3706. Con gái cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển viết về bố mình

Con gái cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển viết về bố mình

Posted by adminbasam on 06/10/2015
FB Linh Linh6-10-2015


Tôi không thích nói thông tin cá nhân, những bạn học hay đồng nghiệp của tôi đều hiểu điều này. Nhưng hôm nay phá lệ, trong thông tin tràn ngập về TPP, muốn viết một chút gì về bố, nhà đàm phán thương mại xuất sắc của Việt Nam.

Bố bảo: một nhà đàm phán giỏi là nhà đàm phán ngoài khả năng hiểu biết còn có khả năng tạo sức ép. Tôi nghĩ cái sự tạo sức ép này nó dựa trên sự hiểu biết, sự tự tin, bản lĩnh cao và biết cương nhu đúng lúc. Chính vì thế tuy ở vị thế một nước bé hơn Mỹ và EU gấp nhiều lần nhưng bố luôn hành xử như một đối tác ngang bằng chứ không phải vị thế một nước bé nhún nhường trước một nước lớn.

Đã có một thời, nhiều người nghĩ rằng làm đối ngoại là phải bóng bẩy, biết ăn nói “ngoại giao”. Ờ, điều này luôn đúng với một cuộc xã giao ngoại giao thông thường. Nhưng lại không bao giờ đúng đối với những cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng “năng cân”.

Tôi nhớ trước kia đọc quyển Napoleon Bonapart của Etacle (?), trong cuộc gặp lịch sử giữa Napoleon và Sa hoàng Alexandre, một nhà chính trị của Nga (phía đối địch) đã viết về Napoleon như sau: “trước mặt tôi là vị tướng vĩ đại, nhà làm luật vĩ đại, nhà chính trị vĩ đại và nhà ngoại giao vĩ đại”. Napoleon luôn được coi là nhà ngoại giao vĩ đại vì Ông luôn biết ép đối phương ký kết những hiệp ước có lợi cho Paris. Và cho dù ông đã giật vương miện từ tay giáo hoàng để tự tay đội lên đầu thì cũng ko ai có thể nói rằng ông là một nhà ngoại giao kém. Napoleon chưa, và không bao giờ là người ăn nói bóng bẩy và ngoại hình đẹp mắt như nhiều ng VN nghĩ chính khách là phải thế, ông là nhà ngoại giao giỏi vì ông luôn biết vị thế và tận dụng triệt để nó! Và Napoleon luôn đạt được điều mình muốn vì ông có cả trăm trận thắng trong tay.

Hiệp định Paris 1973 không bao giờ được ký kết nếu không có chiến thắng Điện biên phủ trên không 1972.

Bố là người khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo BTA (hiệp định thương mại song phương theo chuẩn wto đầu tiên với Mỹ). Được nghe kể rằng, VN cần BTA với Mỹ hơn là Mỹ cần ở VN vì điều quan trọng nhất là quy chế tối huệ quốc (MFN) thì Bộ NG đã nhanh nhẩu đoảng trình BCT hay CP gì đó cấp cho Mỹ trước khi đàm phán BTA mất rồi (bố là ng cương trực và thẳng tính nên sau này nghe kể lại bố đã rất cáu với BNG và có nói MFN việc của BTM sao lại nhảy vào làm gì) Tuy nhiên, dù đã mất cái con bài MFN trước đó nhưng với sự tự tin, quyết đoán, bản lĩnh và khả năng thuyệt phục, bố vẫn tạo được nhiều sức ép đàm phán với Mỹ để ký kết BTA.

Nếu ai được tham gia đàm phán song phương với Mỹ về WTO thì sẽ hiểu, phiên cuối rất khó khăn vì các vấn đề về dệt may đã gây cản trở cho VN đến thế nào. Trong buổi đàm phán tay đôi thông đêm với Bartia, phó đại diện thương mại Mỹ, Bố đã dám “đập bàn đập ghế” và bỏ ra ngoài 2 lần mà cuối cùng Bartia vẫn phải nhượng bộ. Anh Thái (giờ là phó đoàn TPP, hồi đó là 1 trong 3 người đc tháp tùng bố trong cuộc đàm phán tay đôi với Bahtia, phiên dịch thay cho phiên dịch “độc quyền” Le Thanh Lam vì lý do hạn chế số người nên Lâm ko vào đc) có nói: tưởng là vấn đề BT (tức là bố) đưa ra là húc đầu vào tường, ai dè tường đổ.

Bartia sau hôm họp báo có nói: ông T là một nhà đàm phán cứng rắn nhưng là một nhà đàm phán tuyệt vời. Sau đó Bartia còn đưa cho bố một tấm bưu thiếp nhờ bố ký làm kỷ niệm.

Bạc Hy Lai, lúc đó là BT Thương mại và đang lên như diều gặp gió cũng dành cho bố sự kính trọng đặc biệt. Ông có nói với mẹ trong tiệc chiêu đãi tại hội nghị APEC: chồng bà là người có công lớn đối với VN đấy.

Tôi nghĩ, một cuộc đời thú vị thì nên ghi lại để trước hết cho mình, rồi cho gia đình. Cuộc đời làm việc của bố đầy những thú vị vì trước hết là do bố tạo nên, sau nữa là nó nằm trong những bước ngoặt của lịch sử đất nước về mặt kinh tế, mà bố cũng là nhân tố quan trong góp phần. Rất tiếc Bố không bao giờ chịu viết, cũng ít kể về bản thân, cho dù với con gái. Thế nên, trong không khí báo chí viết về TPP, tôi muốn viết vài dòng về bố, người đã đóng góp, khởi xướng, chỉ đạo và kiến trúc nhiều cuộc đàm phán thương mại thành công của VN.
Theo NĐB



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.