3624.Cấm không đúng pháp luật

Phòng giáo dục và Đào Tạo Tp.Châu Đốc ban hành văn bản cấm không đúng pháp luật
Ls Nguyễn Tấn Thi 

Gần đây, khi dư luận còn chưa hết sững sờ vì quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cán bộ công chức ở tỉnh An Giang vì có nhận định chủ tịch tỉnh có vẻ mặt "kênh kiệu" thì nay cũng trong tỉnh này lại xuất hiện một văn bản cấm cán bộ công chức một số nội dung khi thực tham gia mạng xã hội. Cụ thể ngày 02/11/2015 Phòng giáo dục Tp.Châu Đốc đã ban hành văn 1192/ PGĐT có nội dung "nghiêm cấm" tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học trực thuộc Phòng giáo dục Tp. Châu Đốc không được thực hiện các hành vi sau: bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác.

Theo quy định của Hiến Pháp thì quyền tự do ngôn luận của công dân được tôn trọng và đảm bảo. Tham gia mạng xã hội, tức cá nhân được quyền tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội hoặc báo chí liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội, trong đó quan trọng là những vấn đề về chính trị, chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước. Và, cá nhân có quyền bày tỏ quan điểm nhận định và phát biểu quan điểm của mình trên mạng xã hội. Công dân có quyền bày tỏ ý kiến, phản biện tất cả những vấn đề mà mình tiếp nhận được, miễn sao không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Trong nội dung văn bản của Phòng giáo dục Tp.Châu Đốc có những điều đã bị pháp luật cấm và có quy định biện pháp xử lý hành chính, hoặc hình sự như phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín của cá nhân khác. Những điều cấm này đã được quy định trong bộ luật hình sự, và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên tại văn bản của Phòng giáo dục Tp.Châu Đốc còn liệt kê để "nghiêm cấm" các hành vi khác là không đúng. Đây là sự xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. Những quyền tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến, phản biện về những vấn đề về chế độ chính sách, về chính trị, tôn giáo được Hiến pháp và pháp luật đảm bảo. Viêc bày tỏ ý kiến, phản biện của công dân về nhũng vấn đề trên còn nhằm góp phần hoàn thiện các chế độ chính sách, hoàn thiện pháp luật. Đây là việc làm cần khuyến khích.

Theo quy định thì nhũng điều công dân không được làm, nhũng hành vi bị cấm phải được đưa và các văn bản quy phạm pháp luật. Xét về thẩm quyền thì Trưởng phòng giáo dục không có thẩm quyền ban hành điều cấm và văn bản được ban hành là công văn nên cũng không thể có quy định điều cấm đối với công dân. Trong văn bản 1192 có dẫn các văn bản chỉ đạo của cấp trên như công văn 3018/UBND của Uỷ ban thành phố Châu Đốc và Công văn 574/STTTT của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang. Tuy nhiên xét về thẩm quyền thì hai cơ quan trên cũng không có thẩm quyền ban hành điều cấm đối với công dân.

Có ý kiến cho rằng Phòng giáo dục ban hành văn bản này để áp dụng nội bộ trong phạm vi các trường trực thuộc, có thể xem như nội quy có giá trị pháp lý đối với các cán bộ công chức, giáo viên, học sinh. Đây là một quan điểm chưa đúng bởi nội quy chỉ có gí trị đối với những hành vi liên quan đến việc thực hiện công việc của cơ quan tổ chức của các thành viên cơ quan tổ chức đó. Trong trường hợp này các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang đã cấm công dân thực hiện những quyền liên quan đến nhũng vấn đề chung của xã hội mà mọi công dân điều có quyền tự do ngôn luận.

Thiết nghĩ Phòng giáo dục Tp.Châu Đốc đã vượt quá thẩm quyền khi ban hành văn bản 1192, gây phản ứng không tốt trong dư luận. Những quy định hạn chế một cách nghiêm khắc của các cơ quan chức năng tỉnh An Giang, với một ý nghĩ nào đó đã làm cho công dân lo sợ khi sử dụng mạng xã hội. Vô hình chung đã hạn chế quyền tiếp nhận và chia sẻ thông tin, hạn chế công dân tiếp cận môi trường Internet, không tốt cho sự phát hiển công nghệ thông tin của đất nước. Điều này còn trái với nguyện vọng của Thủ tướng chính phủ vừa phát biểu gần đây là khuyến khích công dân sử dụng mạng xã hội để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Phòng giáo dục Tp.Châu Đốc cần huỷ bỏ ngay văn bản 1192 và có thể ban hành một văn bản khác mang tính hướng dẫn, khuyến khích chứ không được cấm công dân thực hiện các quyền tự do ngôn luận của mình.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.