3114. Nền giáo dục – khoa học chạy theo ngôi sao

Nền giáo dục – khoa học chạy theo ngôi sao

Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan

Tôi có cảm giác như VN là một đất nước đang chạy đuổi theo những ngôi sao. Khi chuỗi quán cà phê Bene của Hàn Quốc khai trương, chúng ta thấy lũ lượt thanh thiếu niên xếp hàng chầu chực chỉ để gặp mặt hay xin chữ kí của một ngôi sao nhạc Hàn Quốc! Trước đó, có tập đoàn trả hàng trăm ngàn USD để mời sao từ nước ngoài về lên lớp cho công chúng. Các ngôi sao trong nước cũng được báo chí liên tục nhắc đến với sự thích thú và kính nể qua những trưng diện xa hoa và những phát ngôn ngông của họ. Nhìn từ xa và nhìn chung, có vẻ cả nước có khi lên đồng vì những ngôi sao.

Nhìn lại nền giáo dục và khoa học Việt Nam, tôi thấy hình như cả nước đang chạy theo những ngôi sao. Giáo dục trung học thì chạy theo những huy chương Olympic quốc tế. Giáo dục đại học thì mơ mộng đến có tên trong các bảng xếp hạng đại học “Top 200”. Có hẳn một quyết định của Chính phủ là đến năm 2020 sẽ có 1 đại học đẳng cấp quốc tế. Giáo dục thì thế, khoa học cũng chẳng kém trong cuộc chạy theo sao. Cứ mỗi lần Thuỵ Điển phát giải Nobel, thì VN có người than thở hỏi bao giờ VN sẽ có người lãnh giải Nobel. Giải Nobel trở thành một giấc mơ lãng mạng của khoa học VN.

Tôi cho rằng những nỗ lực chạy theo những sao như thế làm xao lảng những vấn đề quan trọng hơn và cấp bách hơn: đó là xây dựng nền tảng vững chắc và tạo momentum cần thiết để phát triển lâu dài và bền vững. Để minh hoạ cho cái tác hại của việc chạy theo sao, tôi phải nhờ đến vài con số (bạn đọc không cần nhớ những con số này). Thử tưởng tượng chúng ta có 2 dãy số A và B, mỗi dãy số có 6 giá trị:

A: 1, 1, 1, 2, 2, 53
B: 8, 9, 10, 10, 11, 12

Thấy gì qua hai dãy số? Cả hai đều có trung bình là 10 (và dĩ nhiên, tổng số là 60). Nhưng hai dãy số rất khác nhau về phẩm chất. Đối với A, có một giá trị outlier - ngoại vi (giá trị 53). Nếu bỏ giá trị này, số trung bình của A chỉ còn 1.4. Điều này cho thấy dãy số A không ổn định.

Trong khi đó số liệu của B cho thấy sự ổn định, vì tất cả số liệu đều nằm trong phạm vi kì vọng. Dù có loại bỏ một giá trị trong dãy số liệu vẫn không làm thay đổi đáng kể giá trị trung bình. Do đó, rõ ràng B có về phẩm chất cao hơn và ổn định hơn nhiều so với A.

Việt Nam có xu hướng đang làm theo A, tức là chạy theo outlier. Có hẳn một kĩ nghệ “luyện gà chọi” để đi thi và đoạt huy chương Olympic. Nhà nước thì có Quyết định đến năm 2020 sẽ có 1 đại học lọt vào danh sách “Top 200”. Đại học Quốc gia Hà Nội thì có hẳn một hợp đồng với Tập đoàn dầu khí để lên kế hoạch có giải Nobel năm 2020. Tất cả những hoạt động đó chỉ với một mục tiêu duy nhất là để có sao. Nhưng nay là 2014, khả năng mà một đại học lọt vào “Top 200” hay có người đoạt giải Nobel có vẻ rất thấp.

Nhưng giả dụ như VN có 2 trường đại học lọp vào “Top 200” và 5 nhà khoa học được trao giải Nobel thì có làm cho nền khoa học và giáo dục nước nhà tốt hơn. Tôi nghĩ câu trả lời là không. Cái chân lí rất đơn giản mà chúng ta quên: một cây làm chẳng nên non. Một vài ngôi sao giáo dục và khoa học không có đủ động lực hay momentum để lay chuyển cả một nền giáo dục. Một vài nhà khoa học đoạt giải Nobel sẽ không thể nào làm lay chuyển năng suất rất thấp 24,000 tiến sĩ và 11,000 giáo sư / phó giáo sư.

Nói ví von một chút: một lâu đài trong một xóm nhà lá thô sơ không làm cho xóm đó giàu sang hơn (nếu không muốn nói là lố bịch). Một đất nước với 1 tỉ phú bên cạnh 90 triệu dân với thu nhập 1500 USD/năm không phải là nước giàu, mà là nghèo yếu. Trong bóng đá, người ta phân biệt giữa đẳng cấp và phong độ. Trong giáo dục cũng thế, cũng có đẳng cấp và phong độ. Một nước với 1 đại học đẳng cấp quốc tế bên cạnh 99 đại học làng nhàng, thì đẳng cấp của nước đó vẫn là làng nhàng, chẳng làm ai tự hào.

Một phép tính đơn giản về công bố quốc tế. Nếu chúng ta chọn phương án (a) tập trung vào một đại học “sao” để công bố 2000 bài mỗi năm, và 9 trường đại học khác mỗi trường công bố 50 bài; hay (b) xây dựng năng lực để mỗi đại học công bố được trung bình 300 bài mỗi năm? Dĩ nhiên chúng ta chọn phương án thứ hai vì tính bền vững và nội lực cao. Sức mạnh của đám đông lúc nào cũng hơn sức mạnh của một cá thể, cho dù cá thể đó là đẳng cấp “sao”.

Do đó, tôi nghĩ rằng thay vì chạy theo những ngôi sao, hay những “giá trị ngoại vi”, Việt Nam cần đầu tư tài lực để (a) xây dựng cơ sở vật chất và nội lực để làm “bệ phóng” cho phát triển trong tương lai; và (b) xây dựng động lực và năng lực nghiên cứu khoa học để có khả năng duy trì sự phát triển một cách ổn định và bền vững. Chúng ta cần xây dựng nội lực và năng lực cho số đông chứ không nên tập trung tài lực để theo đuổi những ngôi sao.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.