3104. Số phận của những tác phẩm tham dự Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực

Số phận của những tác phẩm tham dự Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực
N.N.D
Nơi nghỉ chân - tác giả: Hoàng Quốc Thân (Hà Giang)
Huy chương vàng LHKV 14
Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực các tỉnh Miền núi phía Bắc lần thứ 14, khai mạc sáng nay tại TP Lạng Sơn. Thông thường, sau mỗi cuộc Liên hoan hầu như điều gây ra nhiều bàn tán nhất vẫn là khâu chọn ảnh treo và bộ giải thưởng do HĐGK quyết định. Có người nói, những tác phẩm ảnh có số phận của nó, đôi khi “vàng ròng, bạc nõn” vẫn có thể lẫn trong đống ảnh bị loại hoặc có thể chỉ được treo! Người ta chỉ biết trông chờ vào sự may rủi.

Xem thêmKết quả Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Miền Núi phía Bắc

Nguyên nhân ở đâu? Lãnh đạo Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN trong báo cáo tổng kết năm 2011, một trong những năm có nhiều phàn nàn nhất đã nhận định: việc thẩm định ảnh trong Liên hoan còn có vấn đề cần phải rút kinh nghiệm. Nhưng rút như thế nào? Mấy năm gần đây mới thấy có một động tác là thay đổi kíp Hội đồng Giám khảo (HĐGK) mỗi năm, (có lẽ để tránh cái nhìn theo “gu”, theo lối mòn), hy vọng cải thiện được chất lượng thẩm định.

Tuy nhiên, người viết bài này nhận thấy: Cách nhìn của mỗi kịp HĐGK có thể được thay đổi, cái gu năm nay khác năm ngoái, nhưng chất lượng thì cũng chưa hẳn được cải thiện.

Suy nghĩ miên man, nhiều khi thấy cũng tội cho những người được cử vào HĐGK. Họ cũng muốn khách quan, muốn gạt bỏ những gì là cảm tình hay thiên kiến, định kiến, họ cũng muốn bằng con mắt xanh của mình, chọn ra được những tác phẩm mà đa số tâm phục khẩu phục.

Nhưng ý muốn là một chuyện, kết quả là chuyện khác. Bởi mỗi thành viên HĐGK dù có là người giàu kinh nghiệm mấy thì họ cũng không phải là thánh sống.

Thứ nhất: đứng trước cả một rừng tác phẩm (chứ không phải chỉ một tác phẩm) thì, dù có tài năng mấy cũng không thể tránh lầm lẫn, hoặc chưa kịp đánh giá chân giá trị của mỗi tác phẩm thì đã phải “quyết” (cho vào hay loại ra). Hơn nữa, động tác dán kín tên tác giả xét cho cùng hiện nay cũng không có tác dụng mấy, bởi trong thời đại tin học, thành viên HĐGK có thể biết rất rõ tác phẩm của bất kỳ một ai, nếu cả hai bên đều muốn.

Thứ hai: đây mới là điều quan trọng. Cách thể hiện đánh giá tác phẩm của thành viên HĐGK được quy định theo một phương pháp cổ điển, là sử dụng phiếu màu (mỗi giám khảo một màu để thư ký dễ nhận diện phiếu đó là của thành viên GK nào). Chấm ảnh công khai nghĩa là thành viên GK thể hiện việc tán thành hay không thì chỉ bỏ cái phiếu màu của mình xuống bức ảnh đó trước mắt mọi người. Ở những vòng loại, trên phiếu không ghi điểm số, bởi chỉ cần 1 hoặc 2 phiếu theo quy ước là bị loại, loại đến khi còn lại đủ số lượng ảnh triễn lãm theo quy định thì dừng. Những bức ảnh còn lại là chắc chắn được treo. Số phận những tác phẩm trong đống hàng nghìn bức ảnh bị loại không còn ai nhớ đến nó nữa trừ tác giả, người mang nặng, đẻ đau ra nó.

Trong số những ảnh được treo đó, HĐGK chọn lấy một bộ giải theo số lượng và cơ cấu do BTC quy định. Ví dụ bộ ảnh 20 giải gồm 2 vàng, 4 bạc, 6 đồng, 8 khuyến khích từ trong 206 ảnh treo thì HĐGK tiếp tục thực hiện vòng loại (như đã làm ở trên). Khi còn lại 20 ảnh vào vòng chung kết thì, những phiếu màu của từng thành viên GK có ghi điểm từ 1 đến 5. Khi bỏ phiếu, các phiếu được úp xuống (chỉ giấu số điểm).Tất nhiên, kết quả Từ Khuyến khích đến Vàng sẽ tỉ lệ thuận với điểm số của mỗi tác phẩm.

Về mặt logic hình thức thì cách làm đó có vẻ khoa học và khách quan. Tuy nhiên, người viết bài này nghĩ rằng, ở các vòng loại, từng thành viên HĐGK rất dễ bị chi phối bởi “tâm lý tự ti” và “tâm lý đám đông”, thậm chí không loại trừ có thành viên HĐGK đã biết mặt tác phẩm của tác giả nào đó (trong thời đại tin học điều này hết sức đơn giản)... dẫn đến có thể không ít tác phẩm bị oan, khi số phận của nó phải “chia tay đồng đội”, ngược lại, có những tác phẩm cũng do sự chi phối đó mà “một phút lên tiên”...

Xin giải thích “tâm lý tự ti” là gì? Thành phần của HĐGK trong những năm gần đây, chúng tôi thấy thường là không đồng đều về trình độ chuyên môn, uy tín xã hội... Vì thế, lá phiếu của người có uy tín nhất dễ “lung lạc” tâm lý của người khác trong Hội đồng. Hiện tượng “ăn theo” không thể không có. Có người muốn tỏ ra có quan điểm độc lập nhưng khi thấy ông thành viên “đại ca” bỏ phiếu vào một tác phẩm nào đó, để giữ sĩ diện trước công chúng, cũng có vẻ “không cần ăn theo” ngay, nhưng vòng ra vòng vô đôi lần rồi cuối cùng cũng ...vật phiếu xuống theo “đại ca”!

Còn “tâm lý đám đông” là khi tác phẩm kia đã có 2, 3...phiếu rồi, thì mình cũng dễ dàng “nã” cho nó một phiếu nữa, để thể hiện rằng tư duy của mình cũng đâu có kém cạnh đồng nghiệp. Tóm lại khi bỏ phiếu công khai, nhưng các thành viên HĐGK biết rõ ý nhau, thì khó có thể giữ được quan điểm độc lập của từng thành viên HĐGK. Đây là vấn đề tâm lý khi mà đứng trước cả một rừng tác phẩm, không thể nhanh chóng có được những phát hiện sâu sắc!... Tôi phải thành thật xin lỗi, không có ý hạ thấp tính độc lập của các nghệ sĩ thành viên HĐGK có bản lĩnh, nhưng bị ảnh hưởng tâm lí này là một quy luật của cuộc sống.

Có người cho rằng, phương pháp thẩm định ảnh trên đây của HĐGK là “cổ điển” rồi, sao có thể thay đổi? Nhưng chúng ta nên gắn nó với điều kiện lịch sử cụ thể. Ngày trước, những người trong thành viên HĐGK thường là tương đương nhau, trứng gà trứng vịt, ảnh hưởng cá nhân trong Hội đồng ít hơn. Bây giờ thì chênh lệch nhau cả chuyên môn và uy tín xã hội. Ngày trước, bệnh háo danh trong xã hội tuy có nhưng không trở thành “nạn dịch” như bây giờ. Ngày trước, hệ thống thông tin liên lạc không hiện đại như bây giờ để đến mức thành viên HĐGK có thể (không loại trừ) biết trước tác phẩm của ai đó đã dán kín tên... Tóm lại, ngày trước khác bây giờ, vì thế mọi thứ đều phải điều chỉnh sao cho kết quả cuối cùng của mỗi cuộc Liên hoan ảnh khu vực thực sự khách quan, tạo động lực kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ.

Hy vọng, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN có thể nghiên cứu nghiêm túc, nếu cần nên tổ chức hội thảo khoa học về Thẩm định ảnh, để có được những quyết sách tránh cho sự may rủi của những tác phẩm tham dự.

                                              9h sáng 25/08/2014/ 
N.N.D



Nhận xét

Nặc danh đã nói…
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Giám khảo ngồi ở trên cao,mắt mờ...

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.