3245. Vài mẩu chuyện về “CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT” Ở MIỀN NAM

Vài mẩu chuyện về
“CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT” Ở MIỀN NAM 
Trịnh Kim Thuấn
Hình ảnh triển lãm CCRD
khai mạc ngày 8/9/2014, tại Bảo tàng LSVN
Là người sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ, việc cải cách ruộng đất ở miền Bắc  vào những năm 1953 - 1957, tôi không hề được biết bởi không thấy sách báo nói tới. Mãi 13 năm sau giải phóng (1988), tình cờ đọc hai cuốn tiểu thuyết Ly Thân của Trần Mạnh Hảo và Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương, tôi mới biết thêm phần nào về CCRD. Sau đó trên tờ Lao Động chủ nhật, có bài phỏng vấn nhà thơ Hữu Loan, được biết thêm vợ của ông, nhân vật chính trong bài thơ Màu Tím Hoa Sim, là nạn nhân của cuộc Cải cách ruộng đất thời ấy… Bây giờ thì biết nhiều rồi nhờ có “ônginternet.


Hôm rày có cuộc triển lãm về “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc tại Viện Bảo Tàng Lịch sử Quốc gia – Hà Nội (không hiểu sao lại ghi CCRD 1946 – 1957? Bởi tháng 12/1953 Hồ Chủ tịch mới ký sắc lệnh ban hành Luật CCRD).  Cuộc Triển lãm với mục đích là "Bảo tàng muốn hướng tới là những thành tựu của cuộc cải cách ruộng đất đã mang lại cho nhà nước mới được thành lập, cho người dân Việt Nam nghèo khổ đang từ phận nô lệ mất nước được hưởng thành quả cách mạng đó"Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.

Triển lãm chủ trương mở cửa đến hết ngày 31/12/2014, nhưng đến đầu giờ chiều ngày 12/9/2014 đã thông báo đóng cửa vì lý do “ ÁNH SÁNG”!?

Các báo lề trái, lề phải xôm tụ hẳn lên, nhưng chê nhiều, khen ít. Có người cho rằng không nên khơi lại vết thương chưa lành hẳn, chỉ làm toé máu trở lại. Có mấy bài viết của Trần Mạnh Hảo, Ngô Minh…,  cả 1 đoạn hồi ký của Trần Huy Liệu... Số người chết oan hơi nhiều. Đặc biệt là cái chết tức tưởi của bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, người có nhiều công lao đóng góp của cải cho nhà nước Việt Nam khi mới thành lập năm 1945 và trong thời kỳ kháng Pháp trước đó không lâu.

Xem ra cùng trên mảnh đất hình chữ S, khi còn chia làm hai miền thì  “Cải cách ruộng đất” ở miền Nam khác nhiều. Tôi xin kể lại mấy mẩu chuyện mà mình được trực tiếp chứng kiến.

Ngày  26/3/1970, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, ký Quyết định 3/70 ban hành luật Người cày có ruộng (tương tự Cải cách ruộng đất), lấy ngày 26/3 hàng năm làm Ngày Nông Dân Việt Nam .

Năm sau, ngày 26/3/1971, Lễ Người cày có ruộng được tổ chức tại Sân vận động Long Xuyên – An Giang, tổ chức hoành tráng, có hội chợ, triển lãm và có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến dự. Sau phần khai mạc, Tổng thống Thiệu đến xã Mỹ Thới, xắn quần lội xuống ruộng cấy được mấy bụi lúa thần nông (thời đó lúa thần nông mới khởi đầu, chưa phổ biến rộng rãi). CCRD ở miền Nam không thấy có đấu tố, chết chóc gì.

Chuyện thứ nhất: Về bác Ba Huỳnh (Văn Viết Huỳnh) có bà con họ với Văn Hà Phong, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nguyên Bí thư huyện Phú quốc, là bạn thân với ba tôi. Bác có khoảng 4 mẫu đất giáp ranh nhà tôi, cho 3 người tá điền thuê là anh Sáu Bổn, Chú Bốn Lưỡng, Chú Hai Trẻ (là láng giềng và bà con với gia đình tôi). Ngày ban hành luật Người cày có ruộng, Bác ba Huỳnh đến nhà các tá điền năn nỉ: “Mấy đứa mầy đừng khai đất, đất ruộng nầy tao hứa để mấy đứa làm luôn, không đòi lại, hàng năm chỉ đong lúa ruộng cho tao mà thôi.” Ba người tá điền nầy hiểu lý hiểu tình, nên họ không đi khai để được cấp đất và vẫn đối xử tình nghĩa với ông chủ điền tốt bụng nầy. Cho đến năm 1975, khi có nhà nước mới, chánh sách mới như Cải tạo nông nghiệp thì buộc họ phải đi khai, nhưng khi khai xong, họ lại tìm đến các người con của bác ba Huỳnh (bác Ba đã mất), đong thêm 1 số lúa đáng kể gọi là “Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”

Chuyện thứ nhì: Về ông Tư Bân (Đổ Văn Bân). Ông Tư là cậu ruột của nguyên Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy. Người ta thường gọi ông là Từ Bân, vì tánh ông rất hiền hậu và tốt bụng. Ông ngụ ấp An Mỹ, xã Hoà Bình (Chợ Mới – An Giang). Ông có hàng trăm mẫu đất toạ lạc tại ấp An Quới, An Mỹ, Bình Thạnh 2 thuộc xã Hoà Bình. Số đất nầy do ông bà để lại. Tiếng là chủ điền nhưng ông không khá giả gì. Một cái nhà lá, cột nhà là gáo, tre, nền đất. Ông Tư không có vợ con, sống 1 mình, đạm bạc. Số ruộng cho mướn các tá điền hàng năm ai đong được bao nhiêu thì đong, thất bát quá không đong cũng đặng. Thời ấy làm ruộng lúa mùa, nông dân thu nhập thấp, mỗi sào ruộng (1.000 m2) trúng mùa thì được trên 10 giạ, trung bình thì  7 - 8 giạ, có năm thời tiết không thuận lợi mất trắng. Luật Người cày có ruộng, các tá điền có người khai đất, có người không, khi chuyển qua làm lúa thần nông ( 2 vụ), có người đã khai đất rồi mà hàng năm vẫn đong lúa ruộng cho ông Tư. Con cháu thấy, nếu ông Tư đi khai để nhận tiền của Chính phủ thì được một số tiền lớn nên đến khuyên nhủ và thuyết phục ông, nhưng ông cương quyết không khai và răn đe: “Thằng nào đi khai lén là chết với ông đấy !”. Con cháu tiếc hùi hụi…

Có ít người tốt bụng trả lại vô điều kiện cho ông Tư ít đất.

Đến  30/4/1975, hết giặc giã, chiến tranh, có anh Năm Giàu ( Bùi Tấn Giàu), nghỉ lính, gọi ông Tư bằng cậu ruột, về sống chung lập gia đình  và phụng dưỡng ông Tư hết đời.  Năm Giàu tham gia cách mạng với tên Bùi Như Sang, nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư đảng uỷ xã Hoà Bình.

Như thế việc Cải cách ruộng đất ở miền Nam, thường gọi là Cải cách điền địa tiến hành suôn sẽ, không có lập toà án xử tội các chủ điền, tình cảm giữa chủ điền và tá điền vẫn êm ấm… Tất nhiên, cá biệt cũng có số chủ điền tức và oán giận, nhưng là oán giận Tổng thống Thiệu, người ban hành luật Người cày có ruộng, chớ không trách chi mấy người thuê đất. Các quan chức thời ấy không chấm mút được chi, vì đất người nào canh tác  thì cấp ngay cho người đó, có thể kiếm được chút tiền cà phê, cà pháo nhờ làm thủ tục trả tiền đất cho các chủ điền (chính phủ mua lại đất), nhưng chẳng đáng gì. Công việc đồng áng vẫn tiếp tục bình thường, có người cho là khởi sắc hơn…

Chuyện đặc biệt: Tôi là cảnh sát viên thuộc Bộ Chỉ huy CSQG quận Chợ Mới – An Giang.  Ngày 03/10/1971 được phân công đi gác một phòng phiếu vào ngày bầu cử Tổng thống.  Toàn dân đi bầu ông Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương. Báo chí đối lập thời ấy công kích rất nhiều về cuộc bầu cử nầy, họ gọi là “Màn Độc Diễn”, trong đó có báo Con Ong ( nghe nói là của ông Nguyễn Cao Kỳ ) chỉ trích kịch liệt.

Cuối ngày, hết giờ bỏ phiếu là đến lúc kiểm phiếu. Tuy là nhân viên gác cửa phòng phiếu nhưng vẫn là thành viên của phòng phiếu. Khi kiểm phiếu, số cử tri đi bầu là 90%, có 6 phiếu không hợp lệ là trong lá phiếu, hình ứng cử viên Nguyễn Văn Thiệu bị chọc thủng hai con mắt. Ông Trưởng phòng phiếu ghi biên bản đưa ý kiến: Cứ ghi tỉ lệ cử tri đi bầu là 100%, các phiếu bầu đều hợp lệ… Tất cả đều đồng ý (vì có ghi đúng hay sai thì ông Thiệu, ông Hương vẫn đắc cử), nếu ghi các phiếu không hợp lệ thì phải niêm phong gởi lên trên, không chừng ngành an ninh mời từng thành viên của phòng phiếu hôm ấy đến hỏi thăm…

Tất cả ký tên xong, có người nêu ý kiến: Vậy ai là người chọc thủng mắt ông Thiệu?  Một thầy giáo già (thành viên) giải đáp: Còn ai vào đây nữa, chắc lại anh điền chủ nào đấy, trong đợt Người cày có ruộng bị mất đất, nên sẳn dịp trút giận đó thôi.

Chuyện đã lâu, thấm thoát 43 năm trôi qua, sau 30/4/1975 nhân dân miền Nam lại được “cải cách ruộng đất” nữa, nhưng tên gọi lại khác đi, như Điều hoà ruộng đất, Cải tạo nông nghiệp. 

Còn bây giờ thì quy hoạch sân gôn, đô thị sinh thái, công viên vĩnh hằng (nghĩa địa cho giới giàu)… Đời sống lại xáo trộn mà hậu quả khôn lường. Đó là những người dân oan đi khiếu kiện ở tận Hà Nội hay Văn phòng 2 ở TP.Hồ Chí Minh… Được biết, trong Cuộc Triển lãm CCRD hôm rồi có người “phỏng vấn” một ông trong Ban Tổ chức rằng, “Thưa ông, liệu nước ta hiện nay có cần một cuộc CCRD nữa không, khi mà nhiều dân oan đang phải đi khiếu kiện đòi đất từ tay nhà giàu?”…


14/9/2014 TRỊNH KIM THUẤN
Bài tác giả gửi PNTB.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.