3152. Suy nghĩ về Hệ thống chính trị ở Việt Nam

Suy nghĩ về Hệ thống chính trị ở Việt Nam
 N.N.D / PNTB 

                                                        
Theo K. Marx, hệ thống chính trị là thành tố quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng. Nếu nó tiến bộ, nó sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội và ngược lại, nếu lạc hậu, bảo thủ, nó sẽ kìm hãm lịch sử của một quốc gia – dân tộc.

Kể từ sau cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam xuất hiện một hệ thống chính trị mới: Nhà nước kiểu mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mô hình chính trị được hình thành 3 bộ phận cấu thành bao gồm (1) Đảng cộng sản, (2) Nhà nước dân chủ nhân dân, sau đổi tên là nhà nước xã hội chủ nghĩa, (3) Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.


Ba bộ phận này có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu: nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội (ngoại trừ thời kỳ có chiến tranh với một mục tiêu khác). Sau năm 1975, Đảng cộng sản Viêt Nam xác định bước vào thời kỳ thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng kể từ 1991, thành trì của Chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ thì ít nhắc đến khái niệm này. Nghị quyết của Đảng đưa ra mô hình cụ thể, dường như thay cho khái niệm xã hội chủ nghĩa, được hoàn chỉnh đến ĐH XI là mục tiêu xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là một ý tưởng tốt, một mục tiêu đáp ứng lòng mong mỏi của mỗi người dân Việt Nam, sau nhiều năm hy sinh núi xương, sông máu bởi hai cuộc chiến tranh lớn: Kháng Pháp và kháng Mỹ.

Theo quan điểm của Đảng thì, chức năng, nhiệm vụ của ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị được xác định: Đảng có chức năng Lãnh đạo, Nhà nước có nhiệm vụ Quản lý, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng đại diện cho quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. (Thường nói gọn là Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ). Về lý thuyết như thế là rất ưu việt, bởi bản chất của chế độ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng là chế độ Dân chủ. Người nói: “nước ta là nước dân chủ” và Người đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cũng theo quan điểm của Đảng, Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, nghị quyết trên cơ sở tổng kết thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh đường lối chiến lược, chủ trương, nghị quyết cho phù hợp thực tiễn, phù hợp lòng dân... Đảng lãnh đạo, thu phục quần chúng nhân dân bằng sự nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên. Đảng không được giẫm chân/ lấn sân nhà nước, làm thay nhà nước, cũng như không áp đặt, làm mất dân chủ đối với các tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân...

Nhà nước quản lý (bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp), theo chức năng của từng bộ phận, trên cơ sở quản lý bằng Pháp luật, thượng tôn pháp luật, phấn đấu trở thành một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Nhân dân làm chủ mà đại diện trực tiếp là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân như Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Văn học nghệ thuật, Hội nhà báo, Liên đoàn luật gia, Các hội Khoa học kỹ thuật... là những tổ chức đại diện cho các tầng lớp, các giới, các nhóm xã hội nghề nghiệp của nhân dân. Các tổ chức này có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi chính đáng của hội viên, đoàn viên, phát huy tính sáng tạo của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Hơn 20 năm trước, trong một Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương (NQ TW8B khóa VII?) về công tác Dân vận, Đảng đã nhận thấy “những thiếu sót, khuyết điểm”: nhiều cấp ủy “lấn sân” Nhà nước. Mặt trận và các đoàn thể thì có xu hướng “hành chính hóa”. Về Nhà nước thì, hệ thống pháp luật luôn vừa thiếu, vừa chồng chéo, các văn bản pháp quy nhiều khi mâu thuẫn nhau, khó thực hiện... Hơn nữa lại xuất hiện những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, một bộ phận cán bộ tự biến mình thành những ông quan tham nhũng, đi ngược lại quyền lợi của dân và quan điểm của Đảng.

Trong quá trình đổi mới (để cứu đất nước, với quan điểm “đổi mới hay là chết”), đảng đã quyết tâm đổi mới một số quan điểm về kinh tế mà trước đó nếu ai táo bạo đưa ra thì có thể bị quy chụp là phản động như: Khoán hộ trong nông nghiệp, như áp dụng kinh tế thị trường, vốn cho là sản phẩm riêng có của Chủ nghĩa Tư bản, đối lập với chế độ Xã hội chủ nghĩa (điều này rất căng thẳng. Không biết có phải vậy mà phải gắn thêm: ...theo định hướng xã hội chủ nghĩa – có lẽ để những người bảo thủ dễ chấp nhận?), rồi vấn đề đa dạng hóa các thành phần kinh tế, rồi đảng viên có được làm kinh tế hay không? v.v... Rốt cục, chúng ta đều thấy, mới có một số quan điểm được thay đổi trong kinh tế mà đã làm cho đất nước chuyển biến tích cực, ấn tượng nhất là từ chỗ cả đất nước không đủ lương thực để ăn, đến chỗ thừa lúa xuất khẩu đứng thứ ba thế giới!...

Trong quá trình đổi mới, hình như đã có quan điểm đưa ra cần đổi mới toàn diện (từ kinh tế đến chính trị, nói rộng hơn là từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng). Như vậy mới phù hợp quan điểm triết học Marx – Lenin về lý luận Hình thái kinh tế - xã hội mà bất kỳ một đảng viên nào được học sơ cấp chính trị cũng đều biết cả.

Thế nhưng cho đến nay, người dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức và rất nhiều đảng viên có tâm huyết với đất nước thấy rằng, đã mấy chục năm đổi mới, tuy kinh tế có mạnh dạn đổi một bước, nhưng chính trị thì không. Chúng ta “kiên định” chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng hạt nhân cơ bản của nó là Phép Biện chứng duy vật thì có nhiều điều lại có vẻ như áp dụng ngược! Phép biện chứng của Marxism chỉ ra không có gì là tuyệt đối, bất biến, mọi cái đều phải thay đổi theo thực tiễn cuộc sống. Một khi cứ quyết giữ lấy những quan điểm đã lỗi thời mà thực tiễn đã chứng minh không còn tác dụng, nghĩa là cuộc sống tự nó đã bác bỏ lý thuyết không phù hợp, nếu con người không kịp thời điều chỉnh lý thuyết thì sẽ lúng túng trước thực tiễn... Trong khi một số đổi mới trong kinh tế đã chứng minh nhận thức đúng Phép biện chứng thì những biểu hiện bảo thủ đã nói lên điều trái với phương pháp luận này, hay nói cách khác, trái với cốt lõi (linh hồn) của chủ nghĩa Marx - Lenin. Đó phải chăng là sự thiếu nhất quán trong nhận thức? Marx đã từng tuyên bố: chủ nghĩa của các ông không phải là những công thức bất biến, nó chỉ là phương pháp luận, phương pháp nhận thức một cách khoa học để điều chỉnh theo thế giới quan duy vật, rằng, tuyệt đối không được áp đặt ý chí con người (cá nhân hay tổ chức) cho thực tiễn, mà ngược lại, phải lấy thực tiễn làm thước đo chân lý.


Thực tiễn của đất nước ngày nay không thể tách khỏi thực tiễn của cả thế giới loài người. Không một dân tộc nào có thể tồn tại trong sự cô lập, thiếu liên kết với các quốc gia – dân tộc khác. Và, không một quốc gia – dân tộc nào có thể đi ngược với trào lưu của thế giới loài người tiến bộ. Khi xu hướng của nhân loại đi xuôi mà ai đó cứ cố đi ngược thì chỉ chuốc lấy thất bại. Những thất bại trong thực tiễn của bất kỳ quốc gia nào đều chỉ rõ nguyên nhân của nó là do chủ quan, duy ý chí, bảo thủ của giới lãnh đạo. Những anh lạc hậu thường bảo thủ, bao biện, cản trở sự tiến bộ...Đó chính là sản phẩm của chủ nghĩa Duy tâm – là tư tưởng đối lập với Chủ nghĩa duy vật biện chứng của K.Marx.

Trung thành với chủ nghĩa Marx – Lenin không có nghĩa là bám vào những ý tưởng cụ thể của các ông với mô hình nào đó cách nay đã hằng trăm năm, mà phải sử dụng cái hạt nhân biện chứng, phương pháp luận của nó như chính Marx đã lưu ý trên đây. Hơn nữa, bản thân chủ chủ nghĩa Marx, theo nhận thức luận của chính nó, xét cho cùng cũng không phải là tột đỉnh của nhận thức. Marx-Enggel từng chế diễu Hegel rằng, ông bảo ông tìm ra chân lý tuyệt đối  thì loài người chả còn việc gì phải làm, cứ việc khoanh tay ngắm cái chân lý tuyệt đối mà ông vừa tìm ra! ... Từ một nhà biện chứng, Hegel trở thành siêu hình khi ông tự nhận triết học của mình là đỉnh cao nhất của tư tưởng nhân loại. Tóm lại, mọi tư tưởng bảo thủ, cố giữ lấy những cái đã lỗi thời, không phù hợp thực tiễn, tự nhận mình là đỉnh cao... thì nó trở thành sản phẩm của chủ nghĩa duy tâm, siêu hình, xa lạ với chủ nghĩa Marx-lenine.

Quay lại hệ thống chính trị của chúng ta trong những năm qua, nhận thấy, sự lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều điều tiếp tục can thiệp trực tiếp vào nhà nước, thậm chí có những cái còn sâu hơn. Ví dụ: công tác cán bộ, lực lượng vũ trang, tòa án, văn hóa tư tưởng... Mặc dù đã có luật (Luật do Quốc hội làm ra dưới sự lãnh đạo của Đảng), nhưng cấp ủy nhiều nơi vẫn “bắt tay chỉ việc” các cơ quan chính quyền. Ví dụ trong lĩnh vực báo chí, đã có 2 bộ luật (Luật Báo chí và Luật Xuất bản). Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực này là ngành Thông tin truyền thông từ địa phương đến Trung ương. Nhưng nhiều khi Ban Tuyên giáo của cấp ủy vẫn cứ can thiệp trực tiếp vào, thậm chí chỉ một bài báo, một tác phẩm văn nghệ (dù nó không vi phạm điều luật nào trong các bộ luật của Nhà nước, nhưng nó không vừa ý ai đó trong cơ quan lãnh đạo?). Sự can thiệp nhiều khi không có văn bản mà chỉ bằng một cú điện thoại của lãnh đạo cơ quan tư tưởng. Đó phải chăng là sự lấn sân, áp đặt? Làm như vậy thì Chính quyền nhà nước còn đâu tính độc lập để thực thi pháp luật theo chức năng của nó. Rồi, những vụ án cụ thể vẫn có “sự chỉ đạo cụ thể” của cấp ủy, nên mới xuất hiện danh từ “án bỏ túi”, xử không theo Luật, đôi khi những bào chữa của Luật sư trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa cũng không có tác dụng...

Đối chiếu với phương thức lãnh đạo của Đảng bằng chủ trương, đường lối, Nghị quyết và bằng sự nêu gương... thì thấy nhiều khi tổ chức Đảng đi quá giới hạn, trở thành áp đặt. Lãnh đạo mà áp đặt là mất dân chủ, vô hình trung sa vào quan điểm duy tâm.  Đặc biệt phương thức lãnh đạo của Đảng bằng sự nêu gương tốt của đảng viên thì lâu nay có vẻ mất tác dụng. Bởi vì, trong quá trình phát triển kinh tế đã xuất hiện một “bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng, sa đọa... khiến quần chúng mất lòng tin đối với họ và dẫn đến giảm sút lòng tin nói chung đối với Đảng. Ai cũng biết,  khi đã mất lòng tin thì mất hết. Đây là điều gay go nhất. Bởi vậy, Đảng phải có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và còn mở cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Song có vẻ như Nghị quyết khó làm chuyển biến tình hình và Cuộc vận động thì hình như chỉ giành cho những đảng viên ở cấp thấp? Vì thế, Đảng phải tìm nguyên nhân sâu xa, thật sự khoa học, phải lắng nghe chân thành các trí giả, các đảng viên lão thành đóng góp ý kiến để kịp thời điều chỉnh...

Nói về hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể thì từ Nghị quyết Trung ương 8B đầu những năm 90 đã chỉ ra “thiếu sót khuyết điểm” chính là, nó càng ngày càng bị hành chính hóa. Chức năng của nó là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, lẽ ra nó phải nói tiếng nói của nhân dân, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, nó phải phản biện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa phù hợp lòng dân, giúp cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh, sửa chữa... Nhưng ngược lại, Mặt trận và các đoàn thể hoạt động như một cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước, nó chỉ tuân theo một chiều tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những yêu cầu của Đảng và chính quyền (đôi khi chỉ là của cá nhân người đứng đầu cấp ủy), dù đó là điều sai trái, không hợp lòng dân. Và khi có những vấn đề nổi cộm như chính sách đất đai mà người nông dân bị thiệt thòi, họ khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí biểu tình phản đối chính quyền thì Mặt trận, các đoàn thể lại vào hùa chính quyền “ra tay” với người dân! Thế là đổ thêm dầu vào lửa, khiến tình hình xã hội càng thêm rối ren, phức tạp! Những rối ren, phức tạp từ trong dân không được nghiên cứu kỹ lưỡng, giải quyết có lý có tình mà ngược lại, một số quan chức sợ chạm vào lợi ích của mình hay của nhóm mình, nên đã vu cho cái bóng ma “thế lực thù địch”, rồi quay lưng lại đàn áp, vô tình biến nhân dân thành kẻ thù!  Những hành vi đó chỉ tích gió thành bão chứ không có lợi gì cho sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nó sẽ là tác nhân làm lung lay tận gốc Hệ thống chính trị! 

Một hệ thống tương tự như mặt trận và các đoàn thể ở các nước tiên tiến đều được gọi là xã hội dân sự. Xã hội dân sự hoạt động tốt nghĩa là phải bảo vệ được quyền làm chủ của nhân dân, khi chính quyền có biểu hiện quan liêu, lạm quyền (mà quyền đó về lý thuyết là của nhân dân trao cho) thì Mặt trận và các đoàn thể phải nói tiếng nói của nhân dân, bênh vực quyền lợi của nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật. Khi chế độ dân chủ được bảo đảm thì đó cũng là “kế sâu rễ, bền gốc”. Trong bài viết quan trọng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đã nhắc đến lời của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn hơn 700 năm trước, khi ông trăng trối với nhà vua: “Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc. Ấy là thượng sách để giữ nước”...

Hệ thống chính trị của Viêt Nam hiện nay cần có sự đổi mới phù hợp thực tiễn, phù hợp những đổi mới bước đầu trong kinh tế là rất cần thiết. Chỉ có đổi mới chính trị theo xu hướng mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, kịp thời điều chỉnh những quan điểm, chủ trương không còn phù hợp thực tiễn, khoan thư sức dân...thì mới mong đưa đất nước trở thành một nước Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mở rộng dân chủ không những không gây hại gì cho Đảng mà còn là phép màu lấy lại và củng cố được lòng tin của nhân dân vào Đảng. Không mở rộng dân chủ, không bao giờ ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, suy thoái trong Đảng, vốn là mối đe dọa lớn nhất đối với Đảng. Dân là gốc, sâu mọt trên cây khiến cho gốc rễ lung lay...

Hy vọng Đại hội XII sắp tới, Đảng đổi mới một bước quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị, kể cả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Riêng Mặt trận và các đoàn thể, cần đổi mới mạnh mẽ với tư cách là các tổ chức dân sự (cầu nối của nhân dân với Đảng và nhà nước), chứ không phải là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước... Làm được như vậy, chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển biến đi lên của Đất nước, tạo sức mạnh bảo vệ nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trước họa xâm lăng của ngoại bang.
                                                                                                                              N.N.D

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.