4296. Cần 'san phẳng' hố sâu thù hận !

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: 

Tư tưởng hận thù sẽ làm đất nước yếu kém
Thanh niên, sinh viên kiều bào nắm tay đoàn kết 
với tuổi trẻ Đà Nẵng tại Trại hè Việt Nam 2013. 
                                                                                    Ảnh: TTXVN

PNTB: Quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn hoàn toàn đúng đắn và thuyết phục trong công cuộc hòa giải dân tộc.

4,5 triệu người Việt ở hải ngoại chưa về với chúng ta thì cả hai phía còn sẽ có những đêm mất ngủ, trăn trở.
“Tôi rất mong muốn thực hiện ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là làm sao ngày 30-4 hằng năm toàn dân trong và ngoài nước đều vui chứ không phải là “hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn””. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM về những nỗ lực hòa giải dân tộc trong thời gian qua, ngay sau chuyến đưa đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói: Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước. Nếu chúng ta không chủ động xóa bỏ những hằn học trong suy nghĩ thì sẽ không bao giờ hàn gắn vết thương lòng sau chiến tranh để lại.

Đất nước có phát triển về kinh tế nhưng suy nghĩ của người dân còn hận thù từ đời này sang đời khác thì chúng ta khó có đại đoàn kết dân tộc, không có sức mạnh dân tộc.

 Áp lực từ cả hai phía

. Là người đứng mũi chịu sào trong tiến trình thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc với nhiều hoạt động mang tính đột phá, có lẽ ông gặp không ít trở ngại từ cả hai phía?

+ Có nhiều. Ngay việc tôi gặp những nhóm người chống đối ở hải ngoại cũng đã là dấn thân, là mạo hiểm rồi. Bởi vì họ là những thành phần kích động, có thể xông lên hành hung mình hoặc làm bất cứ chuyện gì. Nhưng tôi cho rằng bằng tình cảm, bằng tấm lòng chân thành của mình sẽ xóa đi hố sâu thù hận.

Điều khiến tôi buồn nhất là tôi gặp trở ngại từ một số cựu chiến binh, một số vị lão thành cách mạng và cả các cán bộ ở địa phương khi thấy tôi tổ chức chuyến hải trình ra Trường Sa lần thứ ba với việc tổ chức cầu siêu cho những người nằm xuống ở cả hai phía để bảo vệ biển, đảo. Tôi cũng rất buồn là có những người trong và cả ngoài nước rất không hài lòng, lo lắng khi thấy chúng tôi càng ngày đưa càng nhiều người có tư tưởng cực đoan về nước. Ngay trong bộ máy nhà nước cũng có một số người bảo thủ, giáo điều làm kìm hãm sự vận hành của bộ máy nhà nước, sự hòa hợp hòa giải dân tộc, không đem lại lợi ích cho dân tộc. Cũng may là số người này không nhiều.

Lịch sử không cho phép nói dối, che đậy

Ông đã phải nói gì với họ?

+ Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?

Ta ở quan điểm chính nghĩa và nhìn nhận một cách lôgic theo truyền thống nhân đạo của ông cha ta thì bên nào cũng có lý tưởng của bên đấy. Ngày xưa ta không thể nói là không có chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Đó là chính phủ cũng được quốc tế thừa nhận chứ. Đó cũng là một nhà nước có quân đội thực thi nhiệm vụ quốc gia của họ để bảo vệ chính nghĩa theo lý tưởng của họ. Còn chúng ta bảo vệ chân lý của chúng ta giải phóng dân tộc và chúng ta giành được thắng lợi bởi chúng ta có chính nghĩa. Cái này chúng ta phải sòng phẳng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, lôgic, lịch sử không cho phép nói dối, che đậy.

. Có những người nghĩ rằng Bắc Việt xâm lược miền Nam và chính phủ ta phải xin lỗi họ chứ những cuộc viếng thăm trở về không có ý nghĩa gì cả. Với những người suy nghĩ như vậy thì làm sao để họ bắt tay ông một cách bằng mặt và bằng lòng?

+ Câu hỏi này của chị đúng là câu hỏi mà tôi đã trả lời rất nhiều cá nhân cực đoan ở Mỹ. Họ đã nêu câu hỏi là tại sao các ông ở miền Bắc lại vào xâm chiếm miền Nam. Tôi muốn hỏi lại họ một câu rằng thế ai đưa người Mỹ vào miền Nam? Người miền Bắc không đưa người Mỹ vào miền Nam. Chính chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đưa người Mỹ vào miền Nam và đã phản bội cả chế độ cộng hòa của họ, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc vô cùng đau thương cho dân tộc chúng ta. Những người anh em miền Bắc đã phải vào miền Nam để hỗ trợ anh em miền Nam giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, đánh đổ đế quốc Mỹ.

Tôi đã giải thích rất rõ cho họ là chính các quý vị trong thời Việt Nam Cộng hòa đã đưa đế quốc Mỹ vào xâm lược miền Nam. Họ vào không phải để giúp đỡ chúng ta mà vào để đẩy cuộc chiến tranh mạnh hơn, muốn tiến ra cả miền Bắc để xóa sổ XHCN miền bắc, để mong muốn có một nhà nước tư bản chủ nghĩa theo chư hầu của Mỹ.

Chúng ta không chấp nhận chuyện đó. Cho nên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập để kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những người anh em miền Bắc phải có trách nhiệm giúp giải phóng miền Nam, đưa đến thống nhất đất nước. Chính người Mỹ đã rút chạy trước và bỏ lại miền Nam cộng hòa. Giá như miền Nam cộng hòa lúc bấy giờ đi theo xu hướng của Mặt trận Dân tộc giải phóng thì chúng ta không có những đau thương về sau.

74 người lính quân lực Việt Nam Cộng hòa chết trong bảo vệ Hoàng Sa làm tôi rất đau xót. Nếu người Mỹ lúc bấy giờ lệnh cho Tổng thống Thiệu đưa máy bay ra để hỗ trợ họ thì tôi dám chắc Hoàng Sa chúng ta không mất. Những sĩ quan, binh lính của Việt Nam Cộng hòa nằm xuống đã phải bị đau ba lần. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa bỏ rơi họ, người Mỹ bỏ rơi họ và kẻ thù đã giết họ. Trong lần ra thăm thứ ba này của đoàn kiều bào có cầu siêu cho họ thì âu cũng là một việc làm rất chính nghĩa.

Ngày 30-4: Ngày của đại đoàn kết dân tộc

. Với những nỗ lực của ông và Ủy ban, bao giờ thì chúng ta có được đại đoàn kết dân tộc thực sự?

+ Tôi rất lạc quan và tin tưởng nếu Đảng và Nhà nước tiếp tục tin tưởng giao trọng trách này cho tôi, tôi tin không lâu thì ngày 30-4 vừa là ngày thống nhất đất nước vừa là ngày đại đoàn kết dân tộc, chứ không thể để ngày thống nhất đất nước mà vẫn còn rất nhiều người đau buồn do hậu quả của chiến tranh để lại. Đó là ngày chưa thể trọn niềm vui trong ngày vui chiến thắng.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nói trong chuyến thăm kiều bào ở Mỹ rằng đất nước Việt Nam luôn giang tay đón kiều bào, bất kể người đó ra đi vì lý do nào, trong trường hợp nào, miễn là trở về với tấm lòng yêu nước, xây dựng đất nước. Đây là thông điệp rất rõ ràng và tôi rất tâm đắc. Những người nào không hiểu, không thông thì sẽ bị thực tế của hội nhập đào thải, đứng ngoài lề.

Tư tưởng hận thù chỉ đem lại sự chia rẽ nhân dân, yếu kém cho đất nước. Chỉ có dũng cảm, chân thành, mong muốn đại đoàn kết dân tộc mới có đại đoàn kết dân tộc. 4,5 triệu người Việt ở hải ngoại chưa về với chúng ta thì cả hai phía còn sẽ có những đêm mất ngủ, trăn trở.

. Xin cảm ơn ông.

THANH MẬN thực hiện
. Được biết có kiều bào đã gửi thư đề nghị Chính phủ nâng cấp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lên cấp bộ và kỳ vọng nhiều ở cá nhân ông trong tiến trình hòa giải dân tộc?+ Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Khi có thông tin có thể tôi sẽ đi làm đại sứ ở Cộng hòa Liên bang Nga thì rất nhiều bà con ở khắp nơi trên thế giới đã lên mạng khuyên tôi không nên. Có nhiều người không quen biết họ gửi thư về rất xúc động. Họ đặt niềm tin ở tôi và tiếp tục mong muốn tôi tiếp tục thực hiện con đường đại đoàn kết dân tộc.
Còn về Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiền thân của ủy ban này là Ban Việt kiều Trung ương, là cơ quan ngang bộ độc lập, thuộc Chính phủ, sau đó đã sáp nhập vào Bộ Ngoại giao.
Nhưng ngày nay, nguồn lực từ 4,5 triệu bà con ở hải ngoại là rất lớn, với khoản đóng góp gửi về nước hằng năm lên đến 20 tỉ USD. Chúng ta cứ hay chú ý đến ODA, FDI mà không để ý đến nguồn vốn kiều bào, trong khi những cái đó là chúng ta phải vay và phải trả, không đời này thì đời sau trả, còn nguồn lực kiều bào là không phải vay nợ ai. Chưa kể có đến 400.000 trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cả những người làm ở tàu con thoi ở Mỹ hoặc đang làm ở Trung tâm Vũ trụ NASA của Mỹ mà chúng ta chưa hề khai thác để họ hướng về Việt Nam…
Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, nhiều thế hệ lãnh đạo có ý kiến đã đến lúc phải tách Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khỏi Bộ Ngoại giao, cho nó có một vị thế độc lập, xứng đáng với tiềm năng của bà con. Theo tôi là nên tách ủy ban ra khỏi Bộ Ngoại giao bởi ngoại giao nhân dân không nên gắn liền với ngoại giao chính trị của Nhà nước.
Nếu tách ra thì tôi cũng đỡ bị sức ép, như chuyến ra Trường Sa vừa rồi tôi bị sức ép rất ghê gớm, nhiều người cũng hù dọa tôi nhiều vấn đề. Tôi nói hãy để cho tôi được làm việc theo ý nguyện của tôi và tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc làm của mình. Là một thứ trưởng, không lẽ tôi lại đi làm trái với lợi ích của Nhà nước?
(Theo Pháp luật TP. HCM)

Xem thêm: 

'Dân tộc không thể mạnh nếu cứ thù nhau'

28 tháng 4 2015

PNTB: Bài phỏng vấn sau đây của BBC với ông Lê Xuân Khoa, cựu giáo sư Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) ngày hôm nay (28/4) cũng có quan điểm đúng đắn về hòa hợp dân tộc tương tự: 'Dân tộc không thể mạnh nếu cứ thù nhau'. Tuy nhiên, trong quá trình phân tích, có những chi tiết ông ta có góc nhìn khác về sự lãnh đạo của Đảng ta và về Chủ nghĩa cộng sản... Đó là quan điểm riêng của ông ấy.

Từ miền Nam California, ông Lê Xuân Khoa, cựu giáo sư Đại học John Hopkins, đã trao đổi với BBC một số vấn đề xung quanh cuộc chiến giữa hai miền nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30/4.
BBC: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu thì ngày 30/4 có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình lịch sử của dân tộc? Đó là ngày Chiến thắng, ngày Quốc hận, ngày Thống nhất hay ngày đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc của dân tộc không thể nào hàn gắn được?
GS Lê Xuân Khoa: Gọi là Ngày Chiến thắng hay Quốc hận là tùy theo đứng về phía thắng trận hay thua trận. Về phía thắng trận, càng ngày về sau chữ chiến thắng nó mất dần ý nghĩa đi. Ngay cả trong nội bộ phía thắng cũng thấy nó mất đi ý nghĩa. Tại vi sau khi thắng trận không bao lâu thì các lãnh đạo miền Bắc có sự bội ước với miền Nam, tức là bản chất giải phóng miền Nam. Thứ hai là họ áp dụng chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Có lẽ vì thế những năm sau này người ta dùng nhiều hơn từ Thống nhất.
Nhưng đối với người Việt ở hải ngoại, ngoài chữ Quốc hận thì phải có thêm một chữ ‘Ngày tìm tự do’ bởi vì đáng lẽ thống nhất lòng người mà người ta lại bỏ ra đi thì như vậy có sự chia rẽ nặng nề vấn đề dân tộc.
Chữ Quốc hận là đứng về phía cộng đồng hải ngoại. Lý tưởng mà nói hận thù cần phải xóa bỏ, cần phải quên đi. Là con người không ai muốn nuôi hận thù làm gì nhưng chữ Quốc hận đến giờ không thể bỏ được. Người ta muốn quên nhưng không bỏ được cho đến chừng nào có sự thay đổi trong nước tức là thật sự bảo vệ quyền lợi đất nước đối với Trung Quốc và đi vào con đường thật sự của dân, do dân, vì dân, thật sự dân chủ hóa đất nước. Như vậy sẽ hóa giải hận thù đi. Từ chỗ hóa giải hận thù chữ Quốc hận cũng bỏ được.
Trong tương lai hy vọng đến một ngày nào đó sẽ không còn dùng chữ Quốc hận nhưng cho đến ngày đó thì người ta còn đầy đủ lý do để dùng chữ Quốc hận.
BBC: Trong cuộc chiến, miền Bắc cho mình là chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng đất nước còn miền Nam cho rằng họ chiến đấu cho chính nghĩa tự do dân chủ của dân tộc vậy thì theo Giáo sư bên nào mới thật sự đại diện cho chính nghĩa của người Việt?





GS Lê Xuân Khoa: Mỗi bên đều có chính nghĩa của mình. Theo tôi thì người Cộng sản cũng là người yêu nước lúc đầu khi chưa thành cộng sản. Những người đi tìm lý tưởng cộng sản đều là người yêu nước cả. Ông Hồ Chí Minh khám phá ra được Lênin viết về vấn đề giải phóng dân tộc thì cho rằng chủ nghĩa Lênin đem lại giải phóng cho dân tộc nên ông ấy reo mừng.
Cũng như những người Quốc gia chống Pháp cũng là những người yêu nước cả. Thế khi hai bên tranh thắng với nhau thì một bên thắng rồi đáng lẽ hai phe phải có sự hòa hợp như ngay sau cuộc nội chiến Mỹ thì chính nghĩa của phe thắng và chính nghĩa của phe thua cũng là một. Tôi nghĩ lỗi lầm là chủ nghĩa cộng sản quốc tế mang sứ mạng của cộng sản quốc tế đi chinh phục nhân loại nên có sự khác biệt với chính nghĩa quốc gia. Chính nghĩa yêu nước, giải phóng đất nước của người cộng sản lúc ban đầu nó không còn nguyên như trước mà đi vào con đường cộng sản nên có sự xung đột ý thức hệ rõ ràng.





BBC: Trong cuộc nội chiến giữa hai miền còn có sự tham gia của các cường quốc, ở miền Bắc là Liên Xô, Trung Quốc còn ở miền Nam là Hoa Kỳ, vậy có thể nói Việt Nam là con cờ trong tay các cường quốc hay không? Liệu lịch sử có thể nào diễn biến khác đi để Việt Nam tránh được những đau thương cho dân tộc mình?
GS Lê Xuân Khoa: Phải nhắc đến truyền thống của dân tộc mình là dân tộc tồn tại vì luôn luôn trong mấy ngàn năm phải đối phó với phương Bắc và tồn tại cho đến bây giờ mà không mất độc lập của mình là do đâu? Tức là vấn đề nhu đạo về ngoại giao, nhu đạo về quân sự. Mỗi khi chiến thắng Trung Quốc xong các vua chúa, các triều đại ngày trước đều trở sang triều cống, xin lỗi Trung Quốc như xin lỗi người đàn anh. Nghệ thuật chiến đấu cũng thế, không bao giờ thấy sự đối đầu giữa một đội quân nhỏ của Việt Nam với đội quân hùng mạnh vĩ đại của Trung Quốc mà chúng ta dùng nhu đạo tức là dùng chiến tranh du kích, dùng yếu đánh mạnh.
Cho đến gần đây nhu đạo không được áp dụng. Tình thế nó hơi khác. Ngày xưa chúng ta cùng có một nước để đối đầu. Ngày nay chúng ta bị kẹt ở giữa hai thế lực đại cường. Một bên là khối cộng sản do Liên Xô, Trung Quốc đứng đầu và một bên là khối dân chủ tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Chúng ta bị dùng trong cái chiến tranh mà tôi gọi là chiến tranh ủy nhiệm là vậy.




Thế thì đứng kẹt ở thế giữa đó làm thế nào để tồn tại? Nhất định chúng ta phải nhu đạo rồi. Triết lý đó bây giờ chúng ta cứ áp dụng linh động trong vấn đề đối ngoại. Đối với cả hai bên tất nhiên chúng ta chọn con đường ở giữa tức là không lệ thuộc vào bên nào. Vấn đề này tôi nghe miền Bắc nói nhiều lần nhưng tôi thấy trên thực tế không áp dụng. Thành thử vẫn có sự thiên lệch. Ở đây chúng ta nhìn thấy rõ các vị lãnh đạo miền Bắc ít nhất cho đến bây giờ vẫn còn lúng túng giữa đi với Trung Quốc hay đi với Mỹ, đứng giữa như thế nào và tuy rằng nói đi với Mỹ để cân bằng với Trung Quốc nhưng thực tế cho thấy vẫn chọn con đường đi với Trung Quốc.
Vậy có cơ hội để cho Việt Nam thoát khỏi sự tranh chấp đó để độc lập được không? Trước khi có sự xung đột ý thức hệ, sau Đệ nhị Thế chiến, các cường quốc đã họp với nhau và đi đến con đường là xóa bỏ chế độ thuộc địa. Giá mà đi theo đường hướng đó do Mỹ đưa ra lúc đó thì nước Việt Nam không lâm vào tình trạng như ngày nay. Đó là lỗi lầm của người Pháp.
BBC: Ông có nhắc đến con đường trung đạo thì liệu ngày nay con đường trung đạo đó vẫn còn áp dụng được không nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn đang bị kẹt trong mối quan hệ với Mỹ và với Trung Quốc?
GS Lê Xuân Khoa: Tôi nghĩ rằng trung đạo lý thuyết thì đúng nhưng trên thực tế thì chưa thi hành. Tôi hy vọng Việt Nam càng nhìn thấy rõ phải thi hành con đường trung đạo.
Theo tôi Mỹ không quan tâm Việt Nam có trung đạo hay không. Họ phải hiểu cho Việt Nam có nước Trung Quốc to lớn vĩ đại ngay sát nách thì Việt Nam phải giữ thế trung đạo để tồn tại. Vả lại Mỹ có lý do để chấp nhận Việt Nam trung đạo. Thứ nhất Mỹ không có mưu đồ xâm chiếm thuộc địa, đất đai của Việt Nam bao giờ cả. Thứ hai Mỹ không như Trung Quốc phải Hán hóa dân tộc khác. Còn Trung Quốc có mưu đồ không bao giờ coi Việt Nam là mảnh đất độc lập. Họ luôn coi Việt Nam là một phần của Trung Quốc và có âm mưu Hán hóa Việt Nam. Hai vấn đề đó khiến Việt Nam phải vô cùng cảnh giác. Các nhà lãnh đạo bây giờ phải cảnh giác phải giữ được con đường trung đạo như thế. Muốn được như vậy thì phải mượn thế đồng minh cân bằng với Trung Quốc vì tự mình bây giờ thế mình yếu quá chưa đủ sức đối phó với Trung Quốc. Phải dựa vào thế của quốc tế, của Mỹ, của các nước tự do, dựa vào các nước Asean. Khi Trung Quốc thấy rằng sau lưng Việt Nam có Mỹ, thế giới tự do và cộng đồng châu Âu chẳng hạn thì Trung Quốc không thể lấn tới được nữa.
BBC: Một trong những hậu quả sau cuộc chiến là sự chia rẽ trong lòng dân tộc mà đến nay vẫn chưa thể hàn gắn được. Liệu con đường hòa giải có khả thi không và đâu là lộ trình khả dĩ nhất?
GS Lê Xuân Khoa: Lẽ dĩ nhiên không thể nào hận thù mãi mãi được. Đến một lúc nào đó thế hệ này không xong thì đến thế hệ sau. Sự hòa giải là mục tiêu tất yếu của dân tộc. Một dân tộc không thể nào mạnh, không thể nào phát triển được nếu dân tộc đó chia rẽ và căm thù lẫn nhau.
Lẽ dĩ nhiên có rất nhiều trở ngại cho đến bây giờ. Rất tiếc có biết bao cơ hội có để có thể xây dựng ý thức, quan niệm về hòa giải đã bị bỏ qua. Ai bỏ qua? Hòa giải hay không bắt đầu khởi đi từ người thắng trận chứ không phải từ người thua. Người thua không thể chìa tay xin được hòa giải mà người thắng nếu vì quyền lợi đất nước, vì tương lai lâu dài của đất nước nhất định chìa tay đón nhận người thua trận để hòa giải. Việc đó cho đến nay dù có nói ra nhưng chưa bao giờ làm cả.





Về sau họ lại nói nhiều về hòa hợp hơn chứ còn hòa giải muốn bỏ đi tức là chỉ muốn kéo người ta về phía mình thôi, không tôn trọng quan điểm của bên kia mà hòa giải bắt buộc là con đường hai chiều. Như thế sẽ không bao giờ có hòa giải được. Trong khi đó chính quyền đã phạm rất nihều sai lầm, có thể nói là tội ác với dân tộc. Đáng lẽ phải sửa sai và mở vòng tay với bên ngoài thì người ta sẽ đón nhận.
Còn lộ trình khả dĩ? Bắt đầu từ phía Việt Nam, chìa tay ra trước, không phải chỉ bằng lời nói, cũng không phải kêu gọi người ta về đóng góp. Đóng góp về vật chất thì cũng là đáng kể, nhưng sự đóng góp đáng kể hơn, có giá trị hơn là đóng góp về trí tuệ. Cho đến nay các nhà lãnh đạo trong nước vẫn phàn nàn rằng sự đóng góp chất xám không có gì đáng kể. Nguồn lực trí tuệ ngoài nước rất nhiều, các anh em chuyên gia trí thức bên ngoài phải cùng phối trí với anh em trí thức trong nước để xây dựng một dân tộc hùng mạnh.
Đồng thời phải sửa đổi những sai lầm mình đã vấp phải bằng hành động chứ không phải xin lỗi gì cả để thực hiện mục tiêu một đất nước của dân, do dân, vì dân như là vẫn nói. Hãy làm chuyện đó thật đi. Lòng người ngoài này người ta đâu có muốn tranh giành hay cướp lại chính quyền làm gì. Người ta chỉ mong rằng có một chính quyền nhận ra sai lầm của mình mở rộng vòng tay kêu gọi sự hòa giải và đối với nhân dân trong nước mở rộng các con đường, các chính sách đưa đến tự do, no ấm và hạnh phúc.
Theo tôi có một bước quan trọng mà đến giờ chính quyền vẫn chưa chịu làm. Đó là hòa giải với người sống chưa được thì hòa giải với người chết trước đã. Đấy là vấn đề trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, để cho người ta tìm lại mộ và cải táng người chết trong các trại cải tạo. Làm được hai cái đó chứng tỏ nghĩa cử rất đẹp để mà hòa giải với bên ngoài, chứng tỏ thiện chí của lãnh đạo trong nước. Tôi thấy chuyện này dễ như vậy mà không xong được thì khó lòng tiến được đến chuyện hòa giải.
BBC: Nhân nói đến việc hòa giải thì Việt Nam đang đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, vậy theo ông cộng đồng người Việt tại hải ngoại có vai trò như thế nào trong việc đối phó với mưu đồ của Trung Quốc?
GS Lê Xuân Khoa: Tôi lấy ví dụ cụ thể: Trong gia đình có hai anh em sống chung với nhau. Rồi đến lúc có xung đột cãi nhau, thậm chí đánh nhau chí chóe. Trong khi mâu thuẫn như vậy thì có kẻ thù bên ngoài đang vác súng sắp sửa vào cướp trong nhà. Mối nguy chung là khi kẻ thù vào thì cả hai anh em đều là nạn nhân hết thì bây giờ phải tạm thời quên sự chống đối nhau để hợp lực lại đuổi kẻ thù đang xâm lấn nhà mình hay là cứ nhất định người này phải diệt người kia đã rồi mới quay sang chống lại kẻ thù tôi nghĩ câu trả lời ai cũng thấy rõ. Phải gạt bỏ thù riêng đi để đối phó với kẻ thù chung rồi sau đó giải quyết với nhau sau. Đấy là quan điểm của tôi. Trái lại có những người chủ trương rằng hãy tiêu diệt chế độ này đã rồi mới đánh kẻ thù thì như thế tôi cho rằng đấy là ý nghĩ của những người vì lòng thù hận – cái đó mình cũng phải hiểu người ta thù hận đến độ bất chấp kẻ thù chung như vậy nhưng tôi nghĩ đó không phải là con đường sáng suốt.
Có người nói rằng nếu sau khi chiến thắng rồi thì phe kia nó mạnh lên, nó vẫn lại cai trị. Tôi nghĩ rằng tình thế sẽ đổi khác. Khi mà đã hợp lực, đã hòa giải thật sự, đã thả những người bất đồng chính kiến ra và khi người nước ngoài đã hợp lực loại được kẻ thù Trung Quốc đi thì chúng ta rất nhẹ gánh nặng để xây dựng đất nước. Lúc đó lực lượng nhân dân, những người dân chủ trong nước sẽ có thế lực mạnh hơn để thuyết phục những nhà lãnh đạo trong nước và lãnh đạo lúc đó cũng tỉnh ngộ rồi không bị gọng kìm của Trung Quốc ép nữa thì sẽ nhìn ra con đường mình sẽ đi. Vấn đề nội bộ sẽ dễ giải quyết hơn.
Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với Giáo sư Lê Xuân Khoa được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.