3592. Làm Bộ trưởng giáo dục khó hay dễ?


Làm Bộ trưởng giáo dục khó hay dễ?

PNTB: Làm Bộ trưởng mà dễ thì ai chả làm được? Nhưng đã ở cái vị trí ấy, cái vị trí được mệnh danh là "Tư lệnh" ngành thì khó cũng phải làm. Tất nhiên có những cái nó khó do sự ràng buộc của cơ chế, song nếu là Bộ trưởng có bản lĩnh thì phải biết phát hiện và kiến nghị cấp trên tháo gỡ cơ chế, thậm chí kể cả đường lối nếu sai lầm. Nhưng ở đây ông Luận cứ nhắm mắt làm theo, cứ mặc định tất cả đều trên cả tuyệt vời cả rồi...

Hãy xem Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đấy, điều trước tiên là ông ấy giúp Chính Phủ tháo gỡ cơ chế rào cản sự tiến bộ bằng việc tham mưu phá bỏ cái thói Xin - Cho - khâu đột phá của sự trì trệ...

Thứ nữa là đất nước không thiếu người tài, có biết bao ý kiến của các học giả có uy tín về Giáo dục, thậm chí cả người dân cũng có những ý kiến hay...Nhưng Ông Bộ trưởng có chịu nghe đâu? Cứ lấy mình làm trung tâm của chân lý thì thôi rồi...

GDVN) - Dựa trên những việc làm còn chưa được như lời hứa của vị tư lệnh ngành giáo dục, người ta dễ tự vấn: Thời nay, ở Việt Nam làm Bộ trưởng thật khó?




Là tư lệnh của một ngành rất “nóng” – giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được nhân dân kỳ vọng rất nhiều bởi đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu, đất nước không thể phát triển nhanh hơn nếu tất cả không đổi mới mà trước tiên là ngành giáo dục với trách nhiệm chuẩn bị nhân lực cho tương lai, cho đổi mới.
Hàng triệu người dân Việt Nam vẫn khắc cốt ghi tâm lời Bác dạy: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Thế nhưng, học gì thì tốt cho tương lai đang là câu hỏi nhức nhối mà nhiều người đặt ra nhất là khi chương trình, sách giáo khoa cứ thay đổi liên tục đẩy thế hệ tương lai của đất nước vào tình trạng mất phương hướng.

Để rồi mỗi khi có tệ nạn mới phát sinh, người ta lại đổ tội cho giáo dục.

Những "món nợ" chưa biết khi nào được trả

Có nhiều chuyện buồn phải kể về ngành giáo dục trong vài năm trở lại đây và không phải ngẫu nhiên mà 2 năm liền , ông Phạm Vũ Luận có số tín nhiệm cao đều gần áp chót.
Từ ngày nhậm chức đến nay, Bộ trưởng Luận vẫn chưa thể giải được những bài toán khó của ngành giáo dục như đã hứa trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước.

Trước hết là việc hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm áp dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở nước ta.
Thứ hai, tập trung quản lý chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng, sự chuẩn mực về ngôn ngữ và lịch sử.
Thứ ba, tổng kết công tác đào tạo sư phạm và mạng lưới đào tạo ngành sư phạm trong cả nước, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tình trạng thừa giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đổi mới công tác đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc Sở GD-ĐT và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vấn đề này.
Thứ năm, tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm các môn học chính; gắn giáo dục, đào tạo với dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành, các địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của ngành giáo dục.
Cuối cùng, phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng tổ chức việc giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Nhân dân còn muốn nhiều hơn nữa...
Nhiều đại biểu quốc hội còn nghi ngờ
tính khả thi của đề án đổi mới SGK (Ảnh: TTO)
Từ quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học, đến việc Bộ GD&ĐT cắt thi đua khen thưởng của các trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao..., Bộ trưởng Luận khiến nhiều người cười ra nước mắt.
Chưa dừng lại ở đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn thông báo một quyết định của Bộ: "Toàn ngành giáo dục đã quyết định tỉ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp những năm trước". Vừa nghe thông tin này, nhiều đại biểu về dự hội nghị phải bật cười bởi nói như thế là sai luật và đầy mâu thuẫn.

Vụ ‘in nhầm’ quốc kì Trung Quốc lên sách học vần và được sử dụng để dạy học sinh phổ thông có thể được xem là vụ ‘nhầm lẫn’ kinh điển có một không hai từ trước đến nay của ngành giáo dục.

Đáng buồn là người đứng đầu ngành giáo dục lại ‘đá lỗi’ sang cho Luật Xuất bản khi tuyên bố rằng: Không thể kiểm soát nổi các nhà xuất bản sách bởi họ thực hiện đúng theo Luật Xuất bản!

Ngành giáo dục còn khiến các bậc phụ huynh cảm thấy bất an hơn khi liên tiếp lộ diện những cuốn sách in sai, bài toán kiểu đánh đố thiếu thực tế, thiếu nhân văn, thậm chí là ghê rợn. Cụ thể, khi đọc đề bài về tính tuổi mẹ, tuổi con của học sinh tiểu học, hay bài văn 8+ với những lời phân tích "canh gà Thọ Xương" là món ẩm thực, thậm chí đề bài tính trừ bằng cách chặt ngón tay của học sinh có thể ai cũng “sốc”.

Trong khi chế tài quản lý còn lỏng lẻo thì lời khuyên được lãnh đạo ngành giáo dục đưa ra là phụ huynh cần quan tâm con hơn và "phải là người tiêu dùng thông minh". Không chỉ thế, nhiều người còn cho rằng Bộ trưởng Luận đã đá bóng trách nhiệm khi tuyên bố “phụ huynh nên thẩm định kỹ các tài liệu tham khảo trước khi mua”.

Một thực tế khác nữa cũng khiến người ta không khỏi đau lòng khi nhắc tới đó là 72.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm hoặc làm việc không phù hợp với nghề được đào tạo. Thừa nhận yếu kém, Bộ trưởng Luận cho rằng nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến điều kiện bảo đảm chất lượng.

Thế nhưng, bàn về giải pháp, Bộ trưởng cũng chỉ nói chung chung, mang tính sách vở và thực tế đã chứng minh hiệu quả thực sự của những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra nhiều đến đâu.

Nhưng có lẽ đó chưa phải là nguyên nhân chính đặt ông Luận vào tâm bão dư luận. Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã đưa người dân đi hết từ ngỡ ngàng này sang bất ngờ khác với bước thăng trầm "chục ngàn tỷ" của đề án sách giáo khoa.

Trước sức ép từ dư luận, sự phản ứng mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh, tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ 34.000 tỷ đồng đã giảm xuống còn 778,8 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2011, dư luận xôn xao xung quanh dự thảo đề án phiên bản tháng 6/2011 với dự kiến kinh phí 70.000 tỉ đồng để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Khi dư luận dậy sóng phẫn nộ, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn tới các báo để giải thích rằng 70.000 tỉ đồng chỉ là con số “khái toán” trong một bản dự thảo đề án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và đưa ra để lấy ý kiến nhằm bổ sung, điều chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Nhưng có lẽ hàng nghìn tỷ đội nón ra đi theo đề án này không phải là điều đáng lo ngại hơn cả. Nhiều người cho rằng nếu không làm rõ những yếu kém trong đề án mà Bộ trưởng Luận đánh giá là “bình thường” này thì vài năm sau cả đất nước lại sôi lên với câu chuyện đổi mới sách, như những gì đã tồn tại nhiều năm qua trong ngành giáo dục.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên, cách đây gần ba năm, ông Luận cũng từng nói: “Trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường”. Lần ấy có người bảo: Chính Bộ trưởng mới là người không bình thường!

Trở lại với chuyện đổi mới sách giáo khoa, đề án này có liên quan trực tiếp tới tương lai của hàng triệu người dân, cũng là tương lai của dân tộc, ấy thế mà hiện tại người đứng đầu Bộ Giáo dục đào tạo lại chưa đưa ra đủ căn cứ khoa học để thuyết phục người nghe.

Dường như trong tư tưởng đổi mới thì ngay cả người đứng đầu ngành giáo dục vẫn còn có những điều gì đó mơ hồ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải nhấn mạnh rằng, muốn đổi mới giáo dục trước tiên “phải đổi mới từ chính Bộ Giáo dục”.

Có lẽ chính vì vậy mà dù chỉ còn ít ngày nữa Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn không đồng tình với việc Bộ Giáo dục đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Những lời hứa còn "bỏ ngỏ"

Từ 10/12/2013, dạy thêm không phép
bị phạt từ 6 - 12 triệu đồng (Ảnh: TTO)
Năm 2011, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa chặn việc tuyển sinh “tăng nóng”. Năm 2012, Bộ trưởng hứa sẽ thanh tra việc dạy thêm và chấm dứt tình trạng lạm thu. Năm 2013, Bộ trưởng tiếp tục hứa giảm áp lực thi cử cho học sinh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giáo dục, đào tạo.
Đến năm 2014, Bộ trưởng còn hứa nhiều hơn như: Sẽ chấn chỉnh tình trạng đào tạo tràn lan thạc sĩ, tiến sĩ; đổi mới thi tốt nghiệp đậm đặc, nhưng không sốc.

Mới đây, trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng còn hứa với Chủ tịch nước rằng với ý thức đầy đủ về sứ mạng và trách nhiệm của mình, đội ngũ thầy cô giáo cả nước quyết tâm khắc phục những yếu kém bất cập còn tồn tại, phát huy truyền thống và sức mạnh của tập thể để triển khai sáng tạo và hiệu quả chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH TW Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực tế, Bộ trưởng Luận đã thực hiện được những lời hứa đó hay chưa, dân đều biết cả. Người dân sẽ còn phải đợi những lời hứa đó đến bao giờ mới hóa hiện thực? Cứ hứa rồi bỏ ngỏ, lòng tin của người dân với Bộ trưởng cũng sẽ vơi dần đi theo ngày tháng. Đến khi lòng tin đã không còn nữa thì dù có hứa đến bao nhiêu chăng nữa cũng trở nên thừa.

Link tài liệu tham khảo: 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.