4008. Khi cụ trăm tuổi “hôn” hoa hậu…


Khi cụ trăm tuổi “hôn” hoa hậu…

Tác giả: An Việt

giao su Vu Khieu hon hoa hau Ky Duyen
Bức ảnh GS. Vũ Khiêu “hôn” má Hoa hậu Kỳ Duyên
bị ném đá gay gắt

KD: Thành ngữ mới của văn hóa Việt nên bổ sung như thế này: Học ăn, học nói, học gói, học mở, học … hôn  :D


Và học trò là từ bé thơ đến các cụ trăm tuổi. Người Việt bắt đầu hội nhập, thì cái sự học giao tiếp rất cần thiết, không ngoại trừ bất cứ ai 

Ngày xuân có nhiều chuyện vui buồn bên cây mai, cành đào, câu đối đỏ trong đó có chuyện một cụ ông vừa tròn trăm tuổi hôn cô hoa hậu xinh đẹp.
Sẽ chẳng có gì quá đáng để bình luận, đàm tiếu nếu cụ ông trăm tuổi ấy không phải là cụ Vũ Khiêu, chuyên gia cho chữ thánh hiền, bậc giáo sư được nhiều người tôn kính với nhiều danh hiệu tôn kính của nước nhà, còn người được hôn là đương kim hoa hậu mà sự đăng quang vương miện của cô gây nhiều tranh cãi.

Nhưng chính sự bình luận khen chê trên lại tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt hơn của cộng đồng mạng và dư luận báo chí về cái sự gọi là “tính nhân văn” của truyền thống Việt về ứng xử với người già – một đời người như ứng xử với cổ thụ – một đời cây.

Không ít bạn trẻ và cả những trí thức uyên sâu thấy động lòng trắc ẩn, cựa quậy sợi dây tự tôn của mình về sự kiện cái hôn này không phải vì cái hôn hít… hà của bậc trưởng lão mà bởi cái câu đối mà cụ đích thân viết tặng cho người đẹp. Họ cho rằng cặp chữ mà cụ cho chưa chuẩn và quên cái dấu ngoặc kép cần có để “sòng phẳng” rằng đây là chữ của bậc thánh hiền nào đó chứ không phải chữ của cụ.

Từ cái sự không hài lòng này sịa sang cái …hôn, thế thôi.

Ở phía khác những người sống thiên về cái sự hòa, cái sự bao dung lại cho rằng phái đả kích quá ư khắc nghiệt, thiếu tính nhân bản với người già, hơn nữa người già ấy sống 100 tuổi, cái tuổi quý hiếm, cái tuổi là niềm tự hào của con cháu, bạn bè, học trò, làng quê mà cụ sinh ra, phố phường mà cụ đang tươi vui sống.

Chúng ta cần trả lại sự công bằng cho cái hôn ấy  nếu với cả người hôn và được hôn cảm thấy đó là cái hôn đẹp của cuộc đời mình.
  
Họ cho rằng người già 100 tuổi mà vẫn không ngừng đọc sách, viết chữ tử tế dâng tặng cho đời, vẫn trẻ trung yêu đời với ánh mắt sáng long lanh, vẫn sang sảng trên các diễn đàn, hội thảo về văn hóa, chính trị, vẫn say sưa miệt mài viết, sáng tạo các câu đối dâng cho đời, các văn bia để lại đời sau, không hề là một gánh nặng cho con cháu, xã hội là người xưa nay hiếm phải được đối xử như tài sản qu‎ý của quốc gia.

Họ rất có lý khi cho rằng các cụ là bậc cha, ông của mình nếu có điều gì mình thấy chưa ưng ý thì mình cũng không nên có lời thiếu khiếm nhã hoặc gay gắt với cụ chứ chưa nói đến những lời châm chọc vô lễ. Đời cây – đời người luôn là một phần của sự sống, ở đó bất cứ ai, kể cả các bậc lãnh tụ tôn giáo, chính khách, nhà khoa học, văn nhân hoặc một nông dân cả đời cày cấy, một người thợ cả đời lao lực mồ hôi v…v đều có thể có nhiều lúc trái gió trở trời sơ suất điều này việc kia.

Thì, với thời gian mà con người ấy tồn tại đến cái tuổi 100 xưa nay hiếm đương nhiên sự công bằng không những được quyền thiết lập mà thậm chí cả những hương ước của cộng đồng cũng phải được thiết lập để bảo vệ cái thế giới tinh thần cũng như cái thế giới sống vật chất của những con người ấy, nếu công tâm nhìn nhận cả cuộc đời họ cái sự “lành” là cơ bản, cái “tâm thiện” là nền tảng.

Trên mạng xã hội có không ít những lời phê phán nặng nề cụ Vũ Khiêu có thể xuất phát từ không ít thông tin bất lợi về cái sự cho chữ của cụ, về những gì mà cụ cống hiến mà họ cho là ít tính hữu ích cho hệ tư duy, tư tưởng của họ. Điều này những người phản bác lại họ ở mức độ nào đó cần tôn trọng, bởi, chúng ta đang sống trong một xã hội mà ai cũng hiểu rằng sự tôn trọng các chính kiến, tư tưởng là một trong những đột phá quan trọng của sự phát triển dân tộc, quốc gia.

Nhưng nếu những người gay gắt phê phán cái sự cho chữ, tặng chữ rồi cả những hành xử của cụ Vũ Khiêu trong các mối quan hệ, giai tầng mà họ không có thiện cảm nào đó nếu đặt mình là con cháu trong dòng tộc của cụ liệu có nỡ nặng lời với cụ không? Tôi tin chắc chắn là không.

Có ý kiến phản biện rằng người trẻ có quyền sai còn người già không có quyền sai, hơn nữa người già ấy lại là một tên tuổi được tôn vinh càng không có quyền sai, là ý kiến không công bằng. Lẽ ra phải ngược lại.

Với người trẻ cần phải nghiêm khắc hơn vì họ là người có sứ mệnh làm chủ đất nước, thay đổi hình ảnh của dân tộc theo hướng phát triển, họ có điều kiện và sức khỏe để hoàn thiện mình với thế giới văn minh, họ có năng lực tiếp xúc với công nghệ hiện đại cũng như các tư duy mới, họ ít bị chi phối bởi những hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó của quá khứ dân tộc với những tồn tại của lịch sử trong giai đoạn trở dạ v…v.

Tất nhiên ở đây tôi không hề có ý cho rằng sai sót nào đó của người già không phải là không có ảnh hưởng nào đó với đất nước. Vấn đề là cái gọi là sai sót kia có nghiêm trọng đến mức mà dư luận ào ào lên án không?

Trong trường hợp cụ thể của cụ Vũ Khiêu thì rõ ràng cái việc cho chữ không nói rõ nguồn gốc của chữ cũng như không giải thích rõ ý nghĩa uyên sâu của chữ gây nên những hiểu lầm không đáng có, ở mức độ nhân văn là không đáng để cụ phải nhận những lời mỉa mai, châm trích của không ít người ở cộng đồng mạng xã hội trong những ngày đầu xuân, những ngày mà con cháu luôn chúc phúc mừng tuổi những người già, đặc biệt là người già 100 tuổi.

Còn sự kiện cái hôn của cụ với cô hoa hậu Kỳ Duyên là chuyện cá nhân của cụ với Kỳ Duyên, cái hôn mà cô hoa hậu cảm thấy hãnh diện còn cụ 100  tuổi gần đất xa trời cảm thấy vui sẽ thật là tầm thường cho ai đó giễu cợt, châm trọc, chê bai nó. Chúng ta cần trả lại sự công bằng cho cái hôn ấy  nếu với cả người hôn và được hôn cảm thấy đó là cái hôn đẹp của cuộc đời mình.

Tuy vậy qua sự kiện trên cũng có những bài học được rút ra đó là với những con người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội như cô hoa hậu, như giáo sư Vũ Khiêu thì mọi động thái của họ không đơn giản chỉ là việc riêng của họ nữa, vì vậy họ phải chấp nhận một sự thật đó là sự theo dõi phê phán của công chúng, vì vậy họ dù là bất cứ tên tuổi ở bất cứ lĩnh vực nào, tuổi tác ra sao đều phải rất cẩn trọng với hình ảnh của mình trước công chúng.

Xã hội mạng là tấm gương phản chiếu tức thời và lan rộng thành làn sóng luôn có mặt tích cực của nó để mỗi con người danh tiếng biết mình là ai trong lòng công chúng để hoàn thiện mình hơn.
——–
Dẫn theo Kim  Dung/Kỳ Duyên

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.