3605. “Hội nghị Diên Hồng” 2015

“Hội nghị Diên Hồng” 2015

Trịnh Kim Thuấn/ PNTB


Toàn cảnh phòng Diên Hồng, nơi diễn ra kỳ họp

Cách nay 731 năm, Hội nghị Diên hồng do Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, triệu tập các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai.


Hội nghị này được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng chạp năm Giáp Thân 1284., hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà chỉ bàn: nên đánh hay nên hoà.

Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. (Bách Khoa toàn thư WIKIPEDIA)

 

Bây giờ bàn công to việc lớn của đất nước, đã có những đại biểu do nhân dân bầu sẵn, gọi là Quốc hội. Quốc Hội thay mặt dân như các cụ phụ lão ở Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần, cái thời chưa có chế độ dân chủ. Điều lý thú là cái Hội trường ngày nay cũng mang tên Diên Hồng (Hội trường Diên Hồng), có lẽ để ghi nhớ truyền thống quý báu của Dân tộc Việt Nam.


Hơn 700 năm trước, với tinh thần của Hội nghị Diên Hồng đã có những phát ngôn bất hủ được sử sách ghi lại, khiến muôn đời con cháu đất Việt ngưỡng mộ, coi như những tấm gương vĩ đại về tinh thần độc lập, quyết tâm gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mãi mãi sáng ngời trong trang sử vàng của Dân tộc.

 

Câu hỏi nên hòa hay nên chiến đã được cả Hội trường đồng thanh: “quyết chiến”.

Thái sư Trần Thủ Độ nói thẳng: Nếu bệ hạ đầu hàng giặc Nguyên, trước hết bệ hạ chém đầu thần đi.

Tinh thần của Hội nghị Diên Hồng như ngọn lửa thắp sáng niềm tin của dân chúng và khích lệ ý thức vì Tổ quốc của những con người thời đại đó. Tướng Trần Bình Trọng khi sa vào tay giặc nhìn thẳng vào mặt kẻ thù mà nói: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc!

Cậu bé Trần Quốc Toản, vì bị coi là “trẻ con” không được dự, không được nói, nhưng tinh thần căm thù giặc, ý thức quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ do ông cha để lại đã khiến Quốc Toản đứng trên bến Bình Than bóp nát quả cam, rồi sau đó về làm lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Phá cường địch, Báo hoàng ân”, tự tập hợp đội quân nhí ra trận chống quân Nguyên…

Ngày nay trong Hội trường Diên Hồng khang trang, lộng lẫy gấp trăm lần Điện Diên Hồng cách nay hơn 700 năm. Trong khi đang họp bàn nhiều việc, thì ngoại bang (Trung Quốc) tiếp tục chiếm đóng, ra sức tăng tốc việc xây dựng nhiều công trình quân sự trên những đảo, đá thuộc chủ quyền đất nước ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhằm từng bước thôn tính biển đảo của Việt Nam, khiến người dân đứng ngồi không yên. Nhiều người ngỏ ý mong muốn QH có một Bản Tuyên bố (hay Nghị quyết) thể hiện ý chí của Dân tộc Việt nam rõ ràng, dứt khoát, tất nhiên ngôn từ có thể mềm mỏng, nhưng kiên quyết của một Dân tộc bất khuất trước bất cứ sự vi phạm nào đến chủ quyền quốc gia, chứ đâu phải là thái độ "khiêu chiến"?. Thế nhưng người dân thất vọng vì “Hội nghị Diên Hồng” này không hiểu sao vẫn im lặng trước vấn đề gay cấn đó.

 

Nhưng khi được phỏng vấn về vấn đề này, thì lại xuất hiện những câu trả lời “nổi tiếng” của ông Thượng Tướng - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn. Người ta hỏi, trước tình hình thực tế biển đảo đang bị xâm lấn nghiêm trọng như thế, tại sao Quốc Hội không có Nghị quyết (hay Tuyên bố) về Biển Đông?

 

Nhưng ông Phó chủ tịch Quốc hội lại trả lời và giải thích dường như lạc ý và “thật thà” đến mức khiến người đọc giật mình.



Xin trích một đoạn bình luận của Gs Nguyễn Văn Tuấn:

01-07-2015

Tôi đọc trên một website lề dân thấy tác giả trích câu nói của ông Phó chủ tịch Quốc hội làm tôi kinh ngạc. Đại khái ông nói rằng VN mình coi như bó tay, không thể đòi hay lấy lại Hoàng Sa & Trường Sa đã mất vào tay giặc. Ông còn nói như thách thức: “Ai có giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không”. Tôi không tin vào mắt mình và không tin tác giả trích dẫn đúng, nên tôi thử google thì quả thật câu nói này trong báophapluat.vn! Nhưng vào trang web thì thấy người ta đã xoá câu nói này.

Báo phapluat.vn có đi bài “Vì sao Quốc hội chưa ra Nghị quyết về biển Đông” mà trong đó ông Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn giải thích tại sao không cần ra nghị quyết về Biển Đông. Theo bản tin lề dân thì nguyên văn câu ông nói là:


“Không lẽ bây giờ bà con bảo là đánh nhau…. Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi”.


Nhưng càng ngạc nhiên hơn, tác giả cũng trích một câu khác của ông: “Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ được không? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không? Đánh được rồi nhưng có giữ được không?”

Vào trang phapluat.vn thì thấy người ta đã lược bỏ hai câu “tế nhị” trên. Nhưng trong cache thì hai câu vẫn còn đó (xem hình): 


Như vậy, rõ ràng là ông thượng tướng có nói câu đó, và báo lề dân trích dẫn đúng.

Phải nói rằng khó có một đại biểu QH nào mà nói thẳng như thế. Phong cách rất Nam bộ (và tôi đoán ông này chắc là dân miền Nam). Nhưng cũng chính cách nói “ta như thế này …” giúp chúng ta hiểu rõ hơn thái độ của chính quyền trước sự hung hãn của Tàu. Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng người phát ngôn câu này là một thượng tướng trong quân đội! Không biết các vị khác nghĩ gì về hai câu nói bất hủ này.

Còn trên Blog NĐB thì anh anh chàng Thợ Cạo bình một câu rất hài hước: “Ai thích êm tai thì nghe anh Tư, thích hàng hai thì nghe anh Chí, thích chiến thì nghe tướng Mã, thích nghe lời nói thật thì hãy nghe tướng Sơn - Phó Chủ tịch QH…”

Biết đâu những câu nói “bất hủ” của ông Thượng tướng – Phó chủ tịch Quốc hội cũng sẽ được lưu truyền trong sử sách ít nhất 700 năm nữa !?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.