3639. Nơi tận cùng dòng Lũng Pô

Nơi tận cùng dòng Lũng Pô
Phóng sự của Vũ Ly
 
Suối Lũng Pô-
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Dòng suối Lũng Pô bắt nguồn cánh rừng đại ngàn trên dãy núi Nhìu Cồ San chảy xuống, tạo ra đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc trước khi nhập vào sông Hồng. Đó chính là “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Đến nơi tận cùng của dòng Lũng Pô tôi mới hiểu những con người nơi đây họ đã làm gì để sống và giữ đất…

Lũng Pô Xanh
Tôi đã nhiều lần lên Lũng Pô, tiếng địa phương Lũng Pô có nghĩa là suối rồng. Từ trên cao nhìn xuống, dòng suối Lũng Pô uốn khúc quanh một mỏm đồi tựa đầu rồng hướng ra dòng sông Hồng, hướng về cội nguồn Đất Tổ, hướng về Biển Đông nơi sinh ra dân tộc Việt là con Lạc cháu Rồng.

Chiến tranh biên giới tháng 2/1979, đã biến chiều dài biên giới dọc bờ sông Hồng từ thị xã Lào Cai lên tận Lũng Pô trở nên hoang tàn hơn chục năm trời. Xã A Mú Sung khi đó chỉ có 30 hộ gia đình người Dao, để giữ đất miền biên ải tỉnh Lào Cai vận động người dân từ Ngải Thầu lên, A Lù xuống. Mảnh đất trên ngọn nguồn sông Hồng và suối Lũng Pô dốc dựng, quanh năm khô khát, không ít hộ đến rồi lại đi vì thiếu nước sinh hoạt và đất làm ruộng.

Sau chiến tranh, việc đưa dân ra biên giới càng trở nên cấp thiết hơn, nhất là các xã vùng cao. Nhiều năm vận động và áp dụng các chính sách hỗ trợ, đến nay A Mú Sung đã có 11 thôn bản. Trong 11 thôn bản có 3 thôn kinh tế khá giả, đó là thôn Ngải Chồ, Lũng Pô 2 và Tùng Sán.


Thôn Lũng Pô 2 mới được lập do chuyển dân từ xã Dìn Chin huyện Mường Khương xuống năm 2007, người dân ở đây chủ yếu trồng chuối, dứa và sắn. Chuối thì bán sang Trung Quốc, dứa thì bán cho các thương lái trong nước, còn sắn thì người Lào Cai lên mua xuất khẩu. Mùa thu hoạch dứa và sắn xe từ khắp nơi đến mua hàng chật kín các ngả đường.
 
Bộ đội biên phòng đồn Lũng Pô
tuần tra biên giới
Thôn Lũng Pô 2 nằm giáp bờ suối Lũng Pô, cuộc sống người dân nơi đây ban đầu cũng gặp vô vàn khó khăn vì thiếu ruộng, nhiều người phải vượt suối Lũng Pô và sông Hồng sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có Ma Seo Páo. Ông nghĩ: Người Trung Quốc trồng được chuối sao mình lại không trồng được như họ? Thế là người đầu tiên ở Lũng Pô mua mầm chuối, dứa về trồng, rồi vận động anh em cùng góp đất trồng 55 ha chuối mô xuất khẩu. Nay thì ông đã trở thành “vua chuối” của thôn Lũng Pô 2. Người dân Lũng Pô học trồng chuối, dứa theo Ma Seo Páo, một vùng chuối, dứa mênh mông chạy suốt chiều dài biên giới.

Từ trên cao nhìn xuống thôn Lũng Pô 2 tràn ngập màu xanh của chuối, dứa tạo nên một Lũng Pô xanh đẹp đến mê hồn tại “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
 
Thôn Lũng Pô 2, màu xanh bất tận
Lũng Pô đỏ
Ngược dòng Lũng Pô lên Hồng Ngài, thuộc xã Y Tý dưới chân núi Nhìu Cồ San. Con đường dốc dựng chỉ toàn đá là đá, một vùng núi đá mênh mông. Hồng Ngài là thôn xa nhất  Y Tý, cách trung tâm xã 20 cây số, theo trưởng bản Vàng A Sáo thôn chỉ có 54 hộ gia đình, 368 khẩu.

Sở dĩ người ta gọi là Hồng Ngài là bởi cách nay lâu lắm rồi có một người Hoa đã nhặt được một viên đá đỏ to bằng cái bát ăn cơm trên thượng nguồn dòng Lũng Pô. Người ta gọi đất này là đất hồng ngọc, sau đọc chệch ra thành hồng ngài, nguồn gốc tên Hồng Ngài là từ đó.

Người bên kia biên giới nhiều lần tới Hồng Ngài đi dọc dòng Lũng Pô đào bới tìm đá đỏ nhưng không thấy. Sau mỗi lần đám người tìm đá đỏ bỏ đi dòng Lũng Pô lại quằn quại đỏ như máu. Người ta gọi đấy là máu rồng, viên Hồng Ngọc bị người Hoa lấy đi chính là mắt của con rồng Lũng Pô. Vào mùa mưa lũ, những khi nhìn dòng suối đỏ đục bùn đất người dân lại bảo: Máu rồng lại chảy.

Bắc qua dòng Lũng Pô là một viên đá khổng lồ, tạo ra cây cầu tự nhiên cho nhân dân hai bên bờ qua lại. Cả dòng suối Lũng Pô chảy dưới gầm cây cầu đá tự nhiên đó. Người dân gọi là cầu Thiên Sinh, tức là cây cầu trời sinh ra để phục vụ dân chúng.

Chiến tranh biên giới tháng 2/1979, người dân thôn Hồng Ngài lui sâu vào nội địa gần 10 năm trời. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình biên giới đã bớt căng thẳng họ mới trở lại mảnh đất cha ông để sinh sống, giữ gìn mảnh đất biên cương. Được biết đã có 6 người hy sinh trong đó có 4 bộ đội biên phòng và 2 cán bộ địa phương do bị bọn người mặt thú bên kia bắn lén. Nhưng người dân Hồng Ngài không hề nao núng, bởi Hồng Ngài là đất của cha ông họ, không kẻ nào có thể xâm lấn.
 
Những đứa trẻ con ở Hồng Ngài
Bí thư xã Y Tý ông Ly Giờ Có chỉ lên đỉnh đồi bên kia biên giới: Sau vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc kéo vào Biển Đông thăm dò trái phép thì họ xây dựng trên đỉnh đồi kia hệ thống giống như lô cốt. Chẳng biết họ sẽ giở trò gì nhưng người dân Hồng Ngài thì vẫn bình tâm làm ăn…

Nằm trên đầu núi, nên gió ở đây ngùn ngụt như muốn dứt mái tóc ra khỏi đầu. Tiếng gió thổi phe phe qua những bức tường rào bằng đá do người dân xếp lên để giữ đất. Sống chênh vênh trên triền núi đá nên người ta phải xếp đá để giữ đất làm ruộng, làm bờ rào quanh nhà, quây bầy gia súc…Những thửa ruộng ở Hồng Ngài bé tí teo chỉ rộng hơn đường bừa lẩn khuất sau những bờ đá cao vút đầu người.
 
San đất làm nhà

Nhà của người dân thôn Hồng Ngài
sau những bức tường đá

Tất cả mọi ngôi nhà ở đây đều dựng trên đá, nhà nào cũng phải mất cả tháng trời bới đất, xếp đá làm nền nhà. Hôm nay Vàng A Thìa nhờ bà con trong thôn san nền nhà giúp anh. Thìa lấy vợ đầu năm, nay bố mẹ cho ở riêng, chia cho mấy trăm gốc thảo quả và ít ruộng cày cấy. Thìa bảo: Nhà mình cũng trình tường như mọi nhà ở đây thôi bác ạ…Khi xuống phân hiệu Hồng Ngài thuộc trường tiểu học số 2 Y Tý thấy một số lớp học cũng đang học trong những ngôi nhà trình tường để chống lại mùa đông giá rét nơi đây. Cái rét vùng cao khiến má đứa trẻ nào cũng đỏ lựng.
 
Các lớp học trong ngôi nhà trình tường
Trưởng bản Vàng A Sáo bảo rằng: Ruộng ở Hồng Ngài ít lắm, nhà nào nhiều ruộng thì cấy 25 cân thóc giống, nhà ít thì 5 cân, mỗi cân giống thu 5-6 bao thóc. Năm nào lúa tốt thì đủ ăn, năm nào mất mùa thì thiếu ăn. Người dân trông vào cây thảo quả thôi, thu nhập ở đây đều nhìn lên rừng thảo quả trên núi Nhìu Cô San. Không có thảo quả thì đói lắm, sẽ chẳng có xe máy hay trâu bò gì cả…
 
Vàng A Sáo cùng vợ
đóng thảo quả trước khi đem bán

Ngôi nhà hai tầng đầu tiên
ở Hồng Ngài của ông Vàng A Chu

Bởi thế, ở Hồng Ngài nhà nào cũng trồng thảo quả, nhà ít thì vài trăm gốc, nhà nhiều thì có tới 15.000 gốc như gia đình Vàng A Chu, Vàng A Sử (A), Vàng A Dủa…Rừng thảo quả của gia đình ông Dủa mỗi năm thu hơn 2 tấn quả bán được 300 triệu đồng. Mấy năm trúng mùa thảo quả ông Vàng A Chu xây ngôi nhà hai tầng đầu tiên ở Hồng Ngài và mua một cái xe ô tô tải để chở thảo quả. Nhiều hộ tiền bán thảo quả không biết làm gì thì gửi ngân hàng, ít thì 40-50 triệu, nhiều vài trăm triệu. Hai năm nay mưa tuyết rơi nhiều khiến rừng thảo quả bị chết, mất hơn chín mươi phần trăm. Đến như gia đình ông Dủa cũng chỉ thu được mấy tạ, giá thảo quả hiện đang là 120.000đ/kg, người ta đến tận nhà mua, nhưng tiếc quá không có để bán.


Gia đình Vàng A Sáo năm nay thu được hơn 3 tạ thảo quả, người ta đã tới đặt tiền nhưng thảo quả chưa khô hết, nên vợ Sáo ở nhà vừa nấu rượu vừa sấy thảo quả. Nhìn thảo quả trên giàn đỏ rực, điều đó khiến tôi không khỏi liên tưởng tới màu hồng ngọc. Phải, đó chính là những viên hồng ngọc mà rừng đã ban tặng cho người dân nơi đây, để làm nên một Lũng Pô đỏ… 

Vũ Ly (tác giả gửi PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.