3649. Trần Đăng Khoa: Nhìn lại một kỳ họp Quốc hội

NHÌN LẠI MỘT KỲ HỌP QUỐC HỘI
TRẦN ĐĂNG KHOA

“Con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp, do đó Đại hội Đảng 12 sắp tới phải làm một cuộc cách mạng về nhân sự, chú trọng những cán bộ lãnh đạo có đủ các tiêu chí sau đây: Một là có tài, hai là có đức, ba là yêu nước, bốn là có tư duy dân chủ và tư duy đổi mới hội nhập. Những người năng lực kém và đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao”. Đại biểu Phan Trọng Nghĩa


Kỳ họp lần thứ Tám, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã bàn đến nhiều vấn đề quan trọng. Một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, là việc Phê chuẩn Công ước Chống tra tấn. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên của Công ước, bao gồm các điều ước quốc tế về quyền con người. Việc tham gia Công ước chống tra tấn cũng là nguyện vọng chung của toàn dân. Người dân mong có được sự minh bạch và dân chủ. Hy vọng sau khi tham gia Công ước này, sẽ giảm được một phần nào nạn ngược đãi, tra tấn và bức cung, dẫn đến các vụ án oan sai rất đỗi nghiêm trọng. Một trong những nạn nhân của việc tra tấn, bức cung là ông Nguyễn Thanh Chấn. Chuyện mười năm tù oan của ông quả là khủng khiếp, đã thành tâm điểm, rúng động toàn xã hội. Nhiều trang mạng nước ngoài cũng đã tổng thuật chi tiết vụ oan khiên này. Rồi còn bao nhiêu những Nguyễn Thanh Chấn khác nữa. Đó là những vết nhơ của ngành tố tụng. Không thể bao biện được. Cũng không thể gột rửa được. Cần phải coi đó là những bài học cay đắng. Để chấm dứt tình trạng bạo hành, ép cung dẫn đến những oan khuất đau lòng này, chúng tôi đề nghị, từ nay, tất cả các cuộc hỏi cung nghi phạm đều phải có luật sư chứng kiến và được ghi lại bằng camera. Bản ghi hình này được xem như là một tài liệu quan trọng của Hồ sơ vụ án. Có minh bạch như thế, chúng ta mới tránh được nạn oan khuất trong các vụ án do bị ép cung. Và cán bộ điều tra cũng sẽ có bằng cớ chứng minh mình vô tội, nếu bị nghi can vu khống, bịa đặt, tố cáo”. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, nếu chỉ lắp đặt camera thì chưa đủ. Bởi người ta có thể cắt xóa rất giản đơn như dựng một cuốn phim để phát hình. Nếu có camera mà lại làm giả, lại đánh tráo hiện trường thì càng nguy hiểm. Điều không thể thiếu, là cùng với camera phải có mặt của Luật sư. Phải cho luật sư được tham gia ngay từ đầu khi công an lấy lời khai của nghi phạm. Nếu không có sự chứng kiến của luật sư, nghi phạm có quyền từ chối không trả lời khi công an điều tra xét hỏi. Và bản khai chỉ có giá trị pháp lý khi có chữ ký của cả ba người: Nghi can, luật sư và người xét hỏi. Có minh bạch như thế, chúng ta mới tránh được án oan và mới thực sự tham gia Công ước Quốc tế.


Đặc biệt trong kỳ họp lần này, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những vấn đề hết sức nhạy cảm, được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, như vấn đề Biển Đông, hay an ninh biển đảo. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng: "Khi nào người khác còn dã tâm độc chiếm biển đông thì chúng ta còn phải đấu tranh, cho nên có thể 100 năm nữa Biển Đông vẫn còn dậy sóng. Đây không chỉ là cuộc đấu tranh kiên cường, mưu trí mà còn là cuộc đấu tranh lâu dài bền bỉ. Có thể có người đang mong muốn nước ta do tiềm lực kém hơn phải đối phó thường xuyên với các sự cố ở Biển Đông mà chảy máu dần dần cho đến lúc kiệt sức…”. Và ông đề nghị, cần có sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng người Việt cả trong nước và trên toàn thế giới. “Đó sẽ là nguồn lực bền bỉ phục vụ cho cuộc đấu tranh lâu dài ở Biển Đông”.

Cũng quan tâm đến đến vận mệnh đất nước, Luật sư, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa có bài phát biểu thực sự ấn tượng. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, trong 10 năm qua, một trong những nguy cơ là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Sự lệ thuộc này diễn ra trên nhiều lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, nguyên phụ liệu, đấu thầu thi công, năng lượng, viễn thông, khai thác khoáng sản, trang thiết bị công nghệ, nhân công, hàng tiêu dùng… Có được một nền kinh tế mạnh, núi liền núi, sông liền sông trước hết không phải chỉ là thách thức mà còn là cơ hội. Chỉ riêng tiết kiệm chi phí vận chuyển đã đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các nước khác. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém mà còn có những thế mạnh, vậy thì vì sao lại trở nên lệ thuộc? Cũng theo ông Nghĩa, không thách thức khó khăn nào lớn hơn hai cuộc chiến tranh vừa qua, nhưng chúng ta đã biết biến những thách thức khó khăn thành thuận lợi, chuyển bại thành thắng nhờ biết trọng dụng và sử dụng những cán bộ có đức, có tài. Nếu chúng ta giao quyền, giao tài sản cho những người kém về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như một điều kiện làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước. Một nước có tiềm năng nông nghiệp lớn như Việt Nam mà lại phải nhập khẩu nông sản, nguyên liệu thực phẩm lớn từ Trung Quốc, kể cả rau quả và trứng gà. Tại sao thương nhân Trung Quốc chỉ bằng visa du lịch mà đến tận miền Tây Nam Bộ thu mua nông sản, làm lũng đoạn thị trường? Tại sao thực phẩm chất lượng kém, thậm chí độc hại vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch? Tại sao nhà máy của SamSung xuất khẩu 130 triệu điện thoại di động trị giá 23,9 tỷ USD, sử dụng 45 nghìn lao động mà chỉ có 70 người Hàn Quốc, trong khi chúng ta lại để 23 nghìn lao động Trung Quốc (chủ yếu là lao động phổ thông) vào làm việc khắp nơi, từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Trà Vinh. Dự án Formosa có 4.268 lao động Trung Quốc trên tổng số 5.917 người. Tại sao Formosa không được cho xây miếu thờ mà vẫn cứ xây? Họ thờ ai và sau này có dẹp được không? Tại sao nạn buôn người sang Trung Quốc vẫn trầm trọng? Theo ông Nghĩa, đó là do chúng ta quá yếu kém trong quản lý và điều hành. Ông cho rằng: “Con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp, do đó Đại hội Đảng 12 sắp tới phải làm một cuộc cách mạng về nhân sự, chú trọng những cán bộ lãnh đạo có đủ các tiêu chí sau đây: Một là có tài, hai là có đức, ba là yêu nước, bốn là có tư duy dân chủ và tư duy đổi mới hội nhập. Những người năng lực kém và đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao”.

Đó là cái nhìn thẳng thắn, công tâm và đúng đắn. Và đấy mới thực sự là tiếng nói của Dân.

Trong kỳ họp này, một việc cũng gây được sự chú ý của Dân. Đó là bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn giữ nguyên 3 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ.

Điều này hoàn toàn không bình thường. Không phải chỉ có đông đảo cử chi băn khoăn, mà ngay cả các Đại biểu Quốc hội cũng cảm thấy có gì đó không được minh bạch. Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm dẫn đến hệ quả, chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định: Tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn mang tính hình thức: "Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định: Tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?" Bà Nga đề nghị cần phải có mức phiếu “không tín nhiệm” để phù hợp với quy định đánh giá cán bộ “không hoàn thành nhiệm vụ” thể hiện tại Điều 29 Luật cán bộ, công chức. Nếu không có quy định “không tín nhiệm” thì vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu Quốc hội, hạn chế luôn cả quyền của cử tri vì lá phiếu đánh giá là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình vì nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ. Bà Nga đề nghị: "Chỉ cần quy định 2 mức đánh giá Tín nhiệm và Không tín nhiệm”.
 
Đó là đề xuất đúng đắn. Người đạt nhiều phiếu Tín nhiệm là người có Tín nhiệm cao. Sao lại còn phải bày vẽ ra: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm với Tín nhiệm thấp để làm gì. Nếu tất cả đều được tín nhiệm, (dù tín nhiệm thấp thì cũng vẫn là tín nhiệm) thì còn bỏ phiếu làm gì. Tốt nhất không nên bỏ phiếu nữa.

Nguồn: Blog Lão Khoa



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.