4286. 30/4 xem lại quan điểm của Võ Văn Kiệt 10 năm trước

30/4 xem lại quan điểm của Võ Văn Kiệt 10 năm trước

18 Tháng tư 2005 
Nhung doi hoi moi cua thoi cuoc
Nguyên Thủ tướng
Võ Văn Kiệt


* Thưa ông, thấm thoắt đã gần 30 năm kể từ ngày tiếp quản Sài Gòn, và ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo còn lại từ cuộc kháng chiến đó, ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?

- Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. Chiến tranh đã qua cách đây ba chục năm. Chúng tôi đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Nói như thế có nghĩa là tôi mong chiến tranh thật sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại.


* Thưa ông, "khép lại" là một khái niệm không đơn giản khi làm?

- Không gì là không làm được! "Hòa hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người VN. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người VN chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và VN sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp.
* Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để làm điều đó, thưa ông?

- Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao điều cần nói, biết bao việc cần làm.

* Theo ông, bây giờ việc cần làm tiếp là gì? 

- Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.

* Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt?

- Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp. Sau 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai".Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người VN cảm nhận được điều đó.

* Khó khăn nằm ở chỗ nào, thưa ông?

- Hồ Chủ tịch từng mong muốn khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn quốc tế. Sau năm 1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Bác làm việc này. Đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và cảm ơn là việc làm phù hợp đạo lý và truyền thống VN. Nhưng về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ.

* Ông Minh đã tuyên bố đầu hàng?

- Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28-4-1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này.

* Theo ông, từ đâu ông Minh lại có quyết định như vậy?

- Thế thắng của ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên quyết định của ông Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông. Ông Minh là vị tướng đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm, ông cũng là người sau đó đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông.

* Và, "lực lượng thứ ba" cũng đóng một vai trò đáng kể, thưa ông?

Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc VN chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc. 

* Thưa ông, ở thời điểm này nhìn lại, ông có bằng lòng với những gì chúng ta đã làm trong 30 năm qua?

- Chúng ta đều có thể vui mừng khi có một VN thống nhất, quyết tâm vượt qua nghèo đói và quyết tâm hội nhập như ngày hôm nay. Nhưng nhìn lại quá trình kể từ khi kết thúc chiến tranh thì tôi thấy tiếc. Giá như đổi mới sớm hơn thì chúng ta có thể đã không phải trải qua những năm phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985.

* Bài học về những năm bỏ lỡ cơ hội này là gì, thưa ông?

- Phải tiếp tục đổi mới nữa và tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích! Trong những năm qua, chúng ta tiếp tục giữ được sự tăng trưởng khá, đó là một thành tựu lớn. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng với một nước mà GDP chỉ mới đạt trên dưới 40 tỉ USD như VN, mức tăng trưởng 6-7% chưa phải là đã đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước và nhu cầu hội nhập.
* Thưa ông, trong đối ngoại chúng ta nên tiếp tục như thế nào trong giai đoạn tới?

- Những kết quả đối ngoại vừa qua, trong một chừng mực nhất định, đúng là đã góp phần mở đường để giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhưng nội dung cụ thể của những khẩu hiệu ấy là gì? Và tới đây, với một thế giới đang thay đổi từng ngày như thế này, chúng ta lựa chọn và xây dựng vai trò và vị trí của mình như thế nào là điều hết sức quan trọng.

Sau sự kiện ngày 11-9-2001, những biến cố ở Trung Đông, những cải tổ chính trị tích cực từ bên trong của các nước ASEAN như Indonesia, sau sự kiện sóng thần tàn phá ở một số nước Đông Nam Á..., tất cả cho thấy thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thật sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc.
Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc.
* Xin cảm ơn ông.

THẠCH ANH thực hiện




31/08/2005 09:12 GMT+7 
TT - Mấy hôm nay, thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm Quốc khánh. Đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi thấy anh em đang dựng một khẩu hiệu rất lớn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Với hơn 60 năm tham gia chiến đấu và xây dựng, tôi không nhìn khẩu hiệu đó như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải... Tôi bồi hồi xúc động với nhận thức rằng nó là một tư tưởng lớn của Bác, một đạo lý lớn của dân tộc. Từ 60 năm trước nó đã thể hiện ở chính nơi đây, nó vẫn thấm trong tim của Người đã yên nghỉ trong lăng kia.

Nhân những ngày này, ngẫm lại, tôi càng thấy thấm thía tư tưởng lớn đó của Bác: đoàn kết là bản năng của nhiều loài sinh vật (đàn chim, bầy kiến, bầy ong...). Ở loài người, bản năng đó đã phát triển thành một nhu cầu có ý thức. Tùy nơi, tùy lúc, ý thức đó có thể đậm hay nhạt. Mà nghiệm trong lịch sử VN và lịch sử các dân tộc trên thế giới, thấy sự đậm nhạt này có quan hệ mật thiết với sức mạnh của quốc gia, với sự hưng thịnh của các nền văn minh.

Trong tác phẩm Nên học sử ta, viết vào đầu năm 1942, Bác đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”.
"Từ khi làm nhiệm vụ quản lý ở địa phương cũng như ở tầm quốc gia, tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều nước và tiếp xúc với nhiều chính khách lớn trên thế giới. Qua đó, tôi kiểm nghiệm lại nhiều điều và rút ra một bài học - thời bình cũng không khác trong thời chiến - về một chân lý muôn thuở: Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau , thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế do đó cũng không thể vững vàng"
Ngay từ năm 1941, trong bài “Kính cáo đồng bào”, Bác viết: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: toàn dân đoàn kết. Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại. Cứu quốc là việc chung. Ai là người VN đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm...”. 

Cách mạng Tháng Tám là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó.

Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến.

Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xóa bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ. Bác đã tuyên bố: “Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới làm gì”.

Ở Bác, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia, mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Ngay từ trước cách mạng, Bác đã ra sức tìm kiếm những quan hệ với bất cứ nước nào có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tư tưởng này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như ý, nhưng ít nhất thì tấm lòng chân thành của Bác cũng đã có sức mạnh kiềm chế kẻ thù, giảm thiểu được khả năng đối đầu, trì hoãn những xung đột bất lợi, bảo vệ những thành quả đầu tiên của cách mạng...

Đến Đại hội Đảng lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận: “Chính vì Đảng Lao động VN là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc VN”. Lời giải thích đó của Bác đã có sức thuyết phục mạnh mẽ trong đại hội Đảng.

Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước Cách mạng Tháng Tám đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hi sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi... Tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh.

Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.

Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.

Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng.

Bước vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác lại một lần nữa bừng lên như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc. Nhiều thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam, kể cả các nhân sĩ, các nhà tư sản, thậm chí cả những sĩ quan cao cấp trong quân đội chính quyền Sài Gòn, cũng đã hình thành nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ độc tài tay sai của Mỹ (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu). Có một số là thành viên bí mật của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN và mặt trận Sài Gòn - Gia định. Do đó, chính quyền tay sai đã bị cô lập càng bị cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn.

Ngày nay, nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Một trong những kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta.
Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp...
Đến nay, 30 năm rồi, những điểm có thể gặp nhau là rất cơ bản, đó là đất nước VN, là dân tộc VN, là phát triển, là phồn vinh, là độc lập, tự do, hạnh phúc.
Những điểm gặp thì đã có. Nhưng người đến gặp thì chúng ta vẫn mong muốn đông hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Trong thời gian này tôi có may mắn được sống và chiến đấu cùng đồng bào các giới trong lòng Sài Gòn - Gia Định, sau đó hơn 15 năm tiếp theo tại miền Tây Nam bộ. Sài Gòn là thành phố lớn, có đủ mọi tầng lớp dân cư đô thị khác nhau. Còn Tây Nam bộ suốt kháng chiến chống Pháp và nhiều năm kháng chiến chống Mỹ là một vùng có những nhà địa chủ giàu có nhất nước ta, những nhà trí thức từng du học ở Pháp, những quan chức cao cấp của chính quyền đương thời, những nhà tu hành và tín đồ của nhiều tôn giáo, những người thuộc những dân tộc khác nhau, như Khơme, Chăm, Hoa... Nhưng ở cả hai địa bàn ấy, chúng tôi vẫn tồn tại và hoạt động được là nhờ được sống giữa lòng dân, thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu trong máu thịt tôi. 

Trên lĩnh vực quốc tế, tinh thần đoàn kết cũng đã đạt được nhiều kết quả thật ngoạn mục. Phong trào phản chiến ở Mỹ, ở Pháp và phong trào phản đối chiến tranh xâm lược VN ở nhiều nước trên thế giới, đã làm cho kẻ thù xâm lược VN càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, rất nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước:

- Đất nước đã được hòa bình, thống nhất. Giang sơn đã trở về một mối. Lòng người cũng qui về một mối.

- Toàn dân vui mừng được yên ổn làm ăn, kiến tạo lại đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của cả dân tộc.

- Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền Nam, có những khả năng và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, là một vốn quí, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước VN hòa bình, giàu mạnh.

- Hầu hết quân đội, sĩ quan và những viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong mỏi được sống trong hòa bình, hòa hợp, có cơ hội làm lại một cuộc sống yên ổn.

- Trên bình diện quốc tế, cả những nước đã từng đem quân tham gia vào cuộc chiến ở VN cũng thấy cần xóa đi những ám ảnh của quá khứ và bày tỏ thiện chí với VN. Kể cả trong chính quyền Mỹ cũng thấy có những dấu hiệu muốn sớm đi tới bình thường hóa quan hệ với VN, như một cách để làm dịu vết thương nhức nhối của cuộc chiến...

Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy...

Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.

Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần... đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.

Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành ủy chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành ủy vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.

Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho VN lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn mà thật ra không phải là hoàn toàn không tránh được.

Kết quả là VN bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử.

Để ngọn lửa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc sáng mãi.

Từ ngày Đảng ta có chủ trương đổi mới, tư tưởng hòa hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan. Quan điểm kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng VN làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng về tương lai... đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt khỏi khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt.

Ngày nay chúng ta đã có một nước VN độc lập, thống nhất và đang trên đường tiến tới thực hiện lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chúng ta đã từng bước nâng cao uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta càng có sức cảm hóa nhiều hơn. Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn.

Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh VN trên trường quốc tế?

Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu qui tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được qui tụ. Con người mà không qui tụ thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng.

Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển: Trong cuộc đua tranh để phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức, học vấn, sự nhận thức các qui luật của thiên nhiên và của xã hội. Theo kinh nghiệm lịch sử của thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng trí thức tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo: có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng.

Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại không khí hào hùng và sôi nổi của những ngày tháng đó. Ngọn lửa tạo nên không khí đó chính là tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, mà người thắp nên ngọn lửa đó chính là Bác Hồ. Khi đó, tất cả mọi người VN đều như một. Khi đó, yêu nước là cách tốt nhất để yêu mình.

Để ngọn lửa đó còn sáng mãi, chúng ta hãy cùng ôn lại mấy bài học lớn của Bác:

- Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi thành quả của nền văn hóa VN không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN.

- Đã thế thì mọi người VN đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu thêm và đẹp thêm cho nền văn hóa đó.

- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người VN đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần của nền văn hóa này.

Nếu thực hiện tốt những tư tưởng đó, với kỷ niệm 60 năm quốc khánh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dòng chữ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” trên quảng trường Ba Đình sẽ không chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải màu..., mà sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thách thức trước mắt. Từ tinh thần của Ba Đình ngày ấy, nó sẽ trở lại với dân tộc, nó sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu người VN chúng ta.
Để thật sự đại đoàn kết dân tộc
Người ta thường nói đến đại đoàn kết khi chiến đấu chống xâm lược, khi gặp những khó khăn chống chọi với kẻ thù, ít nói đến đại đoàn kết dân tộc khi hòa bình. Chúng ta hình như chỉ chú trọng đến lịch sử đấu tranh, những vinh quang, anh hùng của chiến đấu chống xâm lược mà ít quan tâm đến lịch sử xây dựng, vinh danh những vĩ nhân xây dựng đất nước.
Nếu chúng ta đã từng coi mất nước là mối nhục, đã đại đoàn kết dân tộc để giành được độc lập cho đất nước thì ngày nay cũng phải làm sao cho mọi người dân ý thức được rằng nghèo nàn, lạc hậu là mối nhục không thể chấp nhận được. Từ đó, chúng ta đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh không thua kém các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới!
Sau 30 năm sống và làm việc kể từ ngày đất nước thống nhất, tôi vô cùng thấm thía khi nghe nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói trong bài báo trên rằng đoàn kết có nghĩa là phải khoan dung.
Đọc bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi mong ước con cháu của những người cộng sản cũng như những người đã từng chống cộng sản mãi mãi không còn coi nhau là kẻ thù nữa, mọi người VN chỉ có kẻ thù chung là sự nghèo nàn, lạc hậu của đất nước.
Bài học luôn mới
Đoàn kết là bài học luôn mới trong mọi thời, là kim chỉ nam để hành động và thành công. Trong xu thế mới hiện nay chúng ta mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng mở cửa để thu hút chất xám VN ở khắp nơi trên thế giới. Những người trẻ chúng tôi mong muốn Chính phủ tạo ra môi trường thuận lợi với những qui định cụ thể trong việc sử dụng nguồn lực con người. Hiện nay ở nhiều nơi, nhiều cơ quan vẫn còn tình trạng sử dụng lao động “con ông cháu cha”, quen biết.
Vì thế đã bỏ qua rất nhiều người có tâm huyết, có khả năng làm tốt công việc hơn những người quen biết. Những người trẻ sinh sau chiến tranh, tôi nghĩ họ không thể vì chiến tranh, vì những sai lầm của ông, của bố họ trước đây mà bị đẩy ra khỏi “cuộc chạy” đưa đất nước tiến lên. Bài học đoàn kết trong thời đại ngày nay, theo tôi, là bài học không phân biệt đối xử, không kỳ thị, moi móc quá khứ, bài học của lòng bao dung. Có như thế nguồn lực con người trong cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu của đất nước mới dồi dào.
Phải biến khẩu hiệu thành hành động!
Nghe nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói ông không nhìn khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải, tôi thấy giật mình!
Lâu nay chúng ta quen sống với khẩu hiệu, phong trào... nên những vấn đề có tính tư tưởng, tính sống còn ngày càng trở nên quen thuộc và đôi khi chúng ta bước qua nó với một cái nhìn... vô cảm. Cuộc sống cứ cuốn chúng ta trôi theo nhịp điệu “cơm áo gạo tiền” hằng ngày, đã làm chúng ta trở nên bàng quan với thực tế, quay lưng với lịch sử!
Những sự kiện được báo chí khơi gợi như những cuốn nhật ký của anh Thạc, chị Trâm... đã đốt cháy lên ngọn lửa khát vọng của tuổi trẻ. Vậy tinh thần đoàn kết dân tộc, qua bài viết của nguyên Thủ tướng, có được khơi dậy? Ông Võ Văn Kiệt bảo đó là cội nguồn của sức mạnh, nhưng với chúng ta đó còn là động lực, là niềm tin, là khát vọng!
Muốn ngọn lửa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc rực sáng trong vận hội mới, chúng ta phải hành động bằng những việc làm cụ thể của mỗi cá nhân, của chính sách nhà nước và chiến lược của cả dân tộc!

VÕ VĂN KIỆT
_____________

Thứ Bảy, ngày 22/6/2013 - 07:10
Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...
“Đăng và gỡ”…
. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông?
+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005: 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.
. Vậy còn thăng trầm?
+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.
. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài?
+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác.
. Bài bị gỡ thường là “có vấn đề”, lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không?
+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.

Nhà báo Nguyễn Vĩnh.

. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?
+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.
. Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.
+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.
. Báo Quốc Tế đã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý?
+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30-3-2005.
“Triệu người vui, triệu người buồn”
. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông?
+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.
Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.
. Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh?
+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28-4-1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ” như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”. Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.
. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản?
+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.
Ngoại giao văn hóa
. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook... Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay?
+ Chúng ta vẫn thường nghe câu “thêm bạn bớt thù” trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này “không thể hết được”. Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và “sắp xếp” hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.
. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông?
+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…
Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ  Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.
HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Người đồng bằng tập hợp

Nhận xét

Unknown đã nói…
Ngày nầy năm xưa 40 năm về trước . ông Võ Văn Kiệt bảo có 1 triệu người vui đồng cũng có 1 triệu người buồn ... năm 2015 thì sao ? - Xin thưa hiện nay đang có 10 triệu người và 80 triệu người buồn đấy ạ !

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.