3260. Sai lầm chết người trong công tác tư tưởng?

Sai lầm chết người trong công tác tư tưởng?
Ngọc Dương/ PNTB



Công tác tư tưởng của Đảng hiện nay có cả một hệ thống hoành tráng, bao gồm Tuyên giáo, Văn hóa, Giáo dục, Thông tin truyền thông, Báo, Đài, Đoàn thể chính trị… Chức năng, nhiệm vụ của nó là thông tin đến công chúng những vấn đề về quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng – Nhà nước và thực tiễn cuộc sống nhằm giúp cho công chúng (nhân dân) hiểu, nâng cao nhận thức và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng, Nhà nước với dân gần nhau hơn. Để làm được điều đó thì Công tác tư tưởng phải thuyết phục (đúng hơn là thu phục) lòng người. Mọi sự áp đặt đều mang lại tác dụng ngược!

Vừa qua, không biết chủ trương từ đâu, một cuộc Triển lãm về Cải cách ruộng đất (CCRĐ) lần đầu tiên được mở ra sau 60 năm của sự kiện. Nhưng rồi lại vội vã đóng cửa với lý do “sự cố ánh sáng”(!?). Có lẽ vì thấy “lợi bất cập hại”, như nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước bình luận. Mình không phân tích những khía cạnh bất lợi trong cuộc triển lãm này như nhiều người đã nói. Cái mà mình quan tâm là bài học rút ra từ những sai lầm trong Công tác tư tưởng nhiều năm qua.

Công tác tư tưởng muốn có sức thuyết phục và bền vững thì không nên che giấu sự thật. Chỉ có sự thật, dù đó là sự thật đắng lòng vẫn có giá trị hơn mọi sự giả dối ngọt ngào. Lấy một ví dụ: Có hai người yêu nhau, ngay từ đầu người nam (hay nữ) dũng cảm, trung thực nói hết những gì là “nhạy cảm” của mình trước đó, ví dụ anh /em đã từng yêu, từng quan hệ với người này, người kia, nhưng không hợp, nay nếu em /anh chấp nhận được thì tình yêu chúng ta tiếp tục, nếu em /anh ghen, không chấp nhận được thì đành thôi... Sự chia sẻ thật thà ấy thường được “đối phương” chấp nhận, bỏ qua quá khứ, hướng đến hiện tại và tương lai để xây dựng hạnh phúc trên cơ sở tin tưởng vào sự trung thực của người yêu. Ngược lại cứ giấu diếm đến một ngày nào đó, sau 3 năm, 5 năm… mới lòi cái đuôi “củ cà rốt” thì lòng tin ở “đối phương” không còn, (vì vợ /chồng đã phát hiện ra sự giả dối trong bản chất con người mà mình đã trót yêu). Nguy cơ sẽ dẫn đến tan vỡ.

Cuộc CCRĐ của chúng ta ngay sau khi nhận ra sai lầm đã sửa sai, nhưng tiếc thay lại bị cấm đoán, không cho bất kỳ một nhà báo, nhà văn, nhà thơ nào được mở miệng. Đó là một vùng cấm kỵ tuyệt đối, khiến trong lòng nhiều người hậm hực mà đành câm nín. Sự cấm đoán ấy có tác dụng làm cho những thế hệ sinh sau đẻ muộn hầu như chưa biết tới hoặc có chăng chỉ lơ mơ, lờ mờ. Nhưng người Việt Nam có câu: “Cái kim bọc giẻ có ngày tòi ra”. Lịch sử không thể bưng bít. Đặc biệt, hiện nay chúng ta biết rất rõ, với thành tựu của kỹ nghệ internet, thế giới trở thành “phẳng” thì càng không thể giấu được điều gì. Càng giấu, càng mất lòng tin!

Một tác phẩm hay, nhưng nếu có yếu tố “nhạy cảm”, không được nhà xuất bản nào trong nước chấp nhận thì nó lập tức được bất kỳ nhà xuất bản nào trên thế giới ấn hành và đương nhiên, ai muốn vẫn có thể đọc. Vì sự cấm đoán, sự tẩy chay của các nhà xuất bản trong nước đã mặc nhiên PR tác phẩm ấy, tạo ra cho nó trở thành “của hiếm” nên lại càng kích thích cho nhiều người đọc hơn.

Đã hơn nửa thế kỷ, có lẽ Ban tổ chức triển lãm CCRĐ ngỡ rằng có thể từng bước hé mở những bí mật của CCRĐ để hy vọng nhân dân có thể cảm thông! Nhưng không, triển lãm vừa mở ra, mặc dù chỉ nói được một phần không cơ bản thì nó như một ngòi nổ châm vào quả “bom tấn” thông tin, khiến cả “lề trái”, “lề phải” bùng nổ. Ngoài những tư liệu được chọn lọc đưa ra triển lãm thì nhân đà này chỉ trong vài ngày đã có hàng trăm, hàng ngàn thông tin về CCRĐ được chuyển tải trong hệ thống mạng xã hội mà không một sức mạnh nào có thể bịt lại được! Vì thế có nhiều người cho rằng “lợi bất cập hại”.

Điều này có nguyên nhân chính là từ sự bưng bít đã quá lâu. Nếu sự thật của CCRĐ công khai ngay từ đầu thì sau 60 năm, nay có lẽ cũng đã “nhạt” rồi. Cái gì nói mãi rồi cũng phải nhạt. Hơn nữa, sau khi nhận ra sai lầm, Đảng sửa sai đến nơi đến chốn đi..., rồi từ bài học sai lầm ấy rút kinh nghiệm nghiêm túc, đưa đất nước tiến lên... thì tin rằng nhân dân ta không bao giờ cố chấp. 

Như vậy thông tin CCRĐ trong những ngày vừa qua bung lên mạnh mẽ thì không phải do bản thân cuộc triển lãm gây ra. Nguyên nhân sâu xa của sự bung ra thành vấn đề lớn là bởi sự kìm nén lâu ngày, triển lãm chỉ là cái ngòi. Chúng ta cố bưng bít sự thật nhưng sẽ không làm được. Càng bưng chặt, khi nó bung ra lại càng mạnh, như nước vỡ bờ.

Không riêng gì sự kiện CCRĐ, có lẽ còn nhiều vấn đề khác, với tư duy siêu hình, xơ cứng, chúng ta đã cố gắng che chắn con mắt của quần chúng, khi quần chúng phát hiện được thì khiến người ta …vỡ mộng!

Đó chính là hậu quả của sai lầm chết người trong Công tác tư tưởng?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.