3691. Đã đến lúc phải cưỡng chế

Đã đến lúc phải cưỡng chế


Lời bàn: Báo chí hôm nay đưa tin tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có thể làm cho UBND TP.HCM phải đền bù 2,5 tỷ/ngày cho phía nhà thầu Nhật vì chậm tiến độ. Lý do dẫn ra bởi một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương không đồng ý phương án bồi thường nên không bàn giao mặt bằng.

Không một bài báo nào nói được vì sao doanh nghiệp nói trên không chịu nhận tiền đền bù cho 2 hecta đất. Không một phóng viên nào phỏng vấn doanh nghiệp này. Không một biên tập viên nào thấy lướng vướng khi đăng lên bản tin một chiều từ phía chính quyền.


Nói chậm trễ khiến bị phạt, tiền phạt là tiền thuế của dân. Đúng quá. Vậy, chủ cái doanh nghiệp kia có phải dân không? Họ có bị thiệt thòi gì khi áp mức đền bù không? Tại sao suốt mấy năm không thỏa thuận được phương án đền bù? Tất cả những câu hỏi này cần phải được trả lời trong một bài báo bên cạnh lý lẽ của chính quyền.

Nếu báo chí nói rằng để tránh ảnh hưởng lợi ích chung của số đông nên cần phải cưỡng chế giải tỏa. Vậy, báo chí đang nói giống với cách giải thích của những người đi giải tỏa, đập nhà của dân để lấy đất giao cho doanh nghiệp làm dự án bấy lâu nay. Nếu vậy, báo chí có còn là báo chí nữa không? (FB Trung Bảo)
***

Lê Thanh Phong
LĐO - Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên đang bị cản trở vì vướng phải một doanh nghiệp. Cty TNHH TMDV Vĩnh Phát (thị xã Dĩ An, Bình Dương) không giao mặt bằng vì chưa đồng ý giá bồi thường 125 tỉ đồng cho 2 ha đất nằm trong dự án. TPHCM cũng như Bình Dương chưa khai thông được điểm nghẽn này.

Căng thẳng hơn, phía nhà thầu Nhật Bản đòi phạt 2,5 tỉ đồng/ngày vì giao mặt bằng chậm trễ.

Nếu Cty TNHH TMDV Vĩnh Phát tiếp tục thưa kiện và không bàn giao mặt bằng, thì tiến độ thi công dự án sẽ bị chậm trễ. Gói thầu số 2 của dự án này đã chậm trễ gần 30 tháng, nếu không có sự thỏa thuận đền bù để doanh nghiệp bàn giao mặt bằng, chưa biết sẽ chậm trễ thêm bao lâu.

Không chỉ đối mặt với “án phạt” từ phía nhà thầu, mà sự chậm trễ còn ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của toàn dự án. Thiệt hại còn ghê gớm hơn vì tình trạng đội giá xây dựng như đã từng xảy ra. Chậm một ngày, thiệt hại tiền tỉ, huống chi chậm hằng tháng trời.

Xa hơn, dự án chậm hoàn thành, người dân không được thụ hưởng lợi ích của dự án đúng như thời hạn đã được đề ra. Áp lực giao thông tuyến Bến Thành - Suối Tiên không được giải tỏa sớm theo dự định. Thiệt hại này không thể tính được thành tiền.

Nếu bồi thường vì giao mặt bằng chậm trễ mỗi ngày 2,5 tỉ đồng thì tiền phạt sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này ai chịu? Cũng là tiền vay, vay rồi phải trả. Ai trả? Dân trả.

Dân phải trả nợ vay để thực hiện các dự án giao thông công cộng, điều đó đương nhiên. Nhưng dân phải trả tiền cho những thiệt hại do quản lý điều hành thì không thể chấp nhận. Dân chưa thấy được mặt mũi metro như thế nào, đã phải trả mỗi ngày 2,5 tỉ tiền phạt. Dân nào chịu nổi.

Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư, đã không tiên liệu trước được những vướng mắc và đề ra các phương án xử lý hiệu quả.

Cty TNHH TMDV Vĩnh Phát có quyền đòi bồi thường tài sản, nhưng phải tuân theo đơn giá bồi thường được áp dụng thống nhất cho tất cả các đối tượng. Do đó, Cty TNHH TMDV Vĩnh Phát không thể đòi bồi thường cao hơn. Mặt khác, dự án này phục vụ giao thông công cộng, vì lợi ích chung của toàn xã hội, không phải dự án kinh doanh, cho nên đối tượng bị giải tỏa không thể đòi bồi thường theo kiểu “kinh doanh”.

Nếu như Cty TNHH TMDV Vĩnh Phát tiếp tục gây khó khăn, không giao mặt bằng, thì địa phương phải tiến hành cưỡng chế. Không thể để cho dự án hàng chục ngàn tỉ đồng bị tắc vì vướng một doanh nghiệp.

Không thể để dân phải trả tiền phạt mỗi ngày 2,5 tỉ đồng vì sự bất lực của chính quyền.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.