3576. Đôi lời về Độc thoại và Phản biện

Đôi lời về Độc thoại và Phản biện
N.N.D/PNTB
Đồng ca.
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Độc thoại, khái niệm mà tôi nêu trong bài viết này, không hẳn là tiếng nói của một người, mà có thể hằng triệu người, nhưng chỉ một giọng, một hướng, chỉ nhìn sự vật dưới một góc độ. Và như vậy thì nhận thức sẽ “chết cứng”, “chân lý” sẽ trở thành bất di bất dịch (trái với biện chứng pháp Marxism)…

"Độc thoại" khác "đồng thuận" ở chỗ: Đồng thuận là nhiều người cùng một ý nhưng hoàn toàn xuất phát từ nhận thức, từ nội tâm của mỗi thành viên, chứ không có yếu tố gán ghép từ bên ngoài. Khi ông bố dùng quyền lực để ép con cái theo ý mình mà bảo, đó là các con tôi nó đồng thuận với tôi thì chỉ là đồng thuận giả.


Độc thoại ít nhất sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến, một xã hội rất hà khắc trong nói, viết. Điển hình là luật lệ húy kỵ. Khi vua đã ban ra luật cấm không được nói đến từ này, chữ nọ vì liên quan đến tên của Vua hoặc dòng tộc nhà Vua, mà ai vô tình hay hữu ý nói/ viết đến thì mắc tội khi quân rất nặng. Khi gặp từ ngữ húy kỵ, người ta phải nói trại đi, ví dụ Hoa thì gọi là Huê, LĩnhLãnh, HoàngHuỳnhĐượcĐặng, ThưThơ… Đó cũng là cách đánh tráo khái niệm để được lòng Hoàng đế.

Một điển hình trong lịch sử nước ta, học tài mà cứ rớt lên rớt xuống, thi cả đời mà không đậu được ông Nghè là Trần Tế Xương (Tú Xương). Trong bài thơ Thi hỏng ông viết: 

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.

Cũng phải thôi, vì đặc trưng của Phong kiến là chế độ Quân chủ: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Quân chủVua làm chủ, đối nghịch với Dân chủ. Khi Vua làm chủ thì đương nhiên mọi thần dân phải răm rắp tuân theo vô điều kiện. Nói nôm na là Vua đã phán thì cấm được trái lời. Tất cả chỉ có một giọng: “Bệ hạ anh minh, sáng suốt”, dẫu đó chỉ là một hôn quân!...

Phản biện thì trái lại với độc thoại. Nó là tiếng nói đối thoại. Theo Nguyễn Hưng Quốc, “Phản biện là dùng lý lẽ để chống lại một cái gì đó. Ở đây có hai điểm: chốnglý lẽ. Như vậy, sự chống đối ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi tư tưởng và học thuật. Nó không có tính bạo động và cũng không nhắm đến bạo động…”. Ông nói rõ: “Nó chống đối một luận điểm bằng cách đề xuất một cách nhìn hay một góc nhìn khác để, thứ nhất, người bị phản biện phải cố gắng chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn nhất, và thứ hai, để mọi người có thể lựa chọn. Như vậy, phản biện được xây dựng trên tinh thần đối thoại, và do đó, có tính tích cực và xây dựng.”

Quả đúng vậy, phản biện sẽ giúp cho tư duy phát triển, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ từ trong nhận thức đến thực tiễn.

Vì thế, những người có quyền lực (như thủ trưởng cơ quan, như ông bố trong nhà, hay một tổ chức chính trị như Chính Phủ...) cần nhận ra rằng, anh nói có thể trái ý tôi, tôi chấp nhận hay không là quyền tôi. Và như vậy, khi anh không chống lại tôi bằng bạo lực, thì tôi không bao giờ chụp mũ cho anh mắc tội này, tội nọ… như kiểu nhà vua quy cho quần thần phạm tội “khi quân”.

Việc không thích hay ghét, thậm chí còn hành xử thô bạo với ý kiến trái chiều và người phản biện là đầu óc hẹp hòi, Phong kiến, là tư tưởng vua quan, thể hiện nhận thức thấp kém trong thế giới hiện đại.

Bản chất của chế độ dân chủ đúng nghĩa là chấp nhận phản biện, thậm chí phải lắng nghe ý kiến trái chiều, có ý thức xem xét lại những quan điểm của mình khi có phản biện để điều chỉnh nhận thức, tiếp cận chân lý.

Đây chính là một trong những nguyên lý biện chứng của Marxism mà các nước phát triển, chủ yếu là chủ nghĩa tư bản đang áp dụng, tạo ra không khí dân chủ thực chất toàn xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.