mới biết đâu phải, đâu trái. Từ thời có internet, trẫm cũng biết được, ở Đại Việt mình có nhiều kẻ háo danh, toàn tự khoe hay, khoe tốt, báo cáo thống kê phần nhiều tô hồng…, nên khi bị lộ ra thì làm cho dân chúng thất vọng, mất lòng tin. Vì thế, bọn này nó ghét mạng mẽo lắm, chỉ muốn diệt nhưng vì xu thế thời đại nên nó phải chịu… Nhưng thôi, bây giờ xin mời ông Rùa Hồ Gươm phát biểu. Phải nói thật đấy nhé, chớ có vu cáo cho người tử tế.” 

Cụ Rùa từ từ đứng lên, đưa mắt quan sát cả khán phòng, rồi chậm rãi nói:

- Thưa các vị, những năm gần đây, ở trần thế nước Đại Việt nhiều chuyện lắm. Tôi chỉ xin nói đôi điều liên quan đến việc quy tiên của mình. Đành rằng, theo qui luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử thì ai chả phải chết, nhưng ở tuổi tôi, dù đã sống được mấy trăm năm song thực ra cũng chưa đến mức phải ‘lên tiên’. Sau khi tôi “đi” vào đúng ngày Lãnh đạo họ tập trung khai hội rất to ở kinh thành, nên những kẻ thối mồm nó cho là tôi chết là điềm báo chẳng lành cho những người cầm quyền Đại Việt vì đã làm đất nước khánh kiệt, suy thoái… Nhưng đâu phải thế, cái chính là ở một môi trường ô nhiễm như vậy, lại cộng với tuổi cao, sức yếu mà cứ sống khoẻ được mới là điều lạ. Sinh có hạn, tử bất kỳ, tôi đã bị nhiễm chất độc trong hồ Hoàn Kiếm mấy năm rồi, nay không chịu thêm được nữa thì đi, đi ngay đúng ngày tập trung khai hội của họ, nhưng không phải tôi tự chọn được ngày chết.”

Vua Hùng: - Ta cũng có nghe nạn ô nhiễm môi trường ở dưới đó ghê lắm. Hình như vừa rồi có ông Bộ trưởng một ngành kinh tế tổng hợp nói trắng ra là sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước. Ông có thể nói thêm vấn đề này?

- Vâng xin thưa, cái Hồ Gươm, Tháp Rùa là biểu tượng của đất kinh kỳ, xưa kia nước trong xanh, người ta còn tắm được. Nhưng bây giờ thì bẩn lắm. Nó cũng nằm trong cái nạn ô nhiễm chung của cả đất nước. Một ông Giáo sư người Việt định cư ở Úc tên là Nguyễn Văn Tuấn, ông ấy thường xuyên về thăm quê và gần đây có nhận xét thế này trên Facebook: “Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực cực kì lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn. Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở Việt Nam đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông. Những con sông Việt Nam đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ…”. Vậy thì xin quý vị hình dung: một khi những con sông “trở thành những bãi rác di động khổng lồ”, thì cái Hồ Hoàm Kiếm cũng là một bãi rác cố định ở trung tâm Kinh thành chứ sao!... Họ biết cả đấy, vì thế những người quản lý lại có cớ xin kinh phí nạo vét, thay nước hồ nói là cứu lấy tôi, chăm sóc tôi, khiến tôi mang tiếng là vì sự sống của riêng mình mà làm hại tiền dân. Họ lấy tôi làm cái bung xung để chi tiền! Người dân không biết lại oán trách…Thôi thì chết quách đi cho rồi! Tôi đã báo cáo toàn bộ sự việc đến Ngọc hoàng Thượng đế, ngài chấp thuận nên tôi mới được phép qui tiên, để hôm nay trong bửa tiệc tất niên được gặp gỡ quí vị. Tiện đây tôi nhờ hai vợ chồng Sơn Tinh và Mỵ Nương cho tôi tá túc ăn Tết trên đỉnh núi này. Qua Tết tôi sẽ đi tìm thần Kim Qui, vua An Dương Vương và vợ chồng Trọng Thủy - Mỵ Châu để ôn lại câu chuyện lịch sử Dân tộc. Bởi Lịch sử nhiều khi có những chi tiết dường như lặp lại?...

Nàng Mỵ Nương vội vã nói: “Thưa lão Rùa, chuyện nhỏ, chúng tôi rất hoan nghênh lão, lão muốn ở bao lâu cũng đặng. Tết Nguyên tiêu chúng tôi sẽ tổ chức tiệc thơ có mời các thi hào, thi bá đến dự, có lão càng thêm vui. Trong tiệc thơ này sẽ có Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Tản Đà…

Vua Hùng nói: Năm qua, ta nghe ở Hạ giới đất Thăng Long và cả Đại Việt có nhiều rắc rối nên nay sẽ cử con Bạch Hầu xuống giúp. Rồi Vua gọi: “Bạch Hầu đâu? Đã sắp bước sang năm Con Khỉ nhà ngươi, ta cho ngươi xuống kinh thành Thăng Long, Đại Việt, nơi cụ Rùa ở bấy lâu nay, giúp đỡ bá tánh, nếu khó khăn thì báo cáo lên…”

Bạch Hầu giẫy nẫy: “Bẩm bệ hạ, con không thể đi được ạ !”

Vua Hùng: - Vì sao ?

Bạch Hầu: “Con thường xuyên theo dõi trên mạng, có hôm đến khuya mới đi ngủ. Ở đất Thăng Long bây giờ có quá nhiều rối rắm. Nạn ùn tắc xe cộ, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, án mạng phát triển, khiến người dân lúc nào cũng thấy bất an. Con người trần thế của Đại Việt bây giờ chỉ thích dối trá, sợ sự thật, nên có quá nhiều người đang tìm cách tránh xa sự trung thực. Cái ác lên ngôi, cái Thiện lép vế, không được bảo vệ. Ở kinh thành Thăng Long những người có trách nhiệm dám chỉ đạo cho đốn hạ hàng ngàn cây xanh cổ thụ. Nghe đâu họ còn “đi đêm” với nhau cho Doanh nghiệp xây nhà chọc trời ngay cạnh Lăng Cụ Hồ, vượt quá quy định đến 5 tầng, thật chả còn coi pháp luật ra gì! Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cho bên Tàu đấu thầu. Họ giả vờ bỏ thầu thấp để được nhận công trình. Nhưng làm hoài không xong, thi công thì gây nhiều tai nạn chết người đi đường, vốn lại đội lên đến mây xanh, rồi lại cấp tiếp vốn, chả ai việc gì, chỉ hại tiền thuế của dân. Đường ống dẫn nước sinh hoạt sông Đà thì bị vỡ liên tục nhưng không ai bị xử lý... Một đất nước nom bề ngoài như thế nhưng thực sự không yên bình, xin Bệ hạ cử Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông biến hóa, đang ngụ ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) xuống giải quyết?”

Vua Hùng đệ nhất trầm ngâm: “Thôi được, nghe đâu vừa rồi dưới đó họ khai hội, bầu lại Bộ máy lãnh đạo, biết đâu có sự đổi mới làm cho Thăng Long và Đại Việt chuyển biến cũng nên? Vì vậy, ta tạm thời gác lại chuyện nầy, chờ xem cái bộ máy mới họ có chuyển biến để tháo gỡ khó khăn cho dân chúng không. Đặc biệt ta có nghe hình như có kẻ định bán dần đất của Đại Việt cho Tàu, mà hiện nay bọn Tàu cũng đang có nhiều mưu mô và hành động chiếm biển đảo của Đại Việt, biến Biển Đông thành cái “ao nuôi cá mè” của họ…

Nếu bộ máy lãnh đạo mới không chịu suy nghĩ, đổi mới đất nước, vẫn bảo thủ, để Đại Việt ta trì trệ và rơi vào nô lệ cho Tàu thì yêu cầu tất cả các Thần Linh trên núi Tản cùng các Thánh, Tiên ở khắp nơi không được nương tay với những kẻ đứng đầu Đại Việt sắp tới.

Tất cả đồng thanh: “Bệ hạ anh minh!”

Vua Hùng nâng cốc mời mọi người cạn ly và nâng cao quyết tâm của giới Thần linh, để giúp cho Đại Việt sánh vai cùng các nước tiến bộ trên thế giới.

03/02/2016 Trịnh Kim Thuấn &
ND /PNTB


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.