Ông "Vua tính tẩu" và "nghệ nhân điếu ục"

Ông “vua tính tẩu” 
và “nghệ nhân điếu ục”
                              Nguyễn Ngọc Dương

Ông Nông Văn Nhay tấu lên
một đoạn dân ca Thái
Biệt danh “vua tính tẩu” là do bà con dân tộc Thái ở Lai Châu phong cho ông Nông Văn Nhay. Mà nhắc đến quý danh Nông Văn Nhay thì chẳng phải chỉ bà con xứ Mường So, Phong Thổ mà cả tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên, cả vùng Tây Bắc không ai là không biết đến.
Ông là nghệ nhân dân gian tài hoa đã cả đời gắn bó với cây đàn tính tẩu của người Thái. Báo chí viết về ông khá nhiều. Rằng Nông Văn Nhay ông “vua tính tẩu”, rằng cây đàn tính với nghệ nhân “không tuổi”, rằng vua tính tẩu so đàn hai dây... Rồi những đánh giá: “Không khó để tìm một cây đàn tính nhưng cây đàn tính trong tay ông Nông Văn Nhay đích thị là vật quý” (Nhà thơ Đỗ Thị Tấc), rồi là “Bà con Mường So gọi ông Nông Văn Nhay là người giữ hồn cây đàn tính tẩu” (VOV) v.v và v.v.
Nhưng hôm nay tôi muốn nói đến một Nông Văn Nhay khác. Đó là một... “nghệ nhân điếu ục”. Hôm 19/12/2012, tôi cùng nhạc sĩ Phùng Chiến, nhà văn Trần Chiến và nhạc sĩ Vương Khon từ Mường Tè về thị xã Lai Châu. Qua thị trấn Phong Thổ chúng tôi rẽ vào thăm ông. Một nghệ nhân “vàng ròng” như ông tại sao có dịp qua Phong thổ lại không vào? Hơn nữa nhạc sĩ Vương Khon còn khoe: ông Nông Văn Nhay chính là anh rể của nhạc sĩ. Mấy ông trong giới âm nhạc và sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian đối với Nông Văn Nhay thì quá thân thiện rồi. Còn tôi, một gã bất tài, vô danh lại là người khác tộc, sống ở Lào Cai làm sao lại có cớ quen biết nghệ nhân? 
Chẳng là có một cái duyên kỳ ngộ từ hơn 5 năm trước. Trong dịp Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Lai Châu mới lần thứ nhất khai mạc, tôi được mời dự với tư cách đại diện Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai. Tôi tặng cho Đại hội một chiếc đồng hồ. Đó là món quà nhỏ nhoi với ý tưởng rằng tỉnh mới lập, Hội văn nghệ đang đi những bước đầu tiên, còn nhiều thời gian cho giới văn nghệ sĩ Lai Châu làm nên những kỳ tích trong tương lai. Khi trao quà, ông Nông Văn Nhay cùng Đoàn chủ tịch lên nhận và sau đó,  bất ngờ tôi được ông tặng lại chiếc đàn tính tẩu hai dây của người Thái. Tôi hết sức ngỡ ngàng, cảm động bởi tôi không biết đánh đàn mà được tặng đàn. Nhưng với cử chỉ ấy, tôi biết ông quý tôi như thế nào. Cây đàn tính tẩu đối với ông là hồn vía của dân tộc Thái, của quê hương ông, của chính bản thân ông. Nó là một loại hình văn hóa phi vật thể quý giá, gắn bó với ông từ thuở mười ba. Tôi hiểu rằng, cây đàn này không phải ai ông cũng có thể tặng...

Vậy là hôm nay tới nhà ông, tôi cũng không đến nỗi vô duyên. Cái đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là những quả bầu khô treo lủng lẳng ngay trước cửa nhà. Đó là một trong những vật liệu chính để sản xuất đàn tính tẩu (tẩu là quả bầu). Nhưng khi bước vào nhà, cái mái hiên dài được ông gia cố vào ngôi nhà chính để làm nơi tiếp khách kiêm “xưởng sản xuất” thì nổi bật lại không phải là vật liệu làm đàn mà là những vật liệu làm ...điếu ục. Những ống nứa, những mẩu gỗ dâu rừng, những vỏ hộp bia, rồi dao, dùi, cưa, đục...để la liệt dưới nền nhà. Tôi đồ rằng  đây chính là nơi ông đã cho ra đời những cây đàn tính tẩu trứ danh. Bây giờ nó trở thành công xưởng sản xuất điếu hút thuốc lào.

Sản phẩm điếu ục

Hỏi, ông làm điếu thế này thu nhập mỗi tháng được bao nhiêu? Vốn là người vui tính, hài hước, hóm hỉnh, ông không trả lời trực diện mà mỉm cười rồi thủng thẳng: “lương hơi cao”. Quả đúng vậy, mỗi ngày ông cho ra đời 5 cái điếu, mỗi cái trị giá 70 nghìn đồng, thu nhập 350 nghìn/ngày. Cứ “tính cua trong lỗ” như thế ông có trên dưới chục triệu một tháng! Đúng là cao thật. Nhà văn Trần Chiến ra vẻ thạo hạch toán giúp ông: “Vậy ông phải trừ chi phí đầu vào chứ?” Ông nói luôn: “Các cháu nó mang nứa về bán cho tôi, mỗi gióng làm được một cái điếu trả chúng nó 3 nghìn. Còn gỗ dâu rừng để làm nõ điếu cũng chẳng đáng bao nhiêu... Tôi nhẩm tính, vậy thì 5 cái điếu của ông cứ cho là một ngày chi phí đầu vào mất 50 nghìn, ông cũng còn 300 nghìn kia mà. Chín triệu 1 tháng, bây giờ làm gì thu nhập được thế? Ông chìa ra cho chúng tôi xem cái nõ điếu bằng gỗ dâu. Dài khoảng 20 xăng ti mét, ông tiện thủ công rất điệu nghệ. Ông bảo công đoạn khó khăn nhất là dùi cái lỗ nõ. Nom có vẻ như người Mông khoan nòng súng kíp, một kỳ tích của dân tộc này trong lịch sử. Cái lỗ nõ này là “linh hồn” của cái điếu ục. Nếu nhỏ quá thì khi hút, nhựa thuốc lào bám vào gây tắc, khiến phải thông liên tục. Nếu rộng quá thì khi hút cảm thấy như điếu hở, hụt hơi, mất ngon. Để cho cái điếu sôi lên ùng ục (đúng như cái tên của nó), thì ở đáy cái nõ điếu phải rất vuông vắn, khi cắm vào ống điếu nghiêng 30 độ, nó hở ra một khoảng trống để sục nước tạo thành tiếng “ùng ục”, lọc cho khói thuốc lào bớt tạp chất và làm mát trước khi hít “chất bổ dưỡng” vào người...

Mấy ngày đi với nhau trên Mường Tè, nhạc sĩ Vương Khon biết tôi nghiện thuốc lào, lúc nào cũng kè kè cái điếu ục xấu xí do Việt Hoàng cán bộ hội Văn nghệ Lai Châu mượn cho từ hôm mới đến. Bởi vậy, Vương Khon đã có “âm mưu” gà ông Nhay tặng tôi một cái điếu, sản phẩm do chính tay ông làm ra để kỷ niệm. Tợp xong chén nước chè Tam đường, Vương Khon khẽ đằng hắng và trân trọng giới thiệu: “Anh biết Ngọc Dương rồi nhưng tôi giới thiệu thêm, Ngọc Dương quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng nơi sản xuất thuốc lào nổi tiếng... thế giới. Ngọc Dương hút thuốc lào là để giữ cái hồn quê, như Nông Văn Nhay sản xuất và chơi đàn tính tẩu vậy. Vừa rồi lên Lai Châu, văn phòng hội mượn cho anh cái điếu trông xấu mã quá!...” Vương Khon bỏ lửng không nói nữa. Ông Nông Văn Nhay cũng giả vờ không nghe thấy. Ông “đánh trống lảng” đứng lên lôi cây đàn tính tẩu xuống tấu lên một đoạn dân ca Thái... Mọi người đổ dồn mắt vào nhìn Nông Văn Nhay. Còn tôi rút vội máy ảnh ra khỏi túi, bấm một ....phát kỷ niệm, một mặt cũng là để chữa ngượng. Biết đâu ông nhìn thấy "ruột gan" ông em rể định “chơi” ông một quả mất toi hai mươi phần trăm thu nhập của một ngày lao động vất vả! Tôi nghĩ bụng, hỏi mua, chắc gì ông bán? Mà ông không bán, lại tặng thì ngượng lắm nên đánh bài tảng lờ. 


Tác giả thử điếu. Ảnh Ngọc Thắng
                            Nhìn thấy dăm bẩy cái khèn Mông treo trên xà nhà, Phùng Chiến hỏi: “ Sao những cái khèn này có vẻ hơi ngắn?” “Đúng. Tôi sang Sa Pa mua về cắt bớt đi để bán cho các cháu nó múa...” Nhạc sĩ Phùng Chiến nói luôn: “Hóa ra nhạc cụ dân gian bây giờ biến thành...đạo cụ”. Tôi thầm nghĩ: “Cái đàn tính của ông Nông Văn Nhay ở đâu đó cũng chỉ làm đạo cụ, họ dùng cho tốp nữ múa phụ họa, mà có nó làm tăng vẻ đẹp cho điệu múa”. Đúng là những người đánh đàn tính thật sự, thổi khèn thật sự bây giờ quá ít!
Thảo nào mà ông “vua tính tẩu” bây giờ biến thành “nghệ nhân” làm điếu ục!
 Khi chia tay, mọi người đứng lên, ông Nông Văn Nhay chạy vội vào nhà trong, ông mang ra một cái điếu ục rất xinh xắn, sản phẩm đang “lưu kho” của ông. Ông trịnh trọng đưa lên ngang ngực và nhỏ nhẹ: “Cái điếu này nhỏ nhắn, rất hợp với ông. Tôi tặng ông làm kỷ niệm”. Tôi xúc động không biết nói gì, đón lấy cái điếu ục của dân tộc Thái, vừa rưng rưng vừa xấu hổ về những ý nghĩ xấu xa, vớ vẩn lúc nãy.
 Bây giờ tôi mới hiểu, có những lúc Nông Văn Nhay trăn trở về ước vọng của mình. Ông muốn cho cây đàn tính tẩu phải nhiều người trong dân tộc ông sử dụng được. Tiếng đàn tính tẩu phải luôn vang lên mọi ngõ ngách của thôn xóm bản làng. Nó khích lệ những sắc áo cóm duyên dáng bay lượn trong điệu xòe. Ông muốn cho hồn cốt dân tộc Thái mãi mãi không bị mai một bởi sự tác động của cơn lốc thị trường. Ông không muốn những giá trị văn hóa truyền thống đã ngấm vào lớp người “cổ lai hy” như ông bây giờ bị nhấn chìm bởi những đồng tiền hai mặt. Bởi vậy lúc nãy, khi nói nhiều đến cái điếu cày, một sản phẩm mưu sinh trước mắt của ông thật đấy, nhưng có lẽ khiến ông buồn, ông nhớ đến cây đàn tính tẩu, và ông phải đứng phắt lên rút cây đàn tấu lên một đoạn dân ca Thái...

Lào Cai, 24/12/2012

Nhận xét

congtheblocg đã nói…
Quả là bác phó nhòm dạo này phát tiết toàn món hay, độc. Không phải ai cũng được đi và gặp được như vậy đâu! Hay hơn "một thoáng Lai Châu" bác ợ. Em thích thể loại này.

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.