3220. Thêm "ông lớn" xuất gạo:Nhân đôi độc quyền, gạo Việt "thua đau"?

Thêm "ông lớn" xuất gạo:Nhân đôi độc quyền, gạo Việt "thua đau"?
Nông dân bán thóc tươi ngay tại ruộng

PNTB: Mấy cái "ông lớn" (hay là cậu giời) Vina phút phụt...gì đấy từ nhiều năm nay rồi, mình thấy người nông dân VN kêu oai oái bởi những ông lớn này được cầm "thẻ bài" độc quyền, quyền sinh quyền sát việc xuất khẩu và giá cả hạt lúa, đồng nghĩa với quyền sinh quyền sát đời sống của người nông dân!  
Nhưng quá lạ khi Bộ Công thương càng ngày càng như không nghe thấy gì, không hề động lòng trước những người đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm ra hạt lúa? Đó là điều rất khả nghi về nhóm lợi ích, trong đó có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước...? Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công Thương phải chịu trách nhiệm trước QH về việc này!

(Thị trường) - TCty lương thực chẳng biết mặt mũi hạt thóc thế nào, chỉ có nông dân là người cuối cùng chịu giá thấp nhất và phải gánh hàng chục khâu trung gian.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định như vậy.

Thế độc tôn của người được quyền xuất khẩu

Bộ Công thương vừa đề xuất xem xét, bổ sung Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cùng Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia. Đây là một giải pháp an toàn của Bộ khi vẫn chọn người của nhà nước trong khi lẽ ra phải rà soát, đánh giá tất cả các doanh nghệp xuất khẩu gạo mà Bộ đã cấp phép từ trước đến giờ để chọn ra doanh nghiệp nào có tiềm lực, có khả năng tham gia cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Dù thành tích của hai tổng công ty có nhiều nhưng khiếm khuyết cơ bản từ xưa đến nay thì vẫn thế. Họ chỉ là những công ty nhà nước được độc quyền, chỉ bảo đảm phần lợi ích của họ chứ không quan tâm đầy đủ đến lợi ích của các doanh nghiệp khác, nhất là người trồng lúa.

Bản thân Vinafood 2 không phải là nhà kinh doanh đúng nghĩa, mà là doanh nghiệp nhà nước được nhận nhiệm vụ xuất khẩu gạo mà thôi. Họ lợi dụng vị thế độc tôn, độc quyền bỏ giá thấp để trúng thầu, thiệt hại của Vinafood 2 không đáng kể vì họ đã đẩy những thiệt hại đó sang các khâu khác. Vinafood 1 cũng chẳng khác gì Vinafood 2, đó là hai anh em sinh đôi.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam
PGS.TS Nguyễn Văn Nam

Ở Việt Nam, quyền được xuất khẩu gạo đóng vai trò quan trọng nhất. Từ xưa đến nay chỉ có hai tổng công ty được quyền xuất khẩu gạo. Mãi đến khoảng năm 2001 nhà nước mới cho vài doanh nghiệp tư nhân được quyền này. Giữa quãng thời gian đó, nhà nước mở quyền cho một số doanh nghiệp nhà nước của địa phương, những tỉnh có làm ra lúa nhiều như An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp... Sau đó do quản lý yếu kém nên để nở rộ hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tất cả thi nhau bán gạo giá thấp ra thế giới. Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo (số 109/2010/NĐ-CP) ra đời đặt điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhằm hạn chế số lượng doanh nghiệp này.

Chính lỗi quản lý đã tạo ra một vị thế rất lớn cho những doanh nghiệp được quyền xuất khẩu gạo. Cần nói thêm rằng có một lượng gạo lớn của Việt Nam xuất theo hợp đồng chính phủ, nay gọi là hợp đồng tập trung. Vì hợp đồng này, nhiều doanh nghiệp nhảy vào cạnh tranh, đua nhau hạ giá. Thị trường này không phải là thị trường hoàn hảo, nó có phần nào tạo vị thế độc quyền cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khi chỉ có VFA được đàm phán những hợp đồng này.

Để có được những hợp đồng lớn, Vinafood 2 đã hạ giá để thắng thầu, như thế không phải là cạnh tranh đúng nghĩa. Có được hợp đồng, doanh nghiệp đầu mối bắt đầu tổ chức thu mua. Nhưng họ không tự làm việc ấy mà đó là việc của các doanh nghiệp chế biến. Chính các doanh nghiệp chế biến cũng phải 'chạy' để lấy được đơn hàng này. Họ cần thóc nguyên liệu nên có một đội ngũ đi thu mua ở chợ gạo các tỉnh. Ở đây, có những doanh nhân làm ăn nhỏ, chỉ vài ngàn tấn mà thôi. Họ nhập thóc, sấy khô, bóc ra gạo nguyên liệu. Nhưng các doanh nhân này cũng chẳng phải đi mua thóc bởi đã có một đội ngũ hàng xay, hàng xáo dùng thuyền ba lá, đến mùa gặt là lồng vào các cánh đồng, nông dân gặt xong, tuốt thóc tươi bán ngay tại ruộng.

Như vậy, Tổng công ty lương thực chẳng biết mặt mũi hạt thóc thế nào, họ chỉ biết hạt gạo trên giấy và ăn lãi trên giấy mà thôi. Qua mỗi khâu ở trên lại có khấu trừ giá dẫn đến tình trạng nông dân là người cuối cùng chịu giá thấp nhất và phải gánh trên đó hàng chục khâu trung gian. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp được quyền xuất khẩu gạo có một vị thế đặc biệt, được quyền ngã giá, định đoạt chuỗi giá trị ấy.

Ở Việt Nam còn có chuyện doanh nghiệp được quyền xuất khẩu gạo kia đến mùa lại báo cáo thóc ứ đọng nhiều, giá thấp, xin Chính phủ hỗ trợ lãi suất. Người được hưởng hỗ trợ lãi suất ấy không phải tiểu thương, hàng xay, hàng xáo mà là doanh nghiệp xuất khẩu đầu mối cùng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo địa phương, còn người nông dân được hưởng rất ít. Có chăng là nhờ hỗ trợ ấy các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa gạo và giá có nhích lên vài đồng.

Thêm Vinafood 1 xuất khẩu gạo: Nông dân thêm... "chết"?

Sàn giao dịch không dành cho nông dân

Để có những doanh nghiệp thực sự kinh doanh trên thị trường cạnh tranh điều này nằm trong tầm tay của nhà nước. Nhà nước không phải ưu đãi bao cấp cho hai tổng công ty lương thực mà là ưu đãi doanh nghiệp nào làm ăn tốt nhất, cạnh tranh tốt nhất, bất kể doanh nghiệp đó là nhà nước hay tư nhân, để họ có vị thế trên thị trường.

Cứ được ưu đãi nên hai ông lớn kia chẳng kinh doanh, cạnh tranh gì. Ưu đãi ở đây có lại quả, kiếm chác, những quan chức phụ trách cũng được hưởng lợi từ hai tổng công ty chứ không riêng gì các doanh nghiệp này. Nếu không gạt bỏ các doanh nghiệp không kinh doanh đúng nghĩa thì thị trường cạnh tranh chỉ là nói đầu lưỡi thôi mà thôi bởi ai dám cạnh tranh với các ông lớn ấy?

Nông dân bán thóc tươi ngay tại ruộng
Nông dân bán thóc tươi ngay tại ruộng

Một ý tưởng đã có từ lâu là lập sàn giao dịch xuất nhập khẩu để nông dân bán được gạo đúng giá thị trường. Tuy nhiên, ý tưởng này không thành công bởi một trong những lý do là bản thân người nông dân Việt Nam là nông dân nhỏ lẻ, giỏi lắm có vài tấn thóc. Chẳng lẽ lại đưa lên sàn vài tấn thóc ấy? Họ không có năng lực kinh tế, không có năng lực về pháp chế, luật pháp.

Nông nghiệp Việt Nam không như Thái Lan. Ở Thái Lan, một nông dân có 40-50 ha đất nên họ có vị thế chứ không như nông dân Việt chỉ có mấy công đất. Dù vừa rồi cũng có những nông dân có 5-7ha, thậm chí 10 ha nhưng con số đó không nhiều. Thế nên sàn giao dịch chỉ dành cho những nhà kinh doanh gạo có đủ tiềm lực kinh tế, phải có lượng gạo ít nhất là hàng nghìn, hàng chục nghìn tấn. Họ có năng lực về chuyên môn kinh doanh, có năng lực pháp lý, biết luật lệ kinh doanh thế nào. Vì vậy, việc lập sàn giao dịch của Việt Nam chỉ nói nhưng không làm được.

Hiện nay có những giải pháp có thể làm được để người nông dân đỡ thiệt.

Một là, nông dân phải liên kết lại như dạng cánh đồng lớn, ruộng của nhiều người nhưng có một người quản lý, chỉ đạo sản xuất, nâng cao chất lượng rồi đại diện mua bán chứ không phải từng người nông dân đưa sản phẩm ra mua bán nữa. Cánh đồng lớn ấy phải đi liền với quản lý kinh doanh lớn, chứ ruộng ai nhà ấy làm rồi gạo thóc nhà ai người ấy bán thì vô nghĩa. Đây là hình thức Việt Nam đang làm nhưng người quản lý phải thực sự đại diện cho nông dân góp ruộng vào đấy.

Thứ hai, doanh nghiệp kinh doanh và chế biến gạo cấp địa phương liên doanh, liên kết với hộ nông dân tạo thành liên hiệp, liên doanh. Doanh nghiệp này hỗ trợ cho nông dân về vốn, về giống và tiêu thụ sản phẩm nhưng hai bên làm hợp đồng cam kết chặt chẽ. Trước đây có tình trạng hai bên có hợp đồng nhưng không chặt chẽ, bên nào cũng sẵn sàng phá hợp đồng, nông dân khi thấy giá thị trường cao hơn thì phá hợp đồng, còn doanh nghiệp khi làm ăn khó khăn cũng lờ đi cũng chẳng mua sản phẩm của nông dân. Tuy nhiên, theo thực tế, hình thức này cũng chỉ có vài quy mô ở cấp huyện chứ chưa có ở cấp tỉnh.

Thứ ba, hình thức này bên Thái Lan đã làm, đó là chợ gạo. Nhà nước lập một trung tâm, trong đó có những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho, phơi, sấy, quạt, làm sạch, bảo quản thóc, và quan trọng là có ngân hàng. Đến mùa thóc gạo khó bán, giá bấp bênh, nông dân gặt xong là chở thóc đến chợ gạo ấy. Doanh nghiệp kinh doanh kho gạo sẽ làm sạch, phơi, sấy rồi phân loại. Hai bên xác nhận với nhau số gạo ấy sau đó ký gửi vào kho. Nông dân có giấy làm thế chấp sang vay ngân hàng để có tiền sản xuất kinh doanh tiếp chứ không phải chờ bán được hàng. Khi giá thị trường lên, nông dân thương lượng với doanh nghiệp quản lý kho để bán. Sau khi làm thủ tục bán, nông dân sang ngân hàng trả tiền luôn. Đây là hình thức mà Thái Lan đã làm rất tốt, nông dân có lợi và không bị bán tống bán tháo lúa gạo khi vào vụ gặp giá rẻ.

Tại Việt Nam, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vào năm 1996 đã rất tán thành mô hình này và đề nghị triển khai. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên ý định này không thành.

Thành Luân (ghi)
NguồnĐất Việt

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.