4285. Gỗ chùa, tưởng oản đòi ăn

Quan chức Hà Nội: 

GỖ CHÙA, TƯỞNG OẢN ĐÒI ĂN

Viết tiếp vụ gỗ sưa bị tạm giữ tại Hà Nội:
Gỗ sưa của cộng đồng, cộng đồng có được tự quyết?
Lam Sơn
Báo Lao Động - Số 94 - 6:36 AM, 25/04/2015
Gốc gỗ sưa tại làng Phụ Chính
đã bắt đầu chết dần.
Hà Nội đã căn cứ vào quy định nào của pháp luật để quyết định đấu giá tài sản của cộng đồng khi cộng đồng không ủy quyền?

Đến nay 2,506m3 gỗ sưa của người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) và 20,5 tỉ đồng của người mua bị “tạm giữ” gần 5 năm. Cơ quan điều tra đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vụ việc cũng chưa bị xử lý hành chính. Trong khi các cơ quan tham vấn khẳng định gỗ của cộng đồng, cộng đồng được tự quyết định… thì UBND TP.Hà Nội vẫn kiên định chỉ đạo giao cho huyện bán đấu giá.

Mua bán, vận chuyển gỗ sưa đúng pháp luật

Ngày 24.4, một ngày trước thời hạn cuối cùng mà các cơ quan chức năng phải thực hiện xong chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc “xử lý dứt điểm” vụ mua bán gỗ sưa tại thôn Phụ Chính, huyện Chương Mỹ, phóng viên Báo Lao Động có buổi làm việc lãnh đạo UBND TP.Hà Nội. Tại buổi làm việc này, nhiều thông tin, tài liệu mới được chính UBND TP cung cấp cho thấy có quá nhiều quan điểm khác biệt trong việc xử lý vụ việc tồn đọng gần 5 năm qua.

Văn bản của UBND TP Hà Nội gửi PV Báo Lao Động khẳng định, thông báo 51 - thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh về vụ việc này - là “rõ ràng, đúng pháp luật”. Tuy nhiên có điều lạ là quá trình thực hiện, chính các ngành của Hà Nội lại “không thống nhất cách làm”. Chính điều này đã khiến Phó Chủ tịch thường trực thành phố phải triệu tập cuộc họp thứ 2 với thành phần mở hơn, nhưng các ngành vẫn giữ nguyên quan điểm trước đây. Vì sao các cơ quan lại “không thống nhất cách làm” theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực thành phố? Trong khi công an thành phố đề nghị “tịch thu số gỗ” thì đại diện cơ quan khác lại cho rằng “việc mua bán số gỗ này là ngay tình”…

Trong văn bản trả lời cho UBND TP.Hà Nội, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp khẳng định: 2 cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Do đó, “việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn Phụ Chính tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra, xác nhận”… Từ những phân tích, cơ quan chuyên ngành về pháp lý này khẳng định: “Về cơ bản, thủ tục thông qua việc khai thác tại thôn, thủ tục kiểm tra, xác nhận của UBND xã, thủ tục xác nhận của cơ quan kiểm lâm và thủ tục mua bán, vận chuyển số gỗ sưa, cành cây sưa từ 2 cây sưa trong khuôn viên Chùa Phụ Chính là đúng quy định của pháp luật hiện hành”.

Không xác định được hành vi vi phạm hành chính

Trước đó, trong văn bản trả lời văn bản hỏi của cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định: “Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa thôn Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn này tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra”.

Có lẽ vì những tham vấn trên và việc “chưa có cá nhân nào được hưởng lợi từ số tiền mua, bán gỗ” trên nên Cơ quan CSĐT đã phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sau 3 năm điều tra. Vụ việc cũng được xác định là không có dấu hiệu vi phạm hành chính. Đến nay các cơ quan của UBND TP.Hà Nội chưa ban hành bất cứ quyết định xử lý vi phạm hành chính nào đối với việc mua bán này.

Trong văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, chính Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp khẳng định: “Vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ sưa trên không có đầy đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính do không xác định được hành vi vi phạm hành chính với đầy đủ các yêu tố cấu thành như: Hành vi khách quan, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật đó có quy định hành vi vi phạm hành chính phù hợp với các yếu tố nêu trên để áp dụng đối với hành vi cụ thể của vụ việc”. 

Từ đó, Cục này kết luận: “Không thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này”.

Tuy các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên khẳng định như vậy, nhưng đến nay 5 năm đã trôi qua kể từ ngày Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, 20,5 tỉ đồng mua số gỗ trên vẫn bị phong tỏa. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP bàn giao số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền bán đấu giá thu được nộp ngân sách của huyện. UBND thành phố đồng ý phân bổ số tiền thu được từ việc đấu giá số gỗ sưa nói trên giao cho xã Hòa Chính để đầu tư các công trình phục vụ lợi ích công cộng của thôn Phụ Chính. 

Tuy nhiên, Hà Nội đã căn cứ vào quy định nào của pháp luật để quyết định đấu giá tài sản của cộng đồng khi cộng đồng không ủy quyền? Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này trong các số báo sau.
************
Chùa thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Chương Mỹ) có 2 cây sưa, khoảng 127 đến 132 năm tuổi. Tháng 8.2010, ông Vũ Văn Xuyện - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phụ Chính đã tổ chức nhiều cuộc họp chi bộ, toàn dân trong thôn để bàn bạc, thống nhất khai thác một số cành cây sưa bán lấy tiền xây dựng công trình phúc lợi cho thôn. Ngày 10.9.2010, ông Nguyễn Văn Nhất - đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Chính - và một số cán bộ xã là người thôn Phụ Chính tham gia họp Hội nghị quân, dân, chính, đảng thôn Phụ Chính để bầu ra Ban quản lý khai thác gỗ sưa.

Ngày 16.10.2010, các ông Vũ Văn Xuyện, Vũ Văn Tưởng, Đinh Công Thường, Đinh Văn Đúng đã đại diện cho nhân dân thôn Phụ Chính ký hợp đồng bán toàn bộ số gỗ trên cho ông Dương Văn Thái làm nghề sản xuất đồ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh với giá 20,5 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, ông Thái đặt cọc 1 tỉ đồng.

Ngày 24.10.2010, căn cứ vào đơn đề nghị của thôn Phụ Chính, ông Nguyễn Danh Sáu (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ) ký xác nhận: “Số gỗ sưa được xã thu gom 2,506m3 có nguồn gốc hợp pháp, được phép vận chuyển và tiêu thụ sau khi làm xong các thủ tục theo quy định”. Hôm sau, ông Trần Mạnh Hùng (Hạt phó) và ông Nguyễn Văn Tiến (Kiểm lâm viên) đến UBND xã Hòa Chính tiến hành lập lý lịch và đóng búa kiểm lâm cho số gỗ này. Sau khi có thủ tục của Hạt Kiểm lâm, lúc 15h40 cùng ngày tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Hà Tây, ông Cheng Feng Wei (quốc tịch Trung Quốc) làm thủ tục chuyển 19,55 tỉ đồng từ tài khoản cá nhân của ông được mở tại BIDV Chi nhánh Từ Sơn để trả cho thôn Phụ Chính. Ngày 25.10.2010, khi ông Thái thuê xe chở số gỗ sưa trên về Bắc Ninh thì bị công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. Đến nay, số tiền 20,5 tỉ đồng mua gỗ vẫn bị cơ quan công an phong tỏa. 
L.S

Xem thêm:




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.