3503.Chuyện xửa, chuyện xưa

Chuyện xửa, chuyện xưa
26/10/2014 09:30 GMT+7


PV tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 8 - QH khóa XIII,
khi QH lần đầu tiên họp tại Tòa nhà
hiện đại nhất hiện nay. Ảnh TTO
TT - Tôi làm phóng viên nghị trường suốt 15 năm, từ cuối Quốc hội khóa VIII tới các kỳ họp đầu khóa XI. Chừng ấy thời gian đủ để tôi hiểu các hoạt động công khai của Quốc hội.

Chỉ cần nghe tiếng là biết ai phát biểu, ai nói hấp dẫn và nhiều thông tin, ai nói cho có...
Thập niên 1990 là thời điểm đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Trong một tinh thần cởi mở, Quốc hội cho phép nhiều phóng viên đến tham dự các kỳ họp, nếu tôi nhớ không lầm thì có trên cả trăm nhà báo, hầu như báo nào cũng có người của mình.
Trong những kỳ đầu của Quốc hội khóa IX, hội trường Ba Đình cũ được thiết kế tương tự như các nhà hát lớn ở Hà Nội và TP.HCM, chỉ có ghế ngồi, không bàn cho đại biểu.
Hội trường Diên Hồng. nơi đang diễn ra
Kỳ họp thứ 8 - QH khóa XIII. Ảnh: VOV
 
Lúc đó hội trường Ba Đình được bố trí làm bốn phần: phía trước là khách mời danh dự, kế đến là khu vực của đại biểu, báo chí và khách mời quan sát ngồi phía sau, còn khách quốc tế (thường chỉ có mặt buổi khai mạc và bế mạc kỳ họp) ngồi trên lầu lửng.
Tới khi hội trường lắp đặt thêm bàn cho đại biểu thì toàn bộ khu chính của hội trường được dành cho các ông nghị, các thành phần còn lại đều lên tầng lửng ngồi. Đến Quốc hội khóa X, cơ bản là báo chí được đưa ra khỏi hội trường, ngồi xem tivi tại khu nhà kính cách chỗ họp chừng 50m.
Tuy nhiên, dù ngồi ở đâu thì báo chí cũng được dễ dàng tiếp xúc với đại biểu trong thời gian nghỉ giải lao, thậm chí còn được cho phép đến nơi ở của đại biểu.
Trong những năm ấy, việc tham dự các kỳ họp Quốc hội được coi là “bữa tiệc” lớn trong hoạt động của giới báo chí. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các vị bộ trưởng.
Có thể nói, báo chí tới kỳ họp Quốc hội không chỉ nhăm nhăm tường thuật các phiên họp, nơi đấy còn có hàng loạt tác nghiệp bên lề rất quan trọng.
Ký ức của tôi như vẫn còn nguyên vẹn những cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo cấp cao trong khuôn viên hội trường Ba Đình. Như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là tâm điểm “săn lùng” của báo chí. Ông còn là người biết tận dụng báo chí để bày tỏ chính kiến của mình.
Tôi vẫn không quên thỉnh thoảng trên nghị trường rộ lên những tranh luận căng thẳng về một số vấn đề như dự án đường dây 500kV, việc thành lập ủy ban đặc biệt chống tham nhũng, kế hoạch làm đường Hồ Chí Minh...
Trước tình hình ấy, ông Võ Văn Kiệt chủ động gặp báo chí, thẳng thắn đối thoại, gặp phải những câu hỏi thuộc loại “nhạy cảm” ông vẫn nói rõ quan điểm của mình nhưng yêu cầu không nên đăng báo.
Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người có nhiều thiện cảm đối với báo chí. Khi nhận được đề nghị phỏng vấn, nếu chuyện đơn giản ông trả lời ngay, nếu chuyện phức tạp thì ông thường hẹn đến nhà riêng và không bao giờ sai hẹn.
Tôi còn nhớ, thời ông còn là phó thủ tướng, trong giờ giải lao chúng tôi có đề nghị được phỏng vấn, ông nói bận, chiều sẽ gặp lại. Chúng tôi hỏi địa điểm gặp ở đâu, ông nói đại khái là các anh ở TP.HCM ra, không có xe máy, cứ chờ ở nhà khách Chính phủ, hết giờ làm việc ông sẽ đến.
Giữ lời hứa, hôm đó ông leo năm tầng lầu để lên phòng của chúng tôi trả lời phỏng vấn.
Quốc hội với tôi là một quá khứ đong đầy kỷ niệm, là cảm tưởng khó quên về những con người có trách nhiệm với đất nước mà tôi đã gặp. Mong rằng các nhà báo hiện nay có được những cơ hội như chúng tôi từng trải qua.
Lê Thanh Tâm/ TTO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.