3775. Chuột bạch của một nền giáo dục “mậu dịch”

Chuột bạch của một nền giáo dục “mậu dịch”

Khải Đơn /theo TTXVA.




Chiếc xe cấp cứu 115 được dùng để chạy đua chở một em thí sinh đại học ra Hà Nội rút hồ sơ có thể sẽ trở thành biểu tượng của sự bất cập trong kỳ thi đại học năm 2015 này. Ở đó, lộ ra những điều khiến người ta bàng hoàng.

Một kỳ thi bất công về thông tin

Hãy tưởng tượng bạn là sinh viên đang chờ ngày điểm chuẩn được công bố. Bạn đã kiên quyết sẽ chọn ngành Quan Hệ Quốc Tế, hay Y Đa Khoa. Bạn là những người đầu tiên có điểm cao gửi trọn niềm tin của mình vào ngành học mình muốn. Nhưng “trận địa” kia không đơn giản như vậy. Nó kéo dài đến 20 ngày. Dần dần, càng về sau, những người học kiên định chọn lựa chuyên ngành mình yêu thích cũng dần bị công phá bởi thế trận của những kẻ đến sau có thông tin nhiều hơn và rõ ràng lợi thế hơn hẳn.

Cách tuyển chọn đợt 1 của kỳ thi đại học năm 2015 này đã bị sai ở 20 ngày nộp hồ sơ đợt một. Nó cào bằng những người đến trước, trao thêm quyền cho những kẻ đến sau. Rõ ràng, những người cầm bộ hồ sơ đứng ngoài cuộc rung đùi chờ theo dõi bảng điểm giờ chót chính là những kẻ sẽ thắng cuộc.

Một kỳ xét tuyển đã trở nên bất công với những thí sinh có trách nhiệm với bản thân và tương lai (nhóm người đầu tiên kiên định chọn quyết định quan trọng cho đời mình) và ban phát quá dễ dàng các kẽ hở cho những kẻ đến sau, dồn người đến trước ra trận địa không một manh giáp. Thật dễ dàng để nhận thấy vì sao người ta hoảng loạn hơn khi những ngày cuối ập đến, bởi điểm số biến động mạnh mẽ trên “sàn” khiến ngay cả những kẻ bình chân như vại nhất cũng hoảng loạn khi nhận ra tương lai mình bị đe dọa. Người ta vẫn nói kẻ nào có thông tin trước sẽ là kẻ chiến thắng.

Ở đây, những sinh viên đến sau, những người chậm rãi canh trận địa chẳng cần làm gì nhiều, đã may mắn trở thành kẻ chiến thắng trước những em sinh viên… mù tịt nộp hồ sơ trong những ngày đầu, vì họ nhìn thấy mức tăng giảm điểm số tiệm cận và sát thực tế hơn gấp nhiều lần ban đầu. Cuộc đua “giựt hồ sơ” này rõ ràng đã không công bằng, đặc biệt cho những sinh viên đầu tiên và… đến trước!

Chạy đua học… không vì cái gì hết

Tuy nhiên, giữa trận địa kinh hoàng này, tôi nhận ra rằng hóa ra cả xã hội không nhìn nhận chuyên môn như mục đích quan trọng của đào tạo đại học. Ở khía cạnh phụ huynh và sinh viên, hàng ngàn con người đã lao đầu “lên sàn”, thức khuya thức hôm, đêm ngày canh ngóng chờ rút – nộp. Họ đã không hề nhắm đến cái mục đích tối thượng cho tương lai của con cái: LÀ MỘT CHUYÊN MÔN/ NGHỀ NGHIỆP.

Mục đích của giáo dục đã bị lộn ngược như một cái bình cát đổ cát ra ngoài. Việc chạy đua như điên cuồng đến đại học chỉ vì mục đích… học đại học. Vậy học đại học là cái gì? – CHƯA CẦN BIẾT! ĐƯỢC HỌC ĐÃ.

Một sinh viên ban đầu chọn đại học Y Dược, vì thấy mình không ở ngưỡng an toàn, đã dễ dàng cầm hồ sơ xuống ngành… thú y hoặc nông lâm. Một thí sinh muốn vào ngành công nghệ thông tin, vì quá sợ mình không đủ điểm chọi với hàng trăm đứa khác, sẵn sàng đánh đổi bản thân để học ngành… quản trị kinh doanh. Một em muốn thi vào báo chí sẵn sàng quay ngoắt mục đích sang… Nhân học cho an toàn.

Hàng ngàn phụ huynh thắc thỏm, bật khóc, rơi nước mắt, cả nhà lao sầm sập đến chỗ hồ sơ để rút, nằm vạ vật ngoài cổng trường chờ con mình đọc điểm số bị tăng cao là xông vào rút. Họ đã tự chứng minh sự vô nghĩa chưa từng có của đại học: Nơi người học không cần biết học gì, cứ được học là tốt rồi. Họ không hề nghĩ con mình sẽ hóa thành cái gì nếu phải chịu đựng 4 năm học một ngành học mà nó chưa từng tìm hiểu, chưa từng yêu thích, cũng chưa từng có khái niệm gì cả. Đám sinh viên dũng cảm cũng liều mình như chẳng có, không hề biết mình đang lao vào cái vũng bùn nào của tương lai, không đủ sức kéo chính mình chống lại sợi dây ràng buộc cả xã hội trong một lực căng khốc liệt.

Cả xã hội bị kéo căng ra như cái chạng ná, đẩy về bên nào là hàng ngàn người trẻ phải đâm đầu lao theo lực kéo đó. Bất chấp sự nghiệp. Bất chấp tương lai. Bất chấp cả nỗi sợ hãi.

Những người học đã tự hạ thấp phẩm giá mình xuống một bậc vì nỗi sợ nhu cầu. Họ đang là “nhà đầu tư” trả tiền để vào đại học, nhưng họ lại hóa thành những khách hàng thời bao cấp, nuốt nước mắt nhận một cân gạo mốc, chứ không được quyền từ chối ký gạo không ngon mà phải mất tiền. Đại học dường như cũng là cái cửa hàng thực phẩm thời đó, thải ra gì thì sinh viên ăn đó. Đói học quá, họ ăn bất chấp. Họ đánh mất cái tư cách chọn lựa và sáng suốt cho chính mình chỉ vì một trào lưu dữ dội không hề có tương lai.

Tôi không biết các thí sinh và phụ huynh có chùn tay không khi nhanh chóng thỏa hiệp để “đổi sự nghiệp” chỉ trong vài giờ nộp hồ sơ – khi một quãng tuổi trẻ 4 năm của con cái họ và khoản tiền đầu tư đại học sắp được đưa lên bàn đặt cược trong trận cuối cùng. Con họ sẽ làm nghề gì? Em thí sinh sẽ làm gì với sự nghiệp? – Hình như họ đã không còn cần đến câu hỏi đó nữa. Giờ đây, ai cũng chỉ cần được đi học, như thể đi học là mục đích tự thân cuối cùng của đời nó vậy.

Nhưng kỳ thi này có tồi tệ dữ vậy không?

Trái với hệ quả kinh khủng mà kỳ thi đại học này đang gây nên, Bộ Giáo Dục dường như đã có nỗ lực trao quyền nhiều hơn một chút cho tương lai của những người học.

5 năm trước, khi đi thi đại học, những sinh viên như tôi chọn nghề, nhắm mắt quăng hồ sơ của mình vào, đi thi, rồi nhắm mắt cầu nguyện mình đậu trong một ngày thình lình điểm số được công bố. Ở kỳ thi truyền thống, người học nằm ở giữa “điểm mù” của tương lai mình. Tôi không được suy nghĩ lại – không được rút hồ sơ. Tôi không được biết ai, người nào, thí sinh nào đang chạy đua với tôi trong kỳ thi đó. Trong thực tế, người học cũng không biết những “đạo diễn” đã dựa vào động cơ nào để xét điểm chuẩn đậu đại học, vì đủ thí sinh điểm cao, vì chọn từ điểm cao nhất xuống hay… vì lí do mờ ám nào?

Trong khi đó, ở kỳ thi năm nay, lần đầu tiên thí sinh được nhìn thấy rõ dòng chảy của điểm. Họ được quyền chọn nộp và rút đến phút cuối cùng. Người học nhìn thấy rõ bảng điểm đang xuất hiện những ai, ai rời đi, điểm số dao động ra sao. Có thể nói, sự trình bày này chính là một bước tiến tăng sự độc lập cho người học – để họ có thêm quyền được hành xử ra sao tùy ý trước tương lai chuyên môn, nghề nghiệp của mình. Đây có lẽ là điểm sáng đáng ghi nhận của kỳ thi này.

Chỉ có điều, sự công khai này đã không làm tròn được vai trò minh bạch trong nỗ lực của chính nó. Bởi các trường đại học, phụ huynh và thí sinh – các “vai diễn” chính trong chương trình tuyển sinh này cũng chưa thật hiểu mình phải làm gì với sự nghiệp hay cái triết lý giáo dục còn xa vời lắm với họ.

Phụ huynh và học sinh chưa coi giáo dục đại học là một chuyên môn nghiêm túc cho sự nghiệp. Đại học chưa coi thí sinh là khách hàng.

Và trên tất cả, dù đã nới cái biên độ “tự chọn” ra thêm một nấc, Bộ Giáo Dục vẫn đang dùng bàn tay độc quyền của mình để làm nhạc trưởng cho cả một nền giáo dục hàng trăm trường đại học. Không trao cho các trường quyền được tự vận hành tuyển sinh, Bộ đã biến mùa tuyển sinh thành một cái chợ của mớ giá trị nhầm lẫn. Không có tự trị đại học, thì trường đại học mãi mãi là đứa con điên khùng trong tay một bà mẹ mất kiểm soát (vì quá đông con).

Lẽ ra người học là nhà đầu tư/khách hàng và phải được tôn trọng, giờ đây họ đang dẫm lên đầu lên cổ nhau để mua được một món đồ hư mốc trước một cửa hàng mậu dịch đại học.

 KHẢI ĐƠN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.