3846. Muốn thành "công bộc Thủ đô" sao khó thế!

Muốn thành "công bộc Thủ đô" sao khó thế!
NGỌC QUANG/ 19/01/15 09:39  
Cử nhân loại giỏi các trường ngoài công lập
(người ngoại tỉnh) không có cơ hội thi
công chức Thủ đô. Nguồn Internet
(GDVN) - Ngẫm lời Bác dạy với chuyện tuyển công chức ở Hà Nội, quả thực có nhiều điều khiến người dân chưa "tâm phục khẩu phục".

Từ đề xuất của Sở Nội vụ Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã phê duyệt kế hoạch thi tuyển công chức năm 2015 với tổng số 560 chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý nhất trong tiêu chí dự tuyển công chức năm nay là thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. 

Người ngoại tỉnh muốn thi công chức Hà Nội phải có ít nhất một trong các điều kiện như: Tiến sĩ tuổi đời dưới 35; Thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30; Tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài...
Quyết định này của Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc các cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc thuộc các trường ngoài công lập (người ngoại tỉnh) cũng không còn bất cứ một cơ hội nào nếu muốn ứng cử thi tuyển công chức Thủ đô.
Từ ba vấn đề nổi cộm trong quyết định tuyển công chức…
Dưới góc độ của Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa: Chúng ta đang hướng tới việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, và phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: Mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội phải tuân thủ pháp luật và bình đẳng trước pháp luật, pháp luật phải công bằng, phù hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân lao động; Trong một nhà nước mà các quyền con người, quyền tự do dân chủ được pháp luật bảo đảm và bảo vệ; Xây dựng nhà nước của  nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mà trong đó Nhà nước do nhân dân là Nhà nước mà các cơ quan Nhà nước từ TƯ đến địa phương đều do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập để thực hiện quyền làm chủ Nhà nước của mình; Xây dựng mối quan hệ bình đẳng qua lại giữa nhà nước và công dân; Tôn trọng và bảo đảm thực tế các quyền tự do cơ bản của con người.

Dù vậy, Hà Nội lại chủ trương không cho những người tốt nghiệp ngoài công lập thi tuyển công chức, thế nhưng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND thành phố thì vẫn cứ nói rằng: “Từ trước tới nay Hà Nội vẫn làm như thế. Việc đưa ra tiêu chí với người không có hộ khẩu như vậy để có thể tuyển được người thực sự có năng lực, chứ Hà Nội cũng không cấm đoán gì”. Thật kỳ lạ!
Qua phát biểu của bà Phó Chủ tịch UBND thành phố có thể thấy rằng, những người dân đang sống trong một đất nước, được điều chỉnh bởi một Hệ thống pháp luật chung, nhưng lại bị đối xử bất bình đẳng trước pháp luật. Điều mà người dân quan tâm nhất ở đây là họ đã mất đi quyền được ứng cử vào vị trí mà họ mong muốn, chứ chưa nói tới vấn đề bằng đó được cấp bởi trường đại học nào.
Dưới góc độ phương thức, cách thức quyền lực: Quyền lớn nhất của người dân trong một xã hội dân chủ có hai nội dung quan trọng: Một là nhân dân tổ chức nên bộ máy nhà nước và  tham gia (ứng cử) quản lý Nhà nước; trực tiếp quản lý những công việc mà chính quyền giao cho. Hai là dùng lá phiếu của mình bầu những người có năng lực (có đủ đức, đủ tài) vào các vị trí quan trọng trong bộ máy của Nhà nước. Tuy nhiên, cách làm này của Hà Nội chẳng khác nào “chặn cửa”, không cho người dân tự ứng cử tham gia vào các cơ quan Nhà nước.

Nhà nước của chúng ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, trong đó Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Vì vậy, cần thấy rõ rằng cách làm của Hà Nội là “triệt tiêu” quyền làm chủ của người dân hay nói cách khác thì lãnh đạo tỉnh này đã dựng “một con đê” chắn đường đối với các sinh viên tốt nghiệp ngoài công lập muốn ứng cử vào các vị trí thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Dưới góc độ pháp luật về giáo dục: Không phân biệt bằng cấp đào tạo hệ công lập hay dân lập, không phân biệt cách thức đào tạo. Về mặt giá trị pháp lý thì bằng tốt nghiệp cùng một chuyên ngành ở hệ đại học công lập hay ngoài công lập là như nhau, Nhà nước không đặt vấn đề phân biệt.

Vậy Hà Nội căn cứ vào đâu để loại bỏ quyền của những cử nhân tốt nghiệp hệ ngoài công lập, khi chưa có một cuộc thi đấu, đua tài giữa sinh viên công lập và ngoài công lập? Nhà nước cũng chưa từng đưa ra một cuộc khảo sát, kết quả đánh giá nào về vấn đề này? Cứ tạm cho rằng mặt bằng chung của sinh viên hệ công lập có chất lượng hơn ngoài công lập, nhưng có ai dám trả lời chắc chắn trước nhân dân rằng, những người đã được tuyển dụng hoàn toàn xứng đáng hơn những người học hệ ngoài công lập?
Trên thực tế, có rất nhiều người không học công lập nhưng đang khá thành công trong sự nghiệp, ngược lại cũng có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp hệ công lập nhưng chẳng thể hiện được khả năng. 
Nói như một số giáo sư, các chuyên giao trong lĩnh vực giáo dục là: Tuyển người chứ không phải tuyển bằng cấp và cần kiểm soát chặt chẽ quy trình tuyển dụng chứ không nên áp dụng phương pháp loại bỏ khi chưa có đánh giá gì về những người nộp hồ sơ xin dự tuyển. Cách làm ấy nếu còn lặp lại sẽ vô tình sẽ làm thất thoát nhân tài.
Hơn nữa, chúng ta đang hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Một trong những vấn đề căn bản nhất ở đây là cơ quan tuyển dụng của nhà nước hay tư nhân khác nhau ở địa vị pháp lý. Một trong những tiêu chí căn bản để hướng tới một Nhà nước pháp quyền (một khi đã là cán bộ, công chức Nhà nước rồi thì nhất thiết chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép) là cán bộ lãnh đạo đại diện cho cơ quan Nhà nước được làm những gì luật cho phép, còn công dân được phép làm những gì mà luật không cấm.

“Người sử dụng lao động” ở đây là cơ quan Nhà nước, mà ở đó lãnh đạo là người đại diện cho cơ quan ấy, để tuyển chọn nhân sự; nhân sự ấy khi đã trở thành công chức nhà nước cũng có nghĩa là “công bộc của dân” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó cũng là điều mà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu làm tròn.

Cần phải nói rõ, tuyển dụng nhân sự ở đây không phải cho cơ quan của cá nhân ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cũng không phải cho cá nhân bà Phó Chủ tịch hay ông Giám đốc Sở Nội vụ. Các ông (bà) là người đại diện cho các cơ quan Nhà nước để tuyển dụng người có năng lực, và cần đảm bảo quyền của người dân (tức là quyền được ứng cử vào các vị trí của Nhà nước), nhưng Hà Nội lại “đẻ ra giấy phép con”.
Trong thư gửi “Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 17/10/1945, Bác đã viết: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.… 

Ngẫm về “công bộc” của dân

Bác Hồ đã đưa ra quan niệm về ý nghĩa của từ “công bộc” để nói về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức Nhà nước.
 

Lời dạy của Bác đã nhắc nhở những người làm trong các cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã xứng đáng với vai trò, vị trí công bộc của một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” hay chưa? Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Trong nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. 

Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cũng trên ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa uỷ quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân theo ý nghĩa đúng đắn của từ này.

Nhưng có những cán bộ lãnh đạo (công bộc của dân) đã lầm lẫn sự uỷ quyền đó với quyền lực cá nhân. Vì vậy, Bác Hồ từng phê phán: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

Nhà nước do dân là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động; nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ có một Nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là Nhà nước vì dân được. Người nói: “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. 

Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh, là người đầy tớ thì phải trung thành, tận tuỵ, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ… là lãnh đạo thì phải có trí tuệ hơn người, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền tài…

Ngẫm lời Bác dạy với câu chuyện mà lãnh đạo thành phố Hà Nội đang làm quả thực có nhiều điều khiến người dân (những người làm chủ) chưa “tâm phục khẩu phục”. Trở thành công chức Nhà nước tức là nguyện làm “công bộc” của dân, vậy mà sao khó thế?




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.