3606. Cha mẹ khổ vì thi cử của con cả đời

Cha mẹ khổ vì thi cử của con cả đời
BENJAMIN NGÔ
(PL)- Không rõ nếu các quan chức Bộ Giáo dục nghe được hết những lời ta thán của người dân trên mạng xã hội trong mùa thi THPT quốc gia năm nay thì gánh nặng thi cử sẽ có cơ may được gỡ bỏ trong tương lai gần?

Sẽ thật buồn nếu những mong ước về một nền giáo dục tốt đẹp hơn chỉ là niềm hy vọng hão huyền trong bối cảnh người ta đã quá ngán ngẩm khi nhắc đến chuyện thi cử. Rõ ràng cả học sinh lẫn phụ huynh đều đang không có chọn lựa nào khác ngoài chuyện chịu đựng áp lực thi cử từ năm này qua năm kia.

Cả xã hội nhớn nhác, xáo xác vì thi cử

Những tấm ảnh thời sự được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội trong tuần đầu tháng 6 là cảnh một số phụ huynh nằm, ngồi vật vạ chờ con thi trong cái nắng kinh hoàng tại Hà Nội. Còn trên mặt báo, người ta đọc được câu chuyện một phụ huynh tất tả chạy xe từ tỉnh Tây Ninh lên Sài Gòn vào lúc 3 giờ 30 sáng và ngồi chờ để đưa giấy tờ cho con trước cổng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Vậy là một đứa con đi thi có thể khiến cả nhà một phen khổ sở, nhất là những trường hợp gia cảnh không khá giả ở tỉnh xa phải cơm nắm muối vừng, ăn bờ ngủ bụi đưa con lên TP hoặc qua tỉnh khác thi.

Trên Facebook, một status của phụ huynh đã nhận được sự đồng cảm của hàng trăm người khi tổng kết: “Cả đời khổ vì thi cử. Từ ba tuổi trở đi đã phải luyện để thi vào lớp 1, sau đó luyện suốt 12 năm phổ thông và bốn năm ĐH để qua các kiểu thi cử mỗi năm, mỗi kỳ. Nhẹ nợ thi cử được độ năm năm để lấy chồng, lấy vợ, sinh con rồi đến năm con ba tuổi trở đi lại quắn đít lên lo luyện thi cho con đến khi nó hết thi là tầm 24-25 tuổi. Thế là lo thi cho mình hết 25 năm, lo thi của con 25 năm tiếp. 50 tuổi mới hết lo thi. Hết cả cuộc đời rồi còn lo được việc gì cho xã hội nữa. Thảo nào mà xã hội này không khá lên nổi!”.

Có thể người phụ huynh này hơi bi quan nhưng câu chuyện đó rất thật và là nỗi đoạn trường của bao người trong xã hội này.

Hệ lụy của đạo Khổng?

Có ý kiến cho rằng chuyện con người cả đời khổ vì thi cử từ nhiều năm nay là do Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đạo Khổng. Ở các nước phương Tây làm gì có chuyện phụ huynh nháo nhào đưa con đi thi từ cấp tiểu học đến trung học như ở ta. Tất nhiên sẽ là cực đoan nếu phản đối thi cử nhưng việc coi trọng thi cử thái quá xem ra không có lợi gì cho xã hội vì tiêu tốn quá nhiều sức lực, tiền bạc của công dân vào một việc không nhất thiết đến mức đó.

Cũng trên Facebook, nhà văn Nguyễn Danh Lam than rằng: “Sự học ngày nay chán lắm rồi. Thấy các thí sinh thi tốt nghiệp bị bắt vì giở tài liệu, tôi thấy thương các em. Chẳng có lý do gì để nhồi vào đầu những “bài thơ” ca tụng dài lê thê, thậm chí những truyện ngắn... dở ẹc, sau đó hì hục phân tích, ca ngợi, thổi phồng cho nó những “cái hay” mà mình chỉ thấy nó dở. Tương tự là hàng loạt môn khác. Thật khốn khổ khi phải nhồi chúng vào đầu mà giờ đây tất cả kiến thức ấy trở nên vô dụng, chẳng nhớ nổi một chút nào cả! Phải nói thật một cách... dễ bị ghét, chắc đến 95% những kiến thức giúp tôi “sống” hôm nay là do tự học. Các con tôi đang lớn dần, ngày ngày tôi nhìn chúng đến trường một cách... tuyệt vọng. Viết những dòng này, tôi phải xin lỗi tất cả các thầy cô giáo. Khi cái hệ thống nó sai, thầy cô cũng... chịu oan theo”.

Chắc chắn trong khuôn khổ một bài báo, người viết sẽ không thể đề cập hết những vấn đề của chuyện thi cử và nỗi lòng của người dân. Nhưng chí ít đã đến lúc người dân cùng lên tiếng thúc giục để Bộ Giáo dục có giải pháp cấp bách gỡ bỏ gánh nặng thi cử cho con em chúng ta. Điều đó có ý nghĩa thiết thực hơn là mỗi năm đều ngửa mặt kêu trời hay than vãn trên mạng xã hội rằng trời ơi, thi với chả cử!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.