3936. TS Nguyễn Quang A: “Sẵn sàng làm chuyện ấy”

TS Nguyễn Quang A: “Sẵn sàng làm chuyện ấy”

Hiệu Minh/ Thứ Bảy, ngày 13 /2 /2016

 
GS Nguyễn Đăng Dung
giảng về bầu cử. Ảnh HM
Nói chuyện bầu cử, nhớ những năm 1980 ở Đồng Xa và Thành Công, tôi từng tham gia vài lần. Thấy kèn trống tí toét, cờ xí rợp trời, loa ông ổng kêu bà con trong xóm đi bầu. Ra khu bầu cử, thấy danh sách khoảng chục người gì đó, chẳng biết họ làm gì, ở đâu. Thấy chị nào xinh xinh anh Cua chọn, bác nào đeo kính vẻ trí thức cũng không gạch. Còn ông nào thuộc thành phần cơ cấu công nông là mình xóa luôn.

Đến giờ mình không nhớ đó là bầu cử Quốc hội hay HĐ Nhân dân. Kể từ thời đó, đi làm xa, chẳng nhớ bầu cử lần nào nữa. Nếu hồi đó thấy ông Quang A có chương trình hành động rõ ràng, chưa có điều kiện tham nhũng, chắc anh Cua sẽ không gạch.

Dường như người Việt thờ ơ với bầu cử nhất là bầu cử vào quốc hội. Nhiều gia đình bận, nhờ đại điện đi bầu, muốn gạch ai thì gạch.

Lại thêm mấy ông mặt trận thổi vào là đảng ủy chỉ thị năm nay bầu cho anh này, chị kia, người đi bầu chẳng biết mặt “cái” ông do trên đưa về là ai, có chương trình tranh cử ra sao, có tác dụng gì với địa phương, thế mà cứ thế ủng hộ cho người ta trúng cử.

Ngày 29-1-2016, mình được mời tới khách sạn Lake Side (Ngọc Khánh, Hà Nội) để giúp các bạn trẻ từ khắp 3 miền dự lớp tập huấn về quyền bầu cử. Phần Tổng Cua nói về bầu cử bên Mỹ dù y chưa bỏ phiếu bao giờ.

Vào sảnh khách sạn hỏi lễ tân các cháu chỉ, bác lên cầu thang tầng hai, có bảng hiệu “Sẵn sàng làm chuyện ấy”. Mình rụt rè không dám lên tưởng bị lôi ra làm massage hay vật thí nghiệm kiểu ở tuổi O60 lần đầu làm chuyện ấy nó sẽ ra sao. Nhưng mấy cháu gái trẻ măng giục, bác lên đi, không sao đâu, trên đó toàn các em trẻ đẹp.

Đã đâm lao phải theo lao, lên tầng hai, vào lớp toàn các bạn trẻ nghe cô Thu Hà của “Trung tâm giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ” đang giải thích “làm chuyện ấy” một cách chuyên nghiệp. Hỏi ra mới biết đó chính là lớp huấn luyện về bầu cử. Nhiều bạn qua tuổi trưởng thành nhưng chưa đi bầu cử bao giờ.
Biển hiệu trong khách sạn Lake Side. Ảnh: HM
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung giới thiệu tổng quan về bầu cử tại Việt Nam và thế giới rất thú vị, có nhiều thông tin. Ai cũng biết bầu cử là hình thức quan trọng bậc nhất và cũng là dễ làm nhất để nhân dân chứng tỏ quyền lực nhà nước thuộc về mình thông qua lá phiếu. Mỗi kỳ bầu cử cần tìm ra người và chính sách phù hợp với mong muốn của dân. Và đó cũng là dịp dân sửa chữa sai lầm trót bầu cho những ông ngồi nhầm ghế, kiểu nghị thẩn thơ thay vì nghị vì dân, có thể thay chính quyền bằng lá phiếu dân chủ mà không cần đổ máu.

Tại Mỹ, mỗi lần bầu cử nghị sỹ quốc hội (2 năm một lần), thượng nghị sỹ (6 năm một lần) và tổng thống (4 năm một lần) là dịp để dân “lật đổ” chính phủ một cách hòa bình. Với khoảng thời gian 2-4-6 năm thì việc thay máu một chính quyền được thực hiện một cách ôn hòa, chuyển giao quyền lực êm thấm, không gây ra sốc.

Các bạn trẻ dự lớp tập huấn tự tìm hiểu trên internet về hệ thống bầu cử bên Mỹ và trình bày những hiểu biết của từng nhóm. Có nhóm trình bày như từng đi bầu cử bên Mỹ dù trong lớp chỉ có vài người từng đi du lịch. Dù hệ thống bầu cử của Mỹ khá phức tạp nhưng luật “the winner takes all – được ăn cả ngã về không” sẽ giúp cho ứng viên mạnh mới có thể thắng được trên chính trường.

Dự lớp tập huấn có một đại biểu từng là ứng viên tự do ứng cử vào Quốc hội Việt Nam. Anh cũng qua được vài vòng sơ tuyển nhưng cuối cùng thua. Anh kể chuyện bắn đạn thật ở trường bắn. Khi xạ thủ bắn xong và báo an, người báo bia sẽ hô, trúng vòng 10, vòng 8 hay trượt. Nghĩa là kết quả phụ thuộc rất nhiều vào ông báo bia. Bầu cử mà không có hệ thống kiểm phiếu điện tử dễ bị “cơ cấu cứng”, trên đưa ứng viên về, kiểu gì cũng trúng.

Kiểu ứng viên theo cơ chế đảng cử dân bầu và “cứng – mềm” không còn sức cạnh tranh gay gắt trên chính trường. Chưa bầu cử Quốc hội đã biết người chủ tịch là ai rồi thì còn đâu là phiếu có giá trị. Dân chúng chán không đi bầu không phải là lỗi của dân trí.
Cô Thu Hà và lớp học. Ảnh: HM
Đề tài bầu cử sẽ còn bàn thảo nhiều trên Hiệu Minh Blog. Kết thúc entry ngắn, tôi nhớ đã đọc cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can” của anh Đặng Hoàng Giang lan man về nhiều đề tài. Anh có nói về vẻ đẹp của người chạy marathon về chót vì họ cố gắng tới tột bậc để giữ lời hứa, đã tham gia thì phải về tới đích dù là sau cùng khi người dự, người tổ chức đã ra về từ lâu.

Anh còn kể về chuyện một cậu bé da đen tên là Ruby 6 tuổi ở bang New Orleans tới trường trong sự khinh miệt của người da trắng. Bị tẩy chay, bị đe dọa “Tao sẽ đầu độc mày, tao sẽ tìm được cách”, ngồi lớp một mình, một cô, ngày này qua ngày khác, Ruby bền bỉ theo học.

“Em không khóc, không thút thít. Em chỉ rảo bước như một người lính bé nhỏ”, một cảnh sát liên bang nhớ lại thuở đó vào những năm đầu 1960. Rubby lên lớp 2, lên lớp 3 và tốt nghiệp tiểu học như một điều kỳ diệu.

Sự phân biệt chủng tộc đã dần kết thúc bởi có những cậu bé da đen và cộng đồng bên cạnh em Ruby. Có những phụ nữ như Rosa Parks dám ngồi xe bus với dân da trắng mà không hề tỏ ra sợ hãi. Vượt lên nỗi sợ hãi như họ mới làm nên sự thay đổi về mầu da.

Mới đây có tin tiến sỹ Nguyễn Quang A có ý định ra ứng cử vào Quốc hội. Cô bạn ảo Ngọc Anh tới nhà anh Quang A chơi tết, chụp bằng được một cái ảnh và khoe như chụp với sao.
Anh Quang A và chị Ngọc Anh.
Ảnh do chị Ngọc Anh gửi.
Đó là tin mừng dù ông không phải là đảng viên, không thuộc cơ cấu cứng hay mềm, không tổ chức nào giới thiệu. Quyền ứng cử và bầu cử được hiến định mà ít người biết được. Vì thế sự kiện Nguyễn Quang A mới gây sốc trên mạng ảo.

Một xã hội thực sự dân chủ thì việc một người như tiến sỹ Quang A ra tranh cử không có gì đáng phải bàn. Nhưng trong một bối cảnh có sự phân biệt tựa như phân biệt chủng tộc bên Mỹ cách đây hàng thế kỷ, không phải người của đảng sẽ không được giữ một trọng trách nào, một người tự do ứng cử vào quốc hội lại gây sốc giống như cậu bé Ruby tới trường một mình trong một xã hội mà người da trắng nói gì cũng đúng.

Anh Đặng Hoàng Giang có lời kết về sự chờ đợi sự xuất hiện thần kỳ như Lý Quang Diệu biến Singapore thành rồng, một Martin Luther Kinh thay đổi nước Mỹ, nếu không có Ruby hay những người chạy marathon về chót là những người bình thường đóng góp việc nhỏ để làm nên chuyện lớn.

Nhìn trong lớp học toàn các bạn trẻ đã qua tuổi bầu cử (18++) thế mà ít người từng đi bỏ phiếu. Dường như lớp học đã thổi lửa cho người dự cần phải hoàn thành trách nhiệm công dân trong những kỳ bầu cử tới.
Rất nhiều người làm chuyện đó lần đầu. Ảnh: HM
Thử hỏi trong hàng ngàn bạn đọc trong hang Cua có bao giờ bạn làm đủ bổn phận công dân bằng lá phiếu hoặc đứng ra tự ứng cử như anh Quang A. Đừng trách “Thể chế này nó thế”, thấy lãnh đạo nào đó ngu dốt, tham lam và độc ác trèo lên ghế cao thì hãy xem bản thân đã làm gì để thay đổi. Làm như anh Cua bỏ phiếu hết sức cảm tính thì sẽ có đại biểu quốc hội kiểu thần thơ, rau muống hay IQ cao làm đường cao tốc.

Tiến sỹ Quang A “lần đầu làm chuyện đó”, thế còn bạn đã nghĩ bao giờ chưa. Hay đó chỉ là chuyện của ông A và hệ thống sinh ra ông X thì đừng có trách tiến sỹ A trong khi mình đã trưởng thành mà vẫn chưa “sẵn sàng làm chuyện ấy”.

Hiệu Minh. 13-2-2016
 (Blog Hiệu Minh)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.