3332. Quyền im lặng

Quyền im lặng

Vũ Hữu Sự/NNVN
Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng)
là một trong nhiều nạn nhân bị
dùng nhục hình ép cung.

Phiên họp thứ 31 của UBTVQH đã đặt lên bàn nghị sự một vấn đề rất quan trọng trong hoạt động tố tụng: Các nghi can bị bắt có được quyền im lặng để chờ luật sư của mình có mặt hay không?

Về vấn đề này, có hai luồng ý kiến. Một cho rằng đó là cách tốt nhất để chống việc dùng nhục hình để mớm cung, bức cung, mà nhà nước ta vừa ký “Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” vào ngày 7/11/2013. Phía khác lại cho rằng nếu đưa quyền đó vào Luật, sẽ gây cản trở cho công tác điều tra, phá án của cơ quan điều tra.


Trước hết, phải xác định rằng im lặng là một quyền mà tạo hóa ban cho con người, khi họ là chủ cái miệng của mình. Rồi sau đó hãy bàn đến việc đưa vào luật chuyện họ có được quyền im lặng hay không.

Nếu luật quy định rằng nghi can không được quyền im lặng, nhưng họ cứ im lặng, thì sao? Nhất là khi theo Bộ luật Tố tụng Hình sự của ta hiện nay, thì nghi can không nhất thiết phải chứng minh rằng mình vô tội, mà quyền đó là của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy thì sự im lặng của nghi can có phải là một hình thức để thực hiện quyền “không nhất thiết phải chứng minh sự vô tội của mình” không?

TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử 4 bị cáo nguyên là Công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) với tội danh bị truy tố là “Giết người” trong một buổi hỏi cung nghi can.

Trước đó, TAND TP Phú Yên (tỉnh Phú Yên) cũng đã đưa 5 bị cáo nguyên là Công an TP Phú Yên ra xét xử, với tội danh bị truy tố “Dùng nhục hình”, hậu quả là nghi can Nguyễn Thanh Kiều bị chết. Rồi vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang gây chấn động xã hội; tiếp nữa, vụ “7 ông Chấn ở Sóc Trăng”, trong đó có một “ông Chấn” là Thạch Sô Phách lên tiếng tố cáo rằng mình bị ĐTV treo hai tay lên để đấm đá, dùng nước đá ướp vào bộ phận sinh dục… tiếp tục gây sóng gió trong dư luận.
 
Những vụ án đó phơi bày một thực trạng: Việc dùng nhục hình để mớm cung, bức cung trong không ít cơ quan điều tra của ta hiện nay là có thật. Những vụ việc bị phát hiện như trên chỉ là một phần. Việc dùng nhục hình có 2 nguyên nhân.

Thứ nhất là quan điểm: “Đã bị bắt là có tội” của không ít ĐTV. Và thứ hai là sợ nếu bắt oan thì phải bồi thường theo luật, bị kỷ luật, ảnh hưởng đến đường tiến thân. Chính vì vậy mà người ta đã dùng mọi cách, kể cả nhục hình, để “nặn” kỳ ra tội cho nghi can.

Hầu hết các bị cáo, khi ra tòa, nếu có tố cáo việc mình bị dùng nhục hình để mớm cung, ép cung… thì sau đó, đều không thể trả lời được câu hỏi của hội đồng xét xử: “Có chứng cứ gì về việc bị dùng nhục hình không?”.

Trong phòng hỏi cung kín mít, chỉ có nghi can và ĐTV. Nếu có bị dùng nhục hình, thì làm sao nghi can đưa ra được chứng cứ? Còn luật sư, thì chỉ được tiếp cận với hồ sơ vụ án khi cơ quan điều tra đã hoàn chỉnh, nên cũng bất lực, không thể chứng minh được rằng thân chủ của mình bị dùng nhục hình để mớm cung, bức cung.

Chính vì vậy mà quyền được im lặng để chờ luật sư của mình xuất hiện, không chỉ là yêu cầu chính đáng, mà còn là một đòi hỏi cấp bách, cần phải được đưa ngay vào luật. Khi mới bắt nghi can, cơ quan điều tra phải giải thích và tạo mọi điều kiện để nghi can mời luật sư. Và chỉ khi có sự hiện diện của luật sư, ĐTV mới được hỏi cung. Việc đó chẳng ảnh hưởng gì đến quá trình phá án cả. Phá án nhanh như vụ “7 ông Chấn ở Sóc Trăng”, thì hậu quả thế nào, hẳn ai cũng rõ.

Chỉ có làm thế, việc dùng nhục hình để mớm cung, bức cung, mới hoàn toàn chấm dứt.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.