3849. Lan man về “Hữu xạ tự nhiên hương”

Lan man về
“Hữu xạ tự nhiên hương”
PNTB
2-8651-1396927016-3208-1416459084.jpg
Một hình ảnh trong vở "Bệnh sĩ"
Ảnh minh họa, nguồn  
vnexpress
Hữu xạ tự nhiên hương (chữ Hán: 有麝自然香) là một câu thành ngữ Hán – Việt, có nghĩa đen là vật thơm, tự nó khắc thơm, thơm từ bản chất, từ bên trong, chứ không phải xức nước hoa ngoài vào. Nghĩa bóng để ông cha ta dạy con cháu phải biết khiêm nhường, trung thực, chớ vội khoe khoang. Hãy tự rèn luyện bản thân trở thành người có năng lực, người tốt, biết ăn ở cho phải đạo... thì xóm làng người ta khắc biết.


Cũng không phải ngẫu nhiên mà các cụ phải dạy con cháu như vậy. Trong cuộc sống, người ta bao giờ cũng muốn “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, cho nên dù là một cá nhân hay một nhóm người…luôn luôn có xu hướng quảng cáo ra ngoài về những cái hay cái tốt của mình, của nhóm mình. Điều ấy cũng không có gì sai. Thế nhưng chỉ muốn tuyên truyền cái tốt, còn cái xấu thì tìm cách che đậy, giấu nhẹm, coi đó là những “bí mật” không ai được biết. Nhưng lỡ bị rò rỉ ra vì một lý do nào đó thì phải “mở chiến dịch” truy tìm kẻ tiết lộ, rồi bưng lại cho kín, bưng không được thì cay cú và tìm cách trả thù không thương tiếc… Nó xấu thật đấy, nhưng vẫn cứ quy cho người nói ra là “bịa đặt”, là dám “nói xấu” tao, tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ! Ngược lại, có một tí “thành tích” hoặc một tí cái gì được coi là tốt thì ra sức thổi phồng, quả bong bóng thổi lên bằng quả địa cầu!

Trên đời, ai cũng có cái tốt, cái xấu, chỉ khác nhau là tốt nhiều, xấu ít hay xấu nhiều, tốt ít, chứ chẳng có ai thuần xấu, thuần tốt. Sự giấu diếm cái xấu, khoe khoang cái tốt nó có xuất xứ từ “bệnh sĩ”, cái bệnh thích khoe khoang có lúc được dùng chữ mĩ miều là “chủ nghĩa hình thức”. Đó cũng là một căn bệnh sinh ra từ trong máu của một số người.

Do kinh nghiệm, tri thức cuộc sống và nhân cách mà người ta tự điều chỉnh. Người có nhân cách bao giờ cũng tôn trọng sự thực và khiêm nhường. Kẻ gian manh, xảo trá thì chỉ muốn khoe khoang, không biết ngượng, không biết xẩu hổ… Thậm chí còn có mánh khóe thiết lập những cái tốt giả hiệu nữa.

Xin kể một câu chuyện có thực trăm phần trăm: Ở làng tôi, làng Bách Đại có một người đàn bà tên là Bích Loan, vợ ông quan huyện. Ông này nhờ ăn của đút nhiều năm nên rất giàu có, ở biệt thự sang trọng như cung điện, đi ô tô hàng chục tỉ, tiền của như nước…, người dân nom thấy, ai cũng phải lác mắt. Được hưởng thành quả đó, bà vợ tha hồ ăn chơi nhẩy múa, “no cơm ấm cật, giậm dật tứ chi”. Ăn chơi mãi cũng chán, bà ta muốn trở thành người nổi tiếng, được công chúng hâm mộ. Vì thế, thấy người khác có thơ hay, đựợc nhiều người khen thì cũng muốn  trở thành... nhà thơ!. Nhưng vì chỉ mới biết đọc biết viết, chính tả không sạch nên nghĩ được mấy câu vè phải nhờ con nó chép vào giấy, mang khoe khắp cả, nhưng người nghe cứ rửng rưng… Thấy không “ăn”, Bích Loan quay sang muốn làm ca sĩ, nghĩ rằng hát thì không cần biết chữ, biết nghĩa. Thế là mua mấy cái đĩa CD của các ca sĩ nổi tiếng về bò ra học theo. Khổ nỗi, không hát thì thôi chứ hễ cất giọng lên thì chả khác gì tiếng vịt đực, ca không ra ca, cạc không ra cạc, lại ngọng líu ngọng lô, hát dân ca thì “Con cò bay nả bay na…” khiến bọn trẻ con nghe thấy, chúng bưng miệng cười khúc khích…Thế nhưng lúc nào mở đĩa hát theo, Bích Loan lại cứ ngỡ đấy là tiếng hát của mình… Suốt ngày đứng giữa nhà cầm cái mic giả, ưỡn ẹo theo giai điệu bài hát, giả vờ như diễn trên sân khấu.

Một hôm ông chồng về thông báo, sắp có Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, mẹ mày có tham gia thì tập lấy một bài. Biết đâu được Huy chương vàng thì cả cái làng Bách Đại này phải lác hết cả mắt.

Nghe tin, bà ta sướng rơn, quyết tâm tham gia, nếu được giải là mở mày mở mặt với thiên hạ. Bích Loan lập tức tập trung hát theo đĩa thuộc lấy một bài, rồi thuê hẳn một tốp nữ mười mấy cô xinh đẹp, mua sắm váy áo cho các cô, thuê biên đạo chuyên nghiệp về dạy múa phụ họa, làm tăng vẻ hoành tráng của “tác phẩm nghệ thuật”...

Đến ngày đi Hội diễn, Bích Loan mang theo mấy chục cái phong bì, rải hết từ Lãnh đạo đến nhân viên Ban tổ chức Cuộc Liên hoan, đặc biệt là Ban Giám khảo và những kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng…, Bích Loan giúi cho mấy anh chàng làm âm thanh cái đĩa có bài hát của nghệ sĩ chuyên nghiệp kèm theo phong bì, để họ che giấu cho hành vi gian lận là hát “nhép” vào giọng của ca sĩ. Người nghe tưởng Bích Loan hát thật, ai cũng tấm tắc khen hay!
 
Chung kết cuộc liên hoan, Bích Loan được Ban Giám khảo chấm điểm cao và tặng cho cái Huy chương vàng nghệ thuật quần chúng. Trước khi về, một vị trong Ban Giám khảo nói nhỏ với Bích Loan, cái tác phẩm huy chương vàng của chị mang về chớ có đi diễn ở đâu đấy nhé!...

Tiếng bà Bích Loan (vợ ông chủ tịch huyện) được tặng huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc đã lan ra khắp vùng. Những người không biết thì trầm trồ khen ngợi.

Nhưng ở cái làng Bách Đại này, thì ai còn lạ gì “con Loan sĩ”. Họ ngồi đâu cũng đàm tiếu. Người thì bảo: Cái Ban Giám khảo này nó mù nên mới tặng huy chương vàng cho một giọng hát vịt đực như vậy. Người lại bảo, trong “cơ chế thị trường”, cứ có tiền là mua được hết, cái gì khó mua thì nhiều tiền cũng mua được! Nhưng có người thì nói: “Hữu xạ tự nhiên hương". Đống cứt mà đem xức nước hoa ngoại vào thì chẳng những không làm cho cứt thơm lên được mà còn khiến ai vô tình ngửi thấy cũng phải ọe ra mật xanh mạt vàng!” 

23/01/2015. PNTB 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.