3902. Như thế cũng là giết người

Phải làm gì để bảo vệ học sinh khi công an  trở thành ‘hung thần’ trong đôi mắt trẻ thơ?

Tranh minh họa
Sự việc công an lạm quyền, vào tận lớp học bắt học sinh mà không có người thân giám hộ đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có trường hợp học sinh bị công an đánh chấn thương nhập viện, bị mắc bệnh tâm thần, thậm chí phải tự tử vì bị xúc phạm và không có một ai đứng ra để bảo vệ cho mình.

Học sinh tự tử để bảo vệ danh dự
Sự việc em Nguyễn Thanh Tâm, học sinh trường THCS Tịnh Bắc (xã Tịnh Bắc, huyện Tịnh Sơn, Quảng Ngãi) bị công an vào tận lớp học giải về UBND xã với lý do “lấy lời khai về vụ mất trộm tài sản” vào ngày 11/1 vừa qua đã gióng lên hồi chuông về việc lạm quyền của lực lượng công an, và nhà trường cũng không thể làm gì để bảo vệ học sinh của mình.

Em Tâm bị giữ ở công an xã từ 8h sáng đến 19h tối mà không có người thân nào bên cạnh. Theo nguyên tắc, trong trường hợp mời học sinh lên công an làm việc thì phải có người giám hộ đi theo, nhưng trường hợp của học sinh Tâm thì không có ai giám hộ, điều này trái với quy định của pháp luật.
Sau khi bị công an đến trường áp giải, em Nguyễn Thanh Tâm về nhà uống thuốc diệt cỏ tự tử. Em đã qua đời sau khi bị Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trả về. (Ảnh: nld.com.vn)
Khi về nhà, em Tâm thuật lại với gia đình rằng mình bị oan, không ăn trộm cũng phải nhận tội để tránh bị đánh.

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 13/1, trong lúc ở nhà 1 mình, Tâm đã uống thuốc diệt cỏ quyên sinh, để lại lá thư tuyệt mệnh : “Ba má ơi, con xin lỗi. Con chưa báo hiếu được cho ba má. Con sống không được nữa rồi. Mang nỗi oan ức vào người nhưng chẳng có ai tin con nên con xin lỗi ba má con đi trước đây. Sống không bằng chết”.

Sự việc này cho thấy công an xã Tịnh Bắc hành xử bất chấp pháp luật, tự ý vào trường bắt người, gây áp lực cho nghi can phải nhận tội. Học sinh lại không có một ai bảo vệ, đến nỗi phải dùng chính cái chết để tự bảo vệ danh dự của mình.

Mẹ của em Tâm cho biết con mình chưa có tiền án tiền sự gì nhưng không hiểu sao công an lại nói em từng thực hiện 22 vụ trộm mà không có biên bản làm việc làm nào xác minh. Lúc ký vào giấy bảo lãnh cho em, bà không xem kỹ vì chỉ nghĩ ký vào biên bản để con được thả ra, chứ không có chuyện bà giám hộ quá trình tra hỏi Tâm như công an, lãnh đạo xã Tịnh Bắc nói.

Ông Nguyễn Văn Hưởng (cha em Tâm) bức xúc nói: “Con tôi từ nhỏ đến lớn chưa một lần trộm cắp của ai, công an cũng chưa một lần có biên bản hay xử phạt con tôi trộm cắp. Bây giờ họ nói con tôi đã nhiều lần trộm cắp. Con tôi chết rồi cũng bị họ làm cho mang tiếng xấu”, báo Người Lao Động dẫn lời ông Hưởng.
Thư em Tâm để lại sau khi uống thuốc
diệt cỏ tự tử – (Ảnh: phapluattp.vn)
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoanh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Bắc cho báo Pháp Luật TPHCM biết: “Tại buổi họp tổng kết tình hình an ninh, nghe mấy anh công an khẳng định Tâm đã thực hiện hơn 10 vụ trộm tài sản mà tôi giật mình, khó thể tin nổi”.

Hiện nay, gia đình em Tâm đã viết đơn tố cáo công an xã Tịnh Bắc tự ý bắt em ngay tại lớp học dẫn đến việc em uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Trường hợp công an vào tận trường học bắt học sinh như em Tâm không phải cá biệt, mà còn rất nhiều vụ việc khác.

Công an dùng xe đặc chủng chở tội phạm vào trường bắt học sinh
Ngày 2/4/2015, lực lượng thi hành án hình sự công an TP Buôn Ma Thuột đã vào tận trường học bắt học sinh Đỗ Quang T (SN 1995) khi đang học vì em đã gây tai nạn giao thông và bị TAND kết tội trước đó. Lực lượng này cho đến 2 xe ô tô vào trường, trong đó có một xe đặc chủng chuyên chở tội phạm. Tuy nhiên, nhà trường không được thông báo trước điều này, lãnh đạo nhà trường đã mời đưa xe đặc chủng ra ngoài.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao công an không thực hiện tại nơi học sinh cư trú, hay đơn giản hơn là gửi giấy mời triệu tập, mà phải vào tận trường học bắt người?

Trả lời với PV báo Tuổi Trẻ, ông Vũ Tiến Thăng – phó trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột nói rằng: “Đúng là cơ quan công an không thiếu chỗ áp giải. Nhưng chúng tôi phải chọn cách đảm bảo bị án không chống trả, chạy trốn…”.

Ông Trương Thức, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi với PV báo Người Đưa Tin: “Việc bắt giam tội phạm là chuyện của cơ quan công an. Nhưng, việc bắt một học sinh ngay trong trường học, lẽ ra công an TP Buôn Ma Thuột nên thông báo trước để có sự phối hợp, không làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục”.
Vụ việc trên đã gây xôn xao dư luận, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc công an vào trường áp giải học sinh trong khi em T đang học, không có dấu hiệu bỏ trốn sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý cho các học sinh và giáo viên trong trường, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Hậu quả tâm lý, thương tổn đối với em T là vô cùng lớn.

Chấn thương vùng đầu và mặt chỉ vì công an… “xoa đầu”
Trong một vụ án điều tra mất trộm tiền, ngày 19/3/2015, công an xã Thạnh Phú (Cà Mau) đã đến trường THCS Trần Quốc Toản để triệu tập 6 em học sinh lớp 7 (Lý Nhật Hào, Lý Thị Mỹ Xuyên, Ngô Hoàng Hải, Đặng Nhật Trường, Lê Thủ Đức và Lê Văn Huy) về trụ sở công an xã.

Hành động này của công an bị nhà trường phản đối, công an lấy lý do rằng các phụ huynh học sinh đã đồng ý cho triệu tập (thực tế các phụ huynh không biết sự việc này) để đưa các em này về trụ sở.

Tại công an xã, các học sinh bị tra khảo và bị đánh mà không hề có người giám hộ ở bên, điều này trái với quy định pháp luật.

Trưa cùng ngày, mẹ của em Hải biết con mình bị công an “mời” lên trụ sở làm việc nên lo lắng đến nơi đón con về nhưng không được đồng ý, bà cho PV báo Người Lao Động biết: “Sau một hồi tranh cãi, tôi sợ con bị đói nên đi mua bánh mì định gửi vào cho con ăn nhưng họ không cho. Bực mình, tôi bỏ về nhà. Khoảng 13 giờ 30 phút, tôi trở lại thì phát hiện cán bộ công an đánh con tôi nên chạy vào ngăn cản. Thấy con có dấu hiệu mệt mỏi, tôi đòi đưa đi bệnh viện nhưng họ không đồng ý, còn nói cháu làm bộ chứ có sao đâu. Tôi phải điện người nhà đến để can thiệp đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị. Bệnh viện cho biết cháu bị chấn thương vùng đầu và mặt”.

Sau này, hai em bị hỏi cung cùng với em Hải là Trường và Đức cho báo Người Lao Động biết: “Con thấy chú công an tên Thảo túm tóc bạn Hải dập đầu xuống bàn một cái, rồi táng 2 cái liên tiếp vào mặt. Sau đó, mấy chú công an đưa bạn Hải vào trong phòng không biết để làm gì”.

Tại giường bệnh, em Hải cho phóng viên báo Tuổi Trẻ biết:  “Khi con lại công an xã thì mới đầu chú công an bắt con ngồi chéo một chân lên trên, hai tay hầu lại và ngồi thẳng lưng không được nhúc nhích. Chú công an kêu con ký là có nhận của bạn Nhân 4 triệu đồng. Con không chịu ký thì chú công an đánh con bên má, tay nắm đầu đập mạnh xuống, lúc đánh thì kéo con ra phía sau. Hiện con thấy đau nhức ở đầu và trong người rất khó chịu”.

Tuy nhiên, phía công an khẳng định không hề đánh đập em Hải mà chỉ “xoa đầu” trong lúc làm việc.

Báo cáo của công an xã Thạnh Phú ghi rằng: “Gia đình Hải tự đưa em đến Trạm Y tế xã, rồi tự đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chứ Hải không có thương tích gì khi vào khám ở Trạm Y tế xã. Gia đình em Hải nói công an viên Nguyễn Thanh Thảo đánh Hải dẫn đến nhập viện, theo hồ sơ thể hiện là không có cơ sở”.

Tuy nhiên, tình trạng chấn thương của em Hải được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau xác nhận tại giấy ra viện ngày 24/3, nêu rõ: “xuất huyết dưới nhện liềm não chẩm”.

Giấy xuất viện hẹn tái khám của em Hải. (Ảnh nld.com.vn)

Trên đây là những trường hợp công an tự ý vào trường học bắt giữ học sinh, mà nhà trường không thể ngăn cản, nhưng cũng có những trường hợp chính nhà trường giao học sinh cho công an.

Học sinh lớp 5 trở nên “điên loạn” sau khi bị công an xã lấy lời khai
Ngày 14/3/2007, nghi ngờ em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 5, trường tiểu học An Hiệp 2 (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) lấy 47.800 đồng, thầy hiệu trưởng đã cử một thầy giáo chở học sinh này đến công an xã, tại đây, Trâm bị đưa vào phòng riêng lấy lời khai, viết bản tường trình mà không có người giám hộ.

Sau khi về nhà, cô bé chỉ mới 10 tuổi này gần như điên loạn không thể đến trường, không dám đi học, có tiếng xe máy đi vào nhà là trùm chăn kín người và nói “công an đừng bắt con”, suốt ngày gào thét, người thân ai đến gần cũng bị cào cấu, gia đình phải đưa đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM điều trị.

Được biết, năm 2002, em Trâm từng đoạt giải cuộc thi “Bé khỏe – Bé ngoan” của huyện Châu Thành, suốt 5 năm đi học, Trâm là học sinh giỏi, đạo đức tốt và đang là lớp phó học tập.

Vụ việc đã khiến dư luận cả nước xôn xao, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin.

Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, những người liên quan tới việc em Trâm bị điên loạn chỉ bị kỷ luật, cách chức và điều chuyển công tác, gồm thầy hiệu trưởng, tổng phụ trách đội trường tiểu học An Hiệp 2 và trưởng công an xã, phó công an xã An Hiệp – 2 công an trực tiếp “lấy cung” em Trâm.

Vậy là chỉ vì số tiền 47.800 đồng, nhà trường kết hợp với công an đã khiến một học sinh giỏi, đạo đức tốt, lớp phó học tập trở thành một đứa trẻ tật nguyền điên loạn.

Những việc như thế vẫn đang tiếp tục diễn ra. Sau từng vụ việc, mọi thứ vẫn im lặng trôi qua, không thấy cơ quan chức năng, nhà trường có thêm một động thái nào nhằm hạn chế, ngăn chặn những sự việc đau lòng này.

Việc bé Trâm sợ hãi đến mức tâm thần vì bị công an hỏi cung cách đây 9 năm, nhưng không có một quy định nào bảo vệ học sinh trước những “hung thần” như vậy, khiến mới đây học sinh Nguyễn Thanh Tâm phải tự tử để tự bảo vệ danh dự cho chính mình.

Trong môi trường giáo dục, ai sẽ là người bảo vệ những học sinh nhỏ bé khi nhà trường không bảo vệ nổi học sinh của mình? Và ai sẽ là người bảo vệ các em khi có những công an không phải “vì dân” mà trở thành “hung thần” trong tâm trí tuổi thơ?

Ngọn Hải Đăng/Daikynguyen/BVB


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.