3687. Sở TT-TT Hà Tĩnh báo cáo không đúng sự thật!

Sau loạt bài "Gánh nặng quê nghèo": 
Sở TT-TT Hà Tĩnh báo cáo không đúng sự thật!
NNVN/ 04/08/2015, 05:56 (GMT+7)

PNTB: Cả loạt bài PS điều tra gây bức xúc dư luận không báo nào dại gì bịa đặt cả. Họ cũng phải giữ miếng cơm manh áo chứ. Nhưng đó là những PS rất nhân văn - bênh vực nỗi thống khổ của bà con nông dân trước nạn cường hào mới. Những bài báo được độc giả cả nước ngưỡng mộ. Vậy sở TTTT Hà Tĩnh vì mục đích gì mà định "chơi" lại báo chí đây??? "Ông" là Sở, chứ nếu ông là Bộ thì chắc Báo cũng chả ngán! Thời buổi "cả vú lấp miệng em" không còn đâu.

Việc lạm thu diễn ra dai dẳng, là nỗi ám ảnh lớn của nông dân nghèo ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Cần trả lời thẳng có hay không việc lạm thu? PV báo NNVN làm việc với bà Lê Thị Hương, thôn Văn Minh, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh về các khoản đóng góp cho xã, thôn

Loạt bài Gánh nặng quê nghèo của Báo NNVN đã phản ánh rõ về thực trạng lạm thu ở nhiều xã trong nhiều năm liền trên địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là nội dung chính được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 1/8/2015.


Phó Thủ tướng yêu cầu: “Trường hợp nếu có việc thu các loại phí, đóng góp của nhân dân sai quy định, trái pháp luật thì phải hủy bỏ và hoàn lại cho dân, đồng thời xử lý kỷ luật các cán bộ vi phạm”.

Ngày 2/8/2015, báo NNVN nhận được văn bản số 91 do ông Phan Tấn Linh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 29/7/2015 báo cáo xác minh nội dung liên quan đến các bài báo viết về một số xã thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đăng trên báo NNVN ra từ ngày 6/7/2015.

Sự thực là NNVN đã phản ánh nhiều khoản thu tồn tại trong nhiều năm nay chứ không phải chỉ có năm 2015 như báo cáo của Sở TT-TT tỉnh Hà Tĩnh.

Đặc biệt, NNVN đã có 14 bài phóng sự điều tra về vấn đề này nhưng báo cáo của Sở TT-TT Hà Tĩnh chỉ đề cập đến một số chi tiết trong 3 bài viết.

Theo đó báo cáo đã "lờ" đi hàng trăm chi tiết, thông tin biết bao cảnh nông dân nghèo đang phải đóng nộp các khoản thu trái quy định do chính quyền xã đặt ra. Liên quan đến bản báo cáo của Sở TT-TT Hà Tĩnh, báo NNVN xin nêu rõ các nội dung như sau:

Một là, về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, NNVN khẳng định: Việc các xã đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của Nhà nước phổ biến ở nhiều địa phương. Ở đây cần phải rành mạch giữa họp dân để lấy ý kiến và người dân quyết định trực tiếp về các khoản thu khác với họp dân để phát giấy thông báo chiến dịch thu nộp sản phẩm.

Riêng ở xã Thường Nga, chiến dịch thu sản vụ đông xuân 2015 vừa rồi, hầu hết các thôn không kịp tổ chức họp dân để phát giấy thông báo.

Quyết định và giấy thông báo đóng nộp do Chủ tịch UBND xã ký ban hành chiều 20/6/2015 ghi rõ chiến dịch diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 22/6/2015. Quá gấp gáp nên có trưởng thôn nhận giấy thông báo từ xã, ngay trong đêm 21/6 phải mang đến tận từng hộ dân.

Không chỉ có vậy, thôn Liên Minh có họp thôn nhưng vì quá gấp nên số hộ tham dự rất ít.

Sau loạt bài Gánh nặng quê nghèo, ông trưởng thôn đã mang biên bản cuộc họp đến cho người ghi biên bản đề nghị chỉnh sửa, ghi thêm nội dung là “cuộc họp có 75% số hộ đồng ý với các khoản thu do xã đề ra”.

Việc vi phạm quy chế dân chủ, tiến hành tận thu trong 3 ngày một cách gấp gáp khiến nhiều cán bộ, đảng viên và người dân bức xúc.

Điều này, chính ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Chánh Văn phòng xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo Văn phòng NTM tỉnh, huyện Can Lộc chứng kiến tại cuộc họp thôn Đông Nam. Nội dung được phản ánh qua bài viết: “Tường trình từ Hà Tĩnh: Quy chế dân chủ đã bị phớt lờ”. 

Hai là, Sở TT-TT Hà Tĩnh cho rằng, NNVN viết “ai chưa nộp sẽ bị hành hạ bằng cách đọc tên trên loa của thôn, của xã ra rả suốt ngày” là không khách quan. Chi tiết này, NNVN khẳng định: Việc này là đúng với những gì đã diễn ra ở xã Thường Nga nhiều năm nay.

Ba là, báo phản ánh một số nội dung liên quan đến gia đình bà Lê Thị Hương – thôn Văn Minh, xã Thường Nga. Người đàn bà có hình ảnh đang khóc được đăng trên NNVN với lời chú thích bà Hương khóc khi kể về các khoản thu.

Đây cũng là chi tiết được một số tờ báo khai thác lại và phản ánh rằng, bà Hương khóc vì tủi thân bởi có con ốm đau, hoàn cảnh khó khăn chứ không phải khóc vì các khoản đóng nộp.

Ngoài chi tiết này, báo cáo của Sở TT-TT Hà Tĩnh còn cho rằng, việc báo phản ánh “bà Hương phải đeo ắc quy gắn bóng đèn để ra đồng. Vậy mà thóc lúa cũng không đủ chi phí đầu tư và nộp sản”, “có con trai bỏ đi biệt xứ”, “đứa con gái mỗi lần lên cơn thì vác gậy rượt bà Hương đánh” là sai sự thật. 


Với tinh thần tôn trọng bạn đọc, tôn trọng sự thật, chúng tôi mời bạn đọc nghe băng ghi âm về cuộc làm việc giữa PV NNVN với bà Lê Thị Hương: (Nếu cần bà con nghe Ở đây /PNTB)

Xin được nói rõ thêm, thời điểm các PV đến nhà bà Hương, khoảng hơn 10h ngày 24/6/2015, trong nhà có ông Phan Văn Ngụ (chồng bà Hương); con rể là anh Phạm Văn Thương (quê Quảng Bình); hai người con gái của bà Hương, một đứa cháu ngoại và một người hàng xóm là bà Đào Thị Nguyệt...

Trong quá trình làm việc, mọi người đều kêu ca về các khoản đóng nộp vụ này vẫn rất cao. Đặc biệt là không hiểu gì về khoản thu Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất. Bà Hương liên tục khóc. Bức ảnh NNVN đăng về bà Hương là một sự thật. 



Căn cứ Giấy thông báo nộp sản và biên lai thu tiền số 0137970 ngày 23/6/2015 của hộ ông Phan Văn Ngụ (chồng bà Hương) nộp hết 928.000 đồng cho xã và 558.000 đồng nộp cho thôn. Tổng số tiền gia đình bà Hương đã nộp là 1.486.000 đồng (270kg thóc), một mức đóng góp quá nặng đối với hộ nghèo, con cái ốm đau. 


Thông báo nộp sản của UBND xã Thường Nga 
đối với ông Phan Văn Ngụ (chồng bà Hương)

Ngày 6/7/2015, báo NNVN đăng bài “Những giọt nước mắt trong chiến dịch thu ngân sách”, khoảng 16h30 cùng ngày, Công an xã Thường Nga đã triệu tập ông Phan Văn Ngụ là chồng bà Hương lên trụ sở UBND xã để lập biên bản.

Bốn là, trong mục 4 của báo cáo Sở TT-TT Hà Tĩnh đề cập đến các khoản thu của xã Thường Nga. Nhưng tiếc thay, nội dung này, Sở TT-TT đã không đề cập hết các khoản thu sai phạm của chính quyền xã diễn ra trong khoảng thời gian rất dài trước đó, chứ không phải chỉ có một khoản thu trong năm 2015.

Vấn đề này, trong rất nhiều số báo của loạt bài Gánh nặng quê nghèo, NNVN đề cập khá rõ và nội hàm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phải kiểm tra, báo cáo lên Thủ tướng, chính là các khoản thu trong suốt nhiều năm. 

Trong vòng chưa đầy 1 năm, UBND huyện Can Lộc đã hai lần có văn bản khẳng định và "tuýt còi" UBND xã Thường Nga trong việc thực hiện thu các loại quỹ trái với quy định của Nhà nước. Tại văn bản số 1611 ngày 27/11/2014, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc đã chỉ ra hai khoản thu sai là: Quỹ phát triển sản xuất và Quỹ tang tế thu theo đầu sào với số tiền xấp xỉ 400.000.000 đồng. Tổng số tiền UBND xã Thường Nga đã thu sai của người dân trong hai năm qua lên đến trên 1,1 tỷ đồng.

Về Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, Sở TT-TT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Đây là loại quỹ vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng làm đường, kênh mương nội đồng. Tất cả các khoản thu đều được thông qua và xin ý kiến nhân dân”.

Xin nêu ngắn gọn lại việc này: Ngày 20/6/2015, Chủ tịch UBND xã Thường Nga ký Quyết định về giao chỉ tiêu đóng nộp cho các thôn, hộ dân vụ đông xuân 2015, trong đó có khoản thu Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất (chứ không phải Quỹ giao thông thủy lợi nội đồng như các văn bản trước đó của HĐND, UBND xã Thường Nga cũng như trong báo cáo của Sở TT-TT Hà Tĩnh).

Như Báo NNVN đã phản ánh, đây là khoản thu lớn nhất, gây bất bình nhất.

Về vấn đề này, các ông Dương Đình Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở Tài chính, Lương Quang Diên, Trưởng phòng Ngân sách huyện xã Sở Tài chính Hà Tĩnh khẳng định rằng, khoản thu Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất do Chủ tịch UBND xã Thường Nga ký Quyết định thu của người dân là sai.

Lý do, nó không có trong danh mục của các văn bản: Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư 60 của Bộ Tài chính về ngân sách xã; Quyết định 29 ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh.

Còn ông Bùi Quang Hoàn, PGĐ Sở NN-PTNT, ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh và ông Thân Văn Nam, Đại biểu HĐND huyện Can Lộc, đều nói lần đầu tiên được nghe tên quỹ này. 

Cũng xin nhắc lại rằng, trước đó, bản Nghị quyết do HĐND xã Thường Nga ban hành ngày 9/1/2015 đồng ý cho UBND xã thu theo khẩu có ruộng đã bị UBND huyện Can Lộc phủ quyết bằng văn bản số 126 ngày 10/3/2015.


“Đóng góp thu nhân khẩu có ruộng phải đưa ra bàn bạc rộng rãi và được nhân dân quyết định trực tiếp, chính quyền địa phương không được quy định bằng văn bản, đặc biệt HĐND xã Thường Nga lại quy định trong Nghị quyết là không đúng với tinh thần của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” - (Thông báo số 126 ngày 10/3/2015 của UBND huyện Can Lộc v/v Kiểm tra văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật).

Ngoài ra, qua tiếp xúc với nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có cuộc họp thôn Đông Nam do ông Trần Huy Oánh, PGĐ Sở NN-PTNT, Phó CVP xây dựng NTM Hà Tĩnh chủ trì hôm 21/7/2015 đã cho thấy sự thực là người dân không được họp, không được bàn, không được quyết định về khoản thu này.

Vậy căn cứ vào đâu để UBND xã Thường Nga tiến hành thu số tiền 752.801.000 đồng của người dân?


Ngày 20/6/2015, Chủ tịch UBND xã Thường Nga 
ký Quyết định giao nộp chỉ tiêu cho các thôn và hộ dân

Năm là, về các vấn đề ở xã Kim Lộc như báo cáo của Sở TT-TT Hà Tĩnh phản ánh, chúng tôi xin nói gọn như sau: Việc xã Kim Lộc thu quỹ ANQP đối với cả hộ người cao tuổi là có thật. Bằng chứng, trong phương án thu, xã Kim Lộc còn thòng một câu là “chỉ miễn hộ gia đình có 100% thành viên là người cao tuổi” điều này trái với Quyết định 801 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

Về việc tính toán thu nhập của hộ ông Phan Nhân Thuyết đã được lập biên bản, có cả các ông, bà chủ nhiệm, kế toán, trưởng ban kiểm soát HTX DVNN Đông Trường, trưởng thôn Kim Thịnh và PV NNVN thực hiện.

Sáu là, báo NNVN không viết nhiều người dân làm đơn trả ruộng. Câu kết của bài viết thứ 3 chỉ là một sự tổng kết trên bình diện chung, không nói riêng đâu cả. Câu đó là: “Thế đấy. Nên xin đừng hỏi vì sao người nông dân viết đơn trả ruộng”.

NNVN rất hoan nghênh trước các đề nghị của Sở TT-TT Hà Tĩnh, trong đó nhấn mạnh rằng: Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan và UBND huyện Can Lộc xem xét, giải quyết những vấn đề thu, chi sai quy định trong vận động đóng góp của nhân dân ở các xã nói trên, nhằm khắc phục, xử lý kịp thời các sai phạm.

Đây cũng chính là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trước các thông tin trên báo NNVN xung quanh loạt bài Gánh nặng quê nghèo.

Cần trả lời thẳng có hay không việc lạm thu?
Văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là cần làm rõ việc “báo chí phản ánh việc nhiều xã ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hơn 10 năm qua ép người dân nộp nhiều khoản thuế, quỹ, phí trái quy định của Nhà nước”.

Chính phủ cũng như dư luận cần câu trả lời là CÓ hoặc KHÔNG CÓ việc lạm thu đó?

Ví dụ tại xã Thường Nga. Theo điều tra của PV báo NNVN, toàn xã có 1.381 ha đất tự nhiên, trong đó có 380 ha đất trồng lúa (99% đất 2 vụ lúa). Hàng năm, sau vụ thu hoạch, UBND xã phát đến từng hộ dân một thông báo về chỉ tiêu đóng nộp các khoản cho xã và thôn.

Từ năm 2010 đến năm 2013, UBND xã đặt ra mức thu cho từng hạng đất như sau: Đất hạng 3 thu 15kg/sào; đất hạng 4 thu 13,5kg/sào; đất hạng 5 và khó giao thu 11kg/sào. Năm 2014, mức thu ấy vẫn giữ nguyên theo đầu sào. Tuy nhiên thông báo của xã không ghi là hạng đất mà ghi: phân loại đất tốt và đất trung bình.

Năm 2015 được coi là đỉnh điểm bức xúc của người dân khi nhận được thông báo do UBND xã gửi xuống thu một loại quỹ với tên gọi rất lạ: Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất.

Việc lạm thu tại nhiều xã thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, như chúng tôi đã phản ánh, là để nuôi bộ máy, xây trụ sở…; xã thu, thôn cũng thu, có những khoản thu chưa nghe thấy bao giờ. Việc lạm thu diễn ra dai dẳng, là nỗi ám ảnh lớn của dân nghèo nơi đây.



Việc lạm thu đã diễn ra từ nhiều năm    


Nguồn: NNVN 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.